Phóng viên danh dự

13.02.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Vào tháng Giêng (tức tháng 1 âm lịch), Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động thả diều nhằm xua đuổi những điều không may mắn, cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc, thịnh vượng. (Ảnh: Korea.net)

Vào tháng Giêng (tức tháng 1 âm lịch), Hàn Quốc sẽ tổ chức nhiều hoạt động thả diều nhằm xua đuổi những điều không may mắn, cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc, thịnh vượng. (Ảnh: Korea.net)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lưu Thị Thu Loan

Tháng Giêng không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới mà còn là thời điểm để nhiều quốc gia thể hiện cũng như gắn kết sâu sâu sắc hơn với những nét đẹp trong văn hóa thông qua các phong tục, tập quán. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, người dân thường háo hức tổ chức những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, trong số đó, thả diều - một trò chơi truyền thống tại Hàn Quốc có từ lâu đời luôn được ưa chuộng vào mỗi dịp đầu năm mới. Song song với đó, văn hóa thả diều còn chứa đựng những loạt ý nghĩa sâu sắc về việc mong cầu một năm mới, bình an, hạnh phúc và thịnh vượng trong tâm thức của người Hàn.


Lịch sử diều Hàn Quốc

Theo Tam quốc sử ký, một sử ký của Hàn Quốc có ghi chép rằng: “Vào năm 647, khi nữ hoàng Seon Deok lên ngôi, Bidam và Yeonjong cùng một số người khác đã nổi dậy, mưu đồ phế truất Nữ hoàng. Vào thời điểm đó, một ngôi sao băng lớn rơi xuống khu vực thành Wolseong - nơi Nữ hoàng đóng quân. Dân chúng vô cùng hoảng loạn, cho rằng đó là điềm báo Nữ hoàng bại vong”.

Trước tình hình đó, tướng quân Kim Yushin đã ra lệnh treo một con bù nhìn lên chiếc diều rồi châm lửa đốt và lan truyền rằng: “‘Ngôi sao băng rơi xuống đêm qua nay lại bay lên trời’. Nhờ đó, tinh thần của quân đội được nâng cao và cuộc nổi dậy đã bị dập tắt”.

Không những vậy, trong biến loạn Nhâm Thìn, tướng quân Yi Sun-shin còn sử dụng diều như một phương tiện liên lạc giữa đảo và đất liền nhằm đưa ra các chỉ thị và chiến thuật. Ông đã thiết kế nhiều loại diều với các hình dạng và màu sắc khác nhau, mỗi loại mang một ý nghĩa riêng. Ví dụ, khi một loại diều có hoa văn cụ thể nào đó được thả lên, nó truyền tải mệnh lệnh di chuyển đến một địa điểm nhất định hoặc khi một loại diều khác được thả lên, nó mang ý nghĩa truyền đi mệnh lệnh tấn công.

Còn thời Vua Yeongjo triều đại Joseon cũng rất thích thả diều và khuyến khích người dân tham gia hoạt động này. Lúc đó, thả diều trở thành một trò chơi phổ biến được người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội ưa chuộng. Thậm chí, những gia đình giàu có còn mời những người thả diều giỏi đến để biểu diễn. Ban đầu, thả diều được sử dụng với mục đích tôn giáo hoặc quân sự, nhưng dần dần, nó đã trở thành một trò chơi truyền thống phổ biến ở Hàn Quốc với nhiều hình thức đa dạng.

Trong sự kiện “Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt 2024”, người dân địa phương và du khách đã có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và văn hóa diều Hàn Quốc. Đồng thời, các hoạt động như tự tay làm diều Hàn Quốc đã giúp cho người tham gia hiểu thêm về nét đẹp văn hóa này. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Trong sự kiện “Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt 2024”, người dân địa phương và du khách đã có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và văn hóa diều Hàn Quốc. Đồng thời, các hoạt động như tự tay làm diều Hàn Quốc đã giúp cho người tham gia hiểu thêm về nét đẹp văn hóa này. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Những loại diều Hàn Quốc

Dựa vào hình dáng bên ngoài, các loại diều ở Hàn Quốc được chia thành diều hình chữ nhật và diều hình con vật như diều cá đuối hay diều én, nhưng nếu chỉ nhìn vào tên của chúng thì có khoảng 70 loại. Điều này bắt nguồn từ việc trên bề mặt diều thường được trang trí bằng cách tô màu hoặc cắt dán giấy màu. Từ đó, mỗi con diều con một đặc điểm nhất định dựa trên họa tiết đặc trưng và được đặt một cái tên riêng để phân biệt.

Trong tất cả các loại diều thì diều khiên hay còn được gọi là diều tấm khiên, là một loại diều đặc biệt và khá phổ biến của Hàn Quốc. Khác với những chiếc diều hình thoi thông thường, diều khiên có hình chữ nhật và có một lỗ tròn ở giữa. Chính vì hình dạng đặc biệt mà nó được gọi là diều khiên. Lỗ tròn ở giữa được gọi là lỗ trống, nhờ có lỗ trống này mà diều có thể giữ thăng bằng và dễ dàng điều khiển ngay cả trong gió mạnh. Đặc điểm này chỉ có duy nhất ở diều khiên.

Diều khiên có rất nhiều loại khác nhau, được phân biệt bởi các họa tiết, hình vẽ, chữ viết hoặc các dải giấy màu dán trên thân diều. Tùy thuộc vào hình dạng như hình tròn, hình bán nguyệt, hình tứ giác và màu sắc như đỏ, xanh dương, vàng, trắng, đen của những họa tiết này, diều khiên được chia thành nhiều loại như diều chóp, diều nửa vầng trăng, diều váy, diều tai, diều bầu, diều cỏ, diều chân và nhiều loại khác nữa.

Diều Hàn Quốc có rất nhiều loại, được phân biệt chủ yếu dựa trên các họa tiết, màu sắc được trang trí trên diều. (Hình minh họa dựa trên thông tin của “Brochure Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt 2024” / Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)

Diều Hàn Quốc có rất nhiều loại, được phân biệt chủ yếu dựa trên các họa tiết, màu sắc được trang trí trên diều. (Ảnh: Hình minh họa dựa trên thông tin của brochure Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt 2024 / Biên tập: Lưu Thị Thu Loan)



Văn hóa diều của Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, thả diều có nhiều cách chơi khác nhau như thi thả cao, biểu diễn kỹ năng và đặc biệt là “chiến đấu” với diều. Đấu diều là một trò chơi có lịch sử lâu đời, thậm chí còn được ghi lại trong các sách sử Hàn Quốc. Trong trò chơi này, người chơi chỉ sử dụng diều khiên và loại diều này đòi hỏi hỏi người chơi phải có kỹ năng điều khiển linh hoạt, đa dạng. Dây diều được phủ một lớp sứ nghiền vụn và mục tiêu của trò chơi là điều khiển diều của mình để cắt đứt dây diều của đối phương.

Theo phong tục của người Hàn, người chiến thắng trong cuộc thi thả diều thường tặng quà hoặc mời người thua ăn. Họ tin rằng khi dây diều bị cắt đứt và bay lên trời sẽ mang theo tin lành của người đã cắt đứt dây đến trời cao.

Có câu chuyện rằng, ở Hàn Quốc, người dân chỉ chơi diều trong khoảng thời gian nông nhàn, tức từ Tết Nguyên Đán đến rằm tháng Giêng. Nếu chơi diều sau thời này, thì sẽ không được người dân trong làng coi trọng. Ngoài ra vào rằm tháng Giêng, có một phong tục là viết tên và ngày sinh của mình lên diều rồi cắt đứt dây để diều bay lên trời. Người ta tin rằng việc làm này sẽ xua đuổi những điều không may mắn trong năm. Và có thể thấy rằng ở Hàn Quốc, thả diều là một phần quan trọng trong văn hóa và tín ngưỡng của người dân.

Trong tháng Giêng tại Hàn Quốc, có rất nhiều sự kiện liên quan đến diều như tự tay làm diều thủ công, thi thả diều,... (Ảnh: Korea.net)

Trong tháng Giêng tại Hàn Quốc, có rất nhiều sự kiện liên quan đến diều như tự tay làm diều thủ công, thi thả diều,... (Ảnh: Korea.net)



Theo quan niệm người Hàn, thả diều vào dịp đầu năm mới sẽ xua đuổi những điều không may mắn, cầu chúc cho một năm an bình. (Ảnh: Korea.net)

Theo quan niệm người Hàn, thả diều vào dịp đầu năm mới sẽ xua đuổi những điều không may mắn, cầu chúc cho một năm an bình. (Ảnh: Korea.net)



Đến thời hiện đại, thả diều vẫn là một hoạt động không thể bỏ lỡ, nhất là vào tháng Giêng và những ngày đầu năm mới. Trong dịp này, bên cạnh những những hoạt động trải nghiệm văn hóa thì hoạt động thả diều cũng được tổ chức thành nhiều sự kiện, nhiều lễ hội trên nhiều địa phương Hàn Quốc với sự tham gia đông đảo của mọi người. Ví dụ như sắp tới đây, một số lễ hội thả diều sẽ được diễn ra như: Lễ hội diều toàn quốc Dadaepo 2025 (địa điểm: bãi biển Dadaepo, thời gian: ngày 12/2/2025); Cuộc thi thả diều toàn quốc mừng trăng tròn tháng Giêng tại Sejeong 2025 (địa điểm: Trung tâm Văn hóa Sejeong, thời gian: ngày 8/2/2025); Cuộc thi thả diều truyền thống quốc gia Dongnae Busan (địa điểm: quận Dongnae-gu của thành phố Busan, thời gian: ngày 22/2/2025),... Đây chắc chắn sẽ cơ hội tuyệt vời để các du khách, người dân được trải nghiệm văn hóa thả diều.


Vẻ đẹp diều Việt Nam

Tại Việt Nam, diều cũng là món đồ chơi dân gian quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ Việt. Hình ảnh những chú bé ngồi trên lưng trâu, thả diều đã trở thành biểu tượng của sự thanh bình, xuất hiện trong thơ ca hay các tác phẩm nghệ thuật. Trong tâm khảm của người Việt, thả diều còn mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Dù chưa có ghi chép cụ thể về thời điểm xuất hiện đầu tiên Việt Nam nhưng những cánh diều vẫn cứ đồng hành với người Việt từ rất lâu đời. Từ những cánh diều Huế mang đậm bản sắc cung đình, được ví von là “nghệ thuật múa rối” trên không trung cho đến những cánh diều sáo kỳ công vùng Đồng bằng Bắc Bộ gây ấn tượng nhờ những thanh âm vi vu,... Tùy vào mỗi địa phương, vùng miền mà những con diều tại Việt Nam để lại dấu ấn nhờ sự đa dạng và vẻ đẹp đặc trưng, tùy vào chủng loại.

Khác với Hàn Quốc, bầu trời Việt Nam vào mỗi dịp hè về lại được phủ kín bởi những cánh diều đang nô nức đùa vui. Đây chính là thời điểm học sinh nghỉ hè, kết thúc một năm học nên những hoạt động thả diều diễn ra tấp nập. Thậm chí, không ít lễ hội diều tại Việt Nam đã thành công quy tụ những cánh diều từ truyền thống cho đến hiện đại đến tham gia. Một số lễ hội diều tiêu biểu như: Lễ hội diều Huế, Lễ hội diều quốc tế Quảng Nam, Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội), Festival diều quốc tế Vũng Tàu,... cũng thu hút được sự quan tâm của những người chơi diều, những nghệ nhân làm diều trong nước lẫn quốc tế.

Mỗi khi hè về, trẻ con Việt Nam thường đến những vùng đất trống, có gió lớn để cất cao những cánh diều rực rỡ sắc màu và hình dáng. (Ảnh: Pexels)

Mỗi khi hè về, trẻ con Việt Nam thường đến những vùng đất trống, có gió lớn để cất cao những cánh diều rực rỡ sắc màu và hình dáng. (Ảnh: Pexels)



Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa diều Hàn Quốc và Việt Nam

Những cánh diều đều là những sản phẩm thủ công nghệ thuật, chứa đựng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa của cả Việt Nam và Hàn Quốc. Dẫu vậy, vẫn sự khác biệt giữa diều Hàn Quốc và diều Việt Nam. Cụ thể, về nguyên liệu, diều Việt Nam thường được làm bằng các nguyên liệu như tre, giấy, vải. Trong khi đó, diều Hàn Quốc được làm bằng giấy dán cửa sổ (một loại giấy Hanji truyền thống của Hàn Quốc) hoặc vải với khung được làm bằng tre.

Nếu như diều Hàn Quốc chủ yếu là hình chữ nhật, được phân biệt bằng cách dán giấy màu hoặc hình vẽ trang trí thì diều Việt Nam mang trên mình những hình thù gồm cánh cung, cánh bướm, hình thoi,... Chưa kể, tùy thuộc vào văn hóa, truyền thống địa phương mà sự đa dạng về các loại diều của mỗi quốc gia cũng được bàn đến. Cùng với đó, thời điểm thả diều của hai quốc gia cũng có sự khác biệt. Tại Việt Nam, mùa hè chính khoảng thời gian thích hợp để trẻ em cùng người thân thả diều như một thú vui giải trí, thư giãn trong sau những ngày học tập, làm việc miệt mài. Trong khi đó, mùa đông tại xứ Hàn chính thời điểm thích hợp để người dân nước này thực hiện các hoạt động thả diều nhằm chào đón năm mới cũng như cầu chúc an lành.

Dù văn hóa của Hàn Quốc và Việt Nam có sự khác biệt nhưng cả hai quốc gia đều cho thấy tình yêu to lớn dành cho những giá trị văn hóa, vẻ đẹp của nghệ thuật thủ công truyền thống. Chưa dừng lại ở đó, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều gửi gắm những thông điệp tích cực qua những cánh diều.

Không chỉ dừng lại ở món đồ chơi dân gian, diều Hàn Quốc còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật dưới những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)

Không chỉ dừng lại ở món đồ chơi dân gian, diều Hàn Quốc còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật dưới những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. (Ảnh: Lưu Thị Thu Loan)



Không chỉ đơn thuần là một trò chơi truyền thống, diều còn mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của người Hàn Quốc. Những cánh diều không những thể hiện được tinh thần sáng tạo, sự khéo léo mà còn là biểu tượng cất cao những ước mơ, những hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Đáng quý hơn khi những cánh diều vẫn mãi là một hình ảnh đẹp trong xã hội hiện đại phát triển, là cầu nối giữa con người với thiên nhiên và vẫn luôn được gìn giữ trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.