Phóng viên danh dự

16.12.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Các đại biểu tại hội thảo quốc tế “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: điểm tựa cho hợp tác tương lai”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Các đại biểu tại hội thảo quốc tế “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: điểm tựa cho hợp tác tương lai”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Việt Nam và Hàn Quốc, với nền tảng văn hóa Đông Á giàu bản sắc, đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác sâu sắc qua nhiều thập kỷ. Trải qua những biến chuyển lịch sử, hai quốc gia không chỉ vượt qua các thử thách để gắn kết hơn mà còn đặt nền móng cho một tương lai hợp tác bền vững. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác đã tiến xa với nhiều cột mốc quan trọng, thể hiện sự tin cậy và cam kết chung trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và công nghệ.

Hòa vào dòng chảy toàn cầu hóa, mối quan hệ Việt - Hàn ngày càng thăng hoa, trở thành hình mẫu hợp tác hiệu quả trong khu vực. Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự hiểu biết và giao lưu giữa hai nước, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: Nền tảng cho hợp tác tương lai” vào ngày 30/11. Sự kiện này là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ những góc nhìn mới và đề xuất giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM, chia sẻ rằng chủ đề hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm thành lập ngành Hàn Quốc học cho thấy một ý nghĩa đặc biệt trong việc xem xét mức độ gắn kết chặt chẽ giữa hai nước về mặt lịch sử. Ông Shin tin rằng mối quan hệ lịch sử lâu dài giữa hai nước là nền tảng cơ bản cho sự hợp tác mạnh mẽ của chúng ta ngày nay, và sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực cho sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương trong tương lai.

Ông Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM phát biểu tại hội thảo “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: Nền tảng cho hợp tác tương lai” diễn ra vào ngày 30/11/2024. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ông Shin Choong Il - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM phát biểu tại hội thảo “800 năm quan hệ giao lưu Việt Nam - Hàn Quốc: Nền tảng cho hợp tác tương lai” diễn ra vào ngày 30/11/2024. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Với chủ đề “Hàn Quốc học với tư cách một chuyên ngành khu vực học: 30 năm Hàn Quốc học ở Việt Nam” của GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, hội thảo đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục Hàn Quốc học, các Trưởng bộ môn ngành Hàn Quốc học tại các trường Đại học ở Việt Nam như: TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam; TS. Trần Thị Hường -Trưởng khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc trường Đại Học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Thị Ngọc - Trưởng khoa tiếng Hàn trường Đại học Hà Nội; TS. Lê Thị Thu Giang - Trưởng khoa Đông Phương học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trần Lan Anh - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; TS. Bùi Phan Anh Thư - Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Công nghệ TP.HCM; và TS. Đinh Thị Lý Vân - Trưởng ngành Đông phương học Khoa Xã hội và Nhân văn trường Đại học Văn Lang.

GS.TS. Phan Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ tọa hội thảo. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

GS.TS. Phan Thị Thu Hiền - nguyên Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ tọa hội thảo. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



◌ Bối cảnh quan hệ Việt - Hàn và quá trình hình thành, phát triển chuyên ngành Hàn Quốc học 30 năm qua

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc có nguồn mạch 800 năm kể từ khi hoàng tử Lý Long cùng gia tộc di cư tới bán đảo Triều Tiên, lập nên dòng họ Lý Hoa Sơn. Lịch sử bang giao được tiếp nối qua những cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Đại Việt và Joseon khi cùng đi sứ Trung Hoa.

Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (trong số 148 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư) ở Việt Nam, với FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) lũy kế hết tháng 9/2024 cao nhất cả về tổng vốn đăng ký (88,3 tỷ USD, chiếm gần 18%) lẫn số dự án (hơn 10.000 dự án, chiếm hơn 24,3%). Cho đến 2023, khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam. Hàn Quốc và Việt Nam cũng được gọi là “Đất nước thông gia” với khoảng 90.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Số lượng người hâm mộ làn sóng Hallyu của Việt Nam không ngừng tăng từ năm 2012 đến nay. Ngoài ra, số lượng người hâm mộ K-pop ở Việt Nam đứng thứ ba thế giới vào cuối năm 2022 với 13,3 triệu người.

◌ Quá trình hình thành, phát triển chuyên ngành Hàn Quốc học 30 năm qua

Theo thống kê thường niên của Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF), ở Việt Nam 30 năm qua, số lượng các trường đại học có đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc không ngừng tăng về số lượng, nhất là trong giai đoạn 2014 - 2019 (tăng 2,2 lần trong vòng 5 năm). Trong đó, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM từ đầu đã định hướng chuyên ngành Hàn Quốc học và luôn giữ vị trí tiên phong về nâng tầm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học ở Việt Nam.

◌ Phiên thảo luận toàn thể

Cũng tại hội thảo, phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai” đã được tiến hành dưới sự dẫn dắt của GS.TS. Phan Thị Thu Hiền - nguyên trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và GS. Kim Jong Cheol từ trường Đại học Quốc gia Seoul. Tại đây, các đại biểu đại diện các trưởng khoa ngành Hàn Quốc học tại các trường Đại học ở Việt Nam đã quy tụ và cùng thảo luận về phương hướng, kế hoạch phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.

Mở đầu phiên thảo luận, GS. Kim Jong Cheol nhận định ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiêu biểu là lịch sử hình thành và phát triển 30 năm. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để phù hợp với xu hướng hiện đại, cần tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực này nhằm mang lại hiệu quả vượt trội. AI không chỉ hỗ trợ đổi mới phương pháp học mà còn khơi dậy đam mê cho người học tiếng Hàn, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.

GS. Kim Jong Cheol từ trường Đại học Quốc gia Seoul (ở giữa) đã chia sẻ tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

GS. Kim Jong Cheol từ trường Đại học Quốc gia Seoul (ở giữa) đã chia sẻ tại phiên thảo luận toàn thể về chủ đề “Phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong tương lai”. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Ngoài ra, GS. Kim đề xuất mở rộng hợp tác với các ngành Hàn Quốc học tại các nước Đông Nam Á, tạo ra mạng lưới nghiên cứu đa chiều và bền vững. Sự hợp tác này không chỉ giúp chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm mà còn thúc đẩy các dự án liên ngành, xây dựng một cộng đồng học thuật mạnh mẽ. Việc kết nối giữa các quốc gia sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các góc nhìn đa dạng, làm giàu thêm nền tảng tri thức và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành Hàn Quốc học trong khu vực.

Ngoài ra, ông Kim Jong Cheol còn nhấn mạnh rằng, ngành Hàn Quốc học không nên chỉ dừng lại ở việc giảng dạy tiếng Hàn mà cần có nhiều hơn nữa các khóa học về văn hóa, thương mại, kinh tế Hàn Quốc để người học được trang bị thêm đa dạng kiến thức, từ đó có thể dễ dàng tiếp xúc với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thêm vào đó, các trường Đại học ở Việt Nam nên có nhiều chính sách tiếp nhận du học sinh từ Hàn Quốc. Bởi vì như vậy sẽ tạo ra được môi trường, văn hóa Hàn Quốc ngay chính tại Việt Nam, điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc trao đổi ngôn ngữ và văn hóa cho học sinh hai nước.

Tiếp sau lời phát biểu của GS. Kim Jong Cheol, TS. Lưu Tuấn Anh cho hay, sau 30 năm phát triển thì hiện nay có rất nhiều trường Đại học ở Việt Nam có đào tạo tiếng Hàn. Và ngành giáo dục tiếng Hàn ở Việt Nam cũng đang cân nhắc việc sử dụng AI. Lấy nhu cầu xã hội Hàn Quốc và Việt Nam làm trọng tâm và vấn đề đa văn hóa, từ đó cần phải cân nhắc làm sao để ứng dụng hiệu quả vào giáo dục tiếng Hàn.

Ông Lưu Tuấn Anh cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay ngành giáo dục tiếng Hàn tại Việt Nam cũng đã và đang tiến hành biên dịch sang tiếng Việt nhiều tài liệu về văn hóa, lịch sử Hàn Quốc của các giáo sư Hàn Quốc. Bên cạnh việc biên dịch các tài liệu, giáo trình giáo dục Hàn Quốc học cho người nước ngoài thì ngành giáo dục tiếng Hàn cũng đang trong kế hoạch biên soạn ra các giáo trình về tiếng hàn cho người Việt Nam.

TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (ở giữa) đã chia sẻ về kế hoạch biên soạn giáo trình dành riêng cho người Việt Nam. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

TS. Lưu Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam (ở giữa) đã chia sẻ về kế hoạch biên soạn giáo trình dành riêng cho người Việt Nam. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Ngoài ra, ông Lưu Tuấn Anh còn cho biết thêm, việc liên kết giáo dục ngành Hàn Quốc học với các ngành học khác đã từng được đề cập và lên phương án từ nhiều năm trước nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Ông mong rằng thông qua buổi hội thảo với sự quy tụ của nhiều chuyên gia từ Hàn Quốc và Việt Nam, trong tương lai ngành Hàn Quốc học sẽ có những bước tiến nhảy vọt hơn nữa.

Cũng trong hội thảo, TS. Bùi Phan Anh Thư đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo tiếng Hàn song song với chuyên ngành, nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp chuyên môn với người Hàn Quốc. Bà cho rằng, việc thay đổi chương trình đào tạo là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại. Đồng thời, việc tạo dựng một hệ sinh thái học tập và nghiên cứu đồng hành với xã hội Hàn Quốc sẽ giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

TS. Bùi Phan Anh Thư - Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Công nghệ TP.HCM (ở giữa) nhấn mạnh về việc đào tạo song ngành. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

TS. Bùi Phan Anh Thư - Trưởng khoa Hàn Quốc học trường Đại học Công nghệ TP.HCM (ở giữa) nhấn mạnh về việc đào tạo song ngành. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Tổng kết các ý kiến được thảo luận trong hội thảo, GS.TS Phan Thị Thu Hiền cho rằng “tài chính” và “hợp tác” là hai từ khóa để phát triển ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam. Cần hợp tác các trường trong khu vực về giao lưu, về chương trình đào tạo để phát triển hơn nữa. Đặc biệt, cô Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh, cần có một giáo trình dành riêng do người Việt để đạt được hiệu quả cao nhất, giúp cho sinh viên dễ tiếp cận. Để làm được điều này mong rằng phía các giáo sư Hàn Quốc và các cơ quan chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ để giáo trình này sớm được triển khai. Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa và cải tiến chất lượng giảng dạy Hàn Quốc học tại Việt Nam, mà còn là một biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia.

Kết thúc hội thảo, các chuyên gia và đại biểu đều đồng lòng rằng sự phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam không chỉ dựa trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ lịch sử và giao lưu văn hóa lâu đời, mà còn cần sự đổi mới liên tục để thích ứng với thời đại. Hội thảo đã khẳng định vai trò của Hàn Quốc học như một cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, hướng tới một tương lai hợp tác bền vững và thịnh vượng.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.