Phóng viên danh dự

03.02.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Từ tháng 12/2024 đén tháng 1/2025, chương trình “Robot Explorer 2024” đã được tổ chức dành cho con em trong các gia đình đa văn hóa và các trẻ em hồi hương Việt - Hàn. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Từ tháng 12/2024 đén tháng 1/2025, chương trình “Robot Explorer 2024” đã được tổ chức dành cho con em trong các gia đình đa văn hóa và các trẻ em hồi hương Việt - Hàn. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Nguyễn Thị Vân Anh

Tiếp nối thành công của dự án LS IT CLASS 2022 “Robolution Festival” do tập đoàn LS Hàn Quốc tài trợ, COPION Việt Nam đã tổ chức chương trình lắp ráp robot “Robot Explorer 2024” dành cho con em trong các gia đình đa văn hóa và các trẻ em hồi hương Việt - Hàn. Chương trình có tất cả 7 buổi được diễn ra đều đặn vào mỗi buổi sáng Chủ nhật hàng tuần, từ 9h30 đến 11h30 từ ngày 8/12/2024 đến 19/01/2025 tại Trung tâm Ước mơ LS Hải Phòng.

Chương trình “Robot Explorer 2024” được tổ chức nhằm tạo cơ hội giúp các em nhỏ được hòa mình vào thế giới công nghệ hiện đại, nơi những chiếc robot không chỉ được lắp ráp, lập trình mà còn khơi dậy những câu chuyện về trí tưởng tượng không giới hạn. Tại đây, các em dần được làm quen với khái niệm STEM trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đồng thời, qua hoạt động lắp ráp đa dạng, các em cũng sẽ có những khoảng thời gian vui chơi hết mình và được phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm; cũng như khả năng giao tiếp, kết nối đa văn hóa với các bạn xung quanh.

Mình đã may mắn có cơ hội được tham gia chương trình với tư cách là một tình nguyện viên hỗ trợ. Hãy cùng xem các em nhỏ tại trung tâm đã lắp ráp và “chinh phục” những mô hình robot nào trong khoảng thời gian chương trình diễn ra nhé!


Buổi 1: Lắp ráp mô hình robot phát hiện vật cản

Robot phát hiện vật cản là robot khi chạm vào vật cản sẽ tự nhảy công tắc để bật cảm biến phán đoán vị trí của vật cản, sau đó từ từ di chuyển sang hướng khác để tránh vật cản. Trước khi thực hành lắp ráp, các em nhỏ được nghe giới thiệu tổng quát về định nghĩa và vai trò của các thành phần cơ bản của robot như bảng mạch, linh kiện,... cũng như cách lắp pin và dây sao cho chính xác.

Các em lần đầu được làm quen với bộ linh kiện lắp ráp và mô hình robot. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Các em lần đầu được làm quen với bộ linh kiện lắp ráp và mô hình robot. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Vì là buổi lắp ráp đầu tiên nên các em không tránh khỏi những sự bỡ ngỡ và ngại ngùng khi cần nhờ sự trợ giúp của các anh chị. Trái với dự tính ban đầu của chúng mình, phần lớn các em đều lắp đúng theo hướng dẫn trong sách nên những khoảng thời gian còn lại sau khi đã lắp và tháo xong, các em nhỏ có thể chơi tại chỗ, cũng như tìm đọc và mượn sách trong thư viện của trung tâm.


Buổi 2: Lắp ráp mô hình robot xe tuần tra

Robot xe tuần tra là mô hình robot có thể đi khắp nơi để ngăn chặn tội phạm hoặc các tai nạn có thể xảy ra xung quanh chúng ta. Điểm mấu chốt trong cơ chế hoạt động của robot xe tuần tra chính là còi báo động.

Trong quá trình lắp, các em nhỏ chủ yếu cần đến sự hướng dẫn khi lắp pin và dây vào các mạch của động cơ. Đây cũng mới là buổi thứ 2 nên còn khá nhiều em chưa quen các linh kiện trong bộ lắp ráp, đặc biệt là khi phân biệt các loại ốc vàng, trắng và đen.

Sau khi lắp xong, chúng mình cùng các em kiểm tra xem đèn báo động và âm thanh có hoạt động đúng hay không, cũng như xe tuần tra đã hoạt động đúng theo sự điều khiển của người sử dụng, chẳng hạn như đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải,... hay chưa.

Các em nhỏ tập trung lắp ráp mô hình robot xe tuần tra. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Các em nhỏ tập trung lắp ráp mô hình robot xe tuần tra. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Buổi 3: Lắp ráp mô hình robot cá sấu Ally

Robot cá sấu Ally gắn liền với hình ảnh các trò chơi may rủi, vì nếu không phản ứng nhanh sẽ bị cá sấu cắn.

Hoạt động trong buổi lần này được triển khai theo nhóm, cứ 2 bạn cùng lắp chung một chú cá sấu. Đây chính là cơ hội để các em nhỏ có thể cùng hợp tác và làm quen với những người bạn mới. Sau khi lắp xong, chúng mình đã cùng các em kiểm tra xem mô hình có hoạt động không và chơi trò “Cạp cạp cạp”. Trò chơi rất đơn giản, từ hai đến ba người trong nhóm lần lượt nhấn một nút trong miệng con cá sấu. Ai bị Ally cắn thì sẽ thua.

Hoạt động “ghép cặp” cùng lắp ráp cá sấu Ally giúp các em nhỏ trở nên thân thiết với nhau hơn. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Hoạt động “ghép cặp” cùng lắp ráp cá sấu Ally giúp các em nhỏ trở nên thân thiết với nhau hơn. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Buổi 4: Lắp ráp mô hình robot con gián Rochi

Robot con gián Rochi khi gặp vật cản hoặc không tìm thấy đường đi sẽ lùi lại và đi hướng khác. Nếu nhấn công tắc ở phía sau đuôi robot, nó sẽ đứng yên trong 3 giây rồi mới tiếp tục di chuyển.

Cũng giống như 3 buổi lắp trước đó, các em nhỏ nhanh chóng ổn định vị trí nghe giới thiệu về mô hình robot sẽ lắp ráp và tiến hành theo các bước hướng dẫn trong sách. Ngoài hoạt động lắp ráp, các em còn được ra bên ngoài phòng học để thử chạy mô hình xem hướng di chuyển của robot Rochi.

Các em nhỏ lắp ráp robot như thường lệ với sự quan sát, trợ giúp của các anh chị. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Các em nhỏ lắp ráp robot như thường lệ với sự quan sát, trợ giúp của các anh chị. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Ngoài ra, trong buổi này, chương trình cũng đã tổ chức trò chơi “Không lối thoát” bằng cách dựng một mê cung hình vuông đơn giản có lối ra bằng băng dính đen. Việc của các em nhỏ là thả các robot Rochi vào trung tâm mê cung xem chúng có tìm được lối ra không. Mô hình robot của em nhỏ nào về đích càng nhanh thì càng nhận được phần quà lớn.

Trong trò chơi “Không lối thoát”, các em nhỏ hồi hộp cùng quan sát xem liệu mô hình robot của mình có về đích nhanh nhất hay không. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Trong trò chơi “Không lối thoát”, các em nhỏ hồi hộp cùng quan sát xem liệu mô hình robot của mình có về đích nhanh nhất hay không. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Buổi 5: Lắp ráp mô hình robot chiến đấu

Robot chiến đấu là robot điều khiển có dây với cấu tạo dẹt, dốc rất nhanh nhẹn, không chỉ mạnh mẽ ở thế phòng thủ mà còn vô cùng thiện chiến với khả năng xông vào và đẩy đối thủ ra khỏi vùng tham chiến.

Dù đã thực hành lắp ráp các mô hình robot trong 4 buổi trước đó, song do các em đang trong độ tuổi thích chơi, dễ mất tập trung nên vẫn cần sự hướng dẫn của các chị tình nguyện viên. Sau khi đã hoàn thiện mô hình robot, các em nhỏ tự chơi với nhau, tạo nên một đấu trường sôi động, nơi những chú robot chiến đấu không ngừng tấn công đối phương.

Cuối buổi, một vài em bố mẹ chưa tới đón nên chúng mình đã cùng các bé ra sân vận động gần trung tâm chơi. Sân vận động với các trò đu quay, lướt sóng,... giống như “trạm sạc năng lượng” giúp các em nhỏ vận động trở lại sau những lúc liên tục ngồi lắp ráp dễ có thể khiến các em mất hứng thú.

Các tình nguyện viên chủ động hỗ trợ các em nhỏ trong quá trình lắp robot chiến đấu. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Các tình nguyện viên chủ động hỗ trợ các em nhỏ trong quá trình lắp robot chiến đấu. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Buổi 6: Lắp ráp mô hình robot cún con Toto

Robot cún con Toto được cảm biến theo hướng di chuyển của bàn tay người điều khiển. Khi muốn Toto lùi lại chỉ cần nhấn nút bấm trắng trên mũi con robot này.

Ngay từ tên gọi “robot cún con Toto” đã khơi dậy sự tò mò và hứng thú tham gia của các em nhỏ. Các em liên tục hỏi chúng mình về mô hình sẽ được lắp trong buổi lần này: “Chị ơi robot con cún là như thế nào ạ?”, “Mình lắp robot con cún con để làm gì thế chị?”, “Mô hình con cún chắc đáng yêu lắm phải không ạ?”,... So với mô hình của các buổi trước, robot cún con Toto có cấu trúc khá đơn giản, không có nhiều bước móc nối phức tạp. Phần lớn các em đều đã làm quen và thành thạo bộ linh kiện lắp ghép do đây cũng là buổi thứ 6 của chương trình. Vì vậy, ngoài lúc lắp ráp, chúng mình cũng có những khoảng thời gian cùng trò chuyện với các em nhỏ. Nhờ những câu chuyện “phiếm” ấy, chúng mình có cơ hội hiểu hơn về việc học tập, sinh hoạt hàng ngày của những đứa trẻ trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.

Chúng mình vừa xem, vừa cùng trò chuyện với các em nhỏ. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Chúng mình vừa xem, vừa cùng trò chuyện với các em nhỏ. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Buổi 7: Tổng kết và trao chứng nhận

Khác với các buổi trước, trong buổi tổng kết, các em nhỏ không cần lắp ráp robot mà sẽ được chia thành các nhóm nhỏ cùng “tranh tài” trong hai trò chơi “Ngậm thìa chuyền bóng” và “Qua sông”.

Đầu tiên, trong trò “ngậm thìa chuyền bóng”, các em học sinh được chia thành 2 đội chơi. Trong khoảng thời gian 15 phút, các thành viên có nhiệm vụ truyền bóng từ thìa của mình sang thìa của đồng đội và cuối cùng, nhả bóng vào trong rổ được đặt ở vị trí đích, đảm bảo làm sao bóng không rơi xuống đất. Nếu bóng rơi, người chơi buộc phải nhặt bóng và truyền lại từ đầu. Đội nào có số bóng trong rổ nhiều hơn thì dành được phần thắng chung cuộc. Tưởng chừng đơn giản nhưng các em nhỏ đã gặp không ít khó khăn trong bước chuyền bóng từ thìa của mình sang thìa của bạn phía trước. Các em đều mong muốn giành được chiến thắng nên không tránh khỏi những lúc sử dụng tay đỡ bóng. Khi bị phát hiện có hành vi “ăn gian” như vậy, các em buộc phải truyền lại bóng kể từ bạn đầu tiên.

Trò chơi “ngậm thìa chuyền bóng” yêu cầu sự kết hợp khéo léo cùng các đồng đội. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Trò chơi “ngậm thìa chuyền bóng” yêu cầu sự kết hợp khéo léo cùng các đồng đội. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Sau đó, các em nhỏ tiếp tục được chơi trò “qua sông”. Các thành viên sẽ phối hợp để cùng di chuyển “qua sông” bằng cách đứng trên “chiếc bè” và di chuyển tấm bìa về phía trước. Trong quá trình chơi, đội chơi phải đảm bảo chân không chạm trực tiếp vào mặt đất. Nếu chạm, đội chơi sẽ phải quay lại từ đầu. Đội nào đưa được tất cả các thành viên “về bờ”, hay chính là vị trí đích nhanh nhất mà không phạm quy sẽ trở thành đội chiến thắng. Điểu mình ấn tượng nhất là hình ảnh các em nhỏ sẵn sàng cõng nhau để có thể tạo nên những màn kết hợp ăn ý và giành được chiến thắng cho đội mình.

Các thành viên phải “qua sông” an toàn và đảm bảo không bị “rơi xuống nước” (mặt đất). (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Các thành viên phải “qua sông” an toàn và đảm bảo không bị “rơi xuống nước” (mặt đất). (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Cuối cùng, sau khi được vận động toàn diện với hai trò chơi trên, các em học sinh sẽ ổn định vị trí, trở lại lớp học để cùng nhận các phần quà, cũng như giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Đây giống như một sự ghi nhận tinh thần sôi nổi, cũng như là một phần thưởng khích lệ tinh thần tới các em nhỏ trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Sáu buổi lắp ráp có thể không phải khoảng thời gian quá ngắn, cũng không phải quá dài, nhưng mình nghĩ các em phần nào đã được trải nghiệm một hoạt động mới mẻ, nơi những mô hình robot được tạo lập cũng chính là thành quả “nho nhỏ” từ sự kiên trì, không bỏ cuộc. Trong quá trình tập lắp theo hướng dẫn mẫu trong sách sẽ không tránh khỏi những lúc lắp sai, lắp ngược và buộc phải tháo ra lắp lại. Điều này đã rèn cho các em sự nhẫn nại, bình tĩnh; đồng thời niềm vui thành tựu từ đó cũng lớn dần.

Cùng nhìn lại một số mô hình robot - thành quả nho nhỏ từ sự kiên trì, quyết tâm “chinh phục” tới cùng của các em nhỏ tại trung tâm. (Ảnh: Phạm Thanh Thảo, Biên tập: Nguyễn Thị Vân Anh)

Cùng nhìn lại một số mô hình robot - thành quả nho nhỏ từ sự kiên trì, quyết tâm “chinh phục” tới cùng của các em nhỏ tại trung tâm. (Ảnh: Phạm Thanh Thảo, Biên tập: Nguyễn Thị Vân Anh)



Khoảnh khắc trao giấy chứng nhận và nhận các món quà đáng yêu như gấu bông capybara, bộ đồ chơi, bút tô màu,... chính là phần được em nhỏ mong chờ nhất. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)

Khoảnh khắc trao giấy chứng nhận và nhận các món quà đáng yêu như gấu bông capybara, bộ đồ chơi, bút tô màu,... chính là phần được em nhỏ mong chờ nhất. (Ảnh: Trang Facebook chính thức của COPION Việt Nam)



Một bài học có ý nghĩa sâu sắc mà mình học được khi tham gia chương trình chính là sự kiên nhẫn với trẻ nhỏ. Các em vẫn còn trong độ tuổi ham chơi, dễ mất tập trung và thật sự cần nhẫn nại, đôi khi là sự khéo léo nếu muốn làm quen và chơi cùng. Bên cạnh đó, những buổi tối chuẩn bị lắp mô hình mẫu tại văn phòng ở Hà Nội và những buổi sáng chủ nhật dậy sớm tới Hải Phòng trong suốt khoảng thời gian hơn một tháng cũng đã rèn cho mình sự kiên trì, kỷ luật và động lực phát triển bản thân. Trong quá trình tiếp xúc với các em nhỏ trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, mình cũng không khỏi bất ngờ trước sự thành thạo ngoại ngữ của các em. Có những em thành thạo tiếng Hàn, tiếng Việt và cũng biết nói cả tiếng Anh. Mình tin rằng tương lai các em sẽ có thể phát triển theo rất nhiều hướng với nền tảng ngoại ngữ vững chắc này. Mình cũng hy vọng các em sẽ có thêm thật nhiều cơ hội được tham gia trải nghiệm các hoạt động phát triển bản thân thú vị như vậy.

Qua đây, mình cũng muốn gửi lời cảm ơn tới ban tổ chức chương trình đã cho mình cơ hội tham gia và được làm việc với các em nhỏ ngoan ngoãn, đáng yêu, hồn nhiên. Bên cạnh đó, trong quá trình diễn ra chương trình, COPION Việt Nam và Trung tâm Ước mơ LS luôn tạo điều kiện hỗ trợ giúp chúng mình cảm thấy thoải mái. Mong rằng trong tương lai, mình sẽ có thêm cơ hội tham gia và góp sức nhỏ cho các chương trình tình nguyện có ý nghĩa như vậy!

Cảm ơn COPION Việt Nam và Trung tâm Ước mơ LS Hải phòng vì luôn quan tâm, chuẩn bị các đồ ăn nhẹ cho chúng mình và các em nhỏ trong các buổi lắp ráp. (Ảnh: Nguyễn Thị Vân Anh)

Cảm ơn COPION Việt Nam và Trung tâm Ước mơ LS Hải phòng vì luôn quan tâm, chuẩn bị các đồ ăn nhẹ cho chúng mình và các em nhỏ trong các buổi lắp ráp. (Ảnh: Nguyễn Thị Vân Anh)



hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.