Phóng viên danh dự

01.04.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Vào ngày 22/3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức diễn ra “Cuộc thi sân khấu hoá văn học Hàn Quốc 2025”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Vào ngày 22/3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức diễn ra “Cuộc thi sân khấu hoá văn học Hàn Quốc 2025”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng

Bước sang năm thứ ba, “Cuộc thi Sân khấu hóa Văn học Hàn Quốc” do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam tổ chức đã khẳng định vị thế là một sự kiện thường niên mang tính chuyên môn cao, góp phần quan trọng vào việc quảng bá và phát triển văn học, ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngay từ những mùa đầu tiên, cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc, trở thành một diễn đàn nghệ thuật ý nghĩa. Không chỉ là một sân chơi bổ ích và giàu tính sáng tạo, cuộc thi còn là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi kỹ năng sân khấu, đồng thời khám phá sâu sắc vẻ đẹp văn hóa và con người xứ sở Kim Chi thông qua các tác phẩm văn học. Năm nay, cuộc thi hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ và trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, tiếp tục bồi đắp tình yêu và sự hiểu biết về văn học Hàn Quốc trong lòng giới trẻ Việt Nam.

Vào ngày 22/3, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cuộc thi đã chính thức diễn ra với màn tranh tài của 10 đội thi đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả, tạo nên một bầu không khí sôi động và hào hứng chưa từng có. Cuộc thi đã mang đến những màn diễn kịch đầy sáng tạo, tái hiện sống động những tác phẩm văn học Hàn Quốc kinh điển. Các thành viên của từng đội thi không chỉ thể hiện khả năng diễn xuất chuyên nghiệp mà còn chứng minh sự am hiểu sâu sắc về văn học Hàn Quốc thông qua từng nhân vật, từng bối cảnh mà họ thể hiện. Mỗi tiết mục là một góc nhìn độc đáo về xã hội con người và văn hoá Hàn Quốc, tạo nên một bức tranh đa sắc màu sống động và đầy cảm xúc.

Không khí hội trường trước khi Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2025 bắt đầu. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Không khí hội trường trước khi Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2025 bắt đầu. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tại quầy check-in, ban tổ chức cuộc thi đã chuẩn bị sẵn thức uống tráng miệng, đặc biệt là sữa gạo Hàn Quốc để các đội thi và khán giả có thể thưởng thức và tận hưởng trọn vẹn sự kiện. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tại quầy check-in, ban tổ chức cuộc thi đã chuẩn bị sẵn thức uống tráng miệng, đặc biệt là sữa gạo Hàn Quốc để các đội thi và khán giả có thể thưởng thức và tận hưởng trọn vẹn sự kiện. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Choi Seung Jin - Giám đốc KCC tại Việt Nam đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị đại biểu, giảng viên và sinh viên khoa ngôn ngữ Hàn Quốc, đặc biệt là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã hỗ trợ để KCC tại Việt Nam có thể tạo ra một sân chơi bổ ích về văn học Hàn Quốc cho các bạn sinh viên. Ông Choi chia sẻ thêm: “Vượt qua thời đại và ranh giới, văn học mang sức mạnh to lớn kết nối tâm hồn con người. Đặc biệt thông qua hình thức nghệ thuật diễn kịch, tác phẩm văn học sẽ nhận được sức sống mới, từ đó giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về sự cảm thông và những thông điệp ẩn chứa trong đó. Cuối cùng, tôi hy vọng rằng cuộc thi sẽ trở thành khoảng thời gian ý nghĩa giúp các em có thể cùng nhau giao lưu vui vẻ và chia sẻ kinh nghiệm quý báu của bản thân”.

Ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam trân trọng sự đóng góp của các vị đại biểu, ban giám khảo, giảng viên, sinh viên ngôn ngữ Hàn Quốc đối với cuộc thi này. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Ông Choi Seung Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam trân trọng sự đóng góp của các vị đại biểu, ban giám khảo, giảng viên, sinh viên ngôn ngữ Hàn Quốc đối với cuộc thi này. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong khi đó, GS.TS Trương Tuấn Anh - Phụ trách phòng đối ngoại, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Cuộc thi là một cơ hội quý báu để sinh viên Việt Nam thể hiện tài năng cũng như sự hiểu biết sâu sắc về văn học Hàn Quốc. Đồng thời, đây cũng là dịp để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, mối quan hệ đã không ngừng phát triển mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”.

GS.TS Trương Tuấn Anh đã phát biểu về tình hình phát triển giáo dục tiếng Hàn và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong những năm gần đây, đồng thời gửi lời chúc chân thành đến các đội thi tham dự cuộc thi. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

GS.TS Trương Tuấn Anh đã phát biểu về tình hình phát triển giáo dục tiếng Hàn và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam trong những năm gần đây, đồng thời gửi lời chúc chân thành đến các đội thi tham dự cuộc thi. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Đối với mình, đây là lần thứ hai tham gia sự kiện kể từ thành công của cuộc thi Sân khấu hóa Văn học Hàn Quốc 2024. Nhờ theo dõi cuộc thi với tư cách khán giả, mình ngày càng quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về văn học Hàn Quốc, đặc biệt là các tác phẩm văn học hiện đại, điển hình như gần đây mình có đọc tác phẩm “Người ăn chay” của nhà văn Han Kang. Đến với cuộc thi năm nay, mình mong muốn được khám phá thêm những tác phẩm văn học Hàn Quốc đặc sắc khác, đồng thời tận hưởng những giây phút thư giãn qua các màn trình diễn sân khấu hóa đầy sáng tạo của các bạn sinh viên.

Tại “Cuộc thi Sân khấu hóa Văn học Hàn Quốc 2024”, 10 đội thi đã cùng nhau mang đến cho khán giả một bữa tiệc nghệ thuật đầy màu sắc, tái hiện sống động tinh hoa văn học Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tại “Cuộc thi Sân khấu hóa Văn học Hàn Quốc 2024”, 10 đội thi đã cùng nhau mang đến cho khán giả một bữa tiệc nghệ thuật đầy màu sắc, tái hiện sống động tinh hoa văn học Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tại cuộc thi năm nay, 10 đội thi sẽ tái hiện những tiểu phẩm ấn tượng từ các tác phẩm văn học Hàn Quốc thông qua hình thức diễn kịch với thời lượng 15 phút. Tương tự như năm ngoái, phần thể hiện của các đội sẽ được chấm dựa trên các tiêu chí: sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên, thông điệp truyền tải của tiểu phẩm, tính sáng tạo trong diễn xuất và tổng thể thành công của màn trình diễn.

Điều khiến mình vô cùng bất ngờ khi thưởng thức các màn sân khấu hóa tại cuộc thi năm nay chính là danh sách các tác phẩm được lựa chọn. Nếu như năm ngoái, khán giả đã được đắm chìm trong những tác phẩm thuộc thể loại cổ tích, trung đại và hiện đại như Xuân Hương truyện, Truyện Heung Bu Nol Bu, Một ngày may mắn, Hai đời thọ nạn..., thì năm nay, cuộc thi đã mở rộng phạm vi với sự góp mặt của các tác phẩm thuộc dòng văn học đương đại, vốn đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích, như “Bố con cá gai”, “Những tháng năm rực rỡ”,... Mình nhận ra rằng, dù khác nhau về thể loại và thời điểm ra mắt, các tác phẩm văn học Hàn Quốc đều phản ánh những giá trị cốt lõi trong văn hóa Hàn Quốc, bao gồm tình cảm gia đình, sự kết nối với thiên nhiên, ước mơ, triết lý sống và hiện thực xã hội. Sự đa dạng trong thể loại văn học tại cuộc thi lần này đã mang đến những góc nhìn phong phú, giúp khán giả có cơ hội tiếp cận sâu hơn với nền văn học Hàn Quốc qua lăng kính sân khấu hóa.

Các tác phẩm văn học Hàn Quốc được sân khấu hóa trong cuộc thi năm nay không chỉ đa dạng về thể loại mà còn phong phú về nội dung truyền tải. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Các tác phẩm văn học Hàn Quốc được sân khấu hóa trong cuộc thi năm nay không chỉ đa dạng về thể loại mà còn phong phú về nội dung truyền tải. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong suốt 5 tiếng diễn ra cuộc thi, khán giả đã được đắm chìm trong những màn trình diễn ấn tượng của các đội thi, trải nghiệm trọn vẹn những cung bậc cảm xúc đa dạng - từ hài hước, bi kịch cho đến những lời thoại chứa đựng thông điệp sâu sắc. Đối với mình, có ba tác phẩm văn học Hàn Quốc gây ấn tượng mạnh nhất, không chỉ bởi cốt truyện hấp dẫn mà còn qua cách các bạn sinh viên truyền tải thông điệp một cách đầy cảm xúc trên sân khấu. Đầu tiên phải kể đến là tác phẩm “Thần thoại Dangun” (tiếng Hàn: 단군신화), một câu chuyện mang đậm dấu ấn lịch sử và tinh thần dân tộc của Hàn Quốc. Tác phẩm kể về sự ra đời của Dangun, người được xem là thủy tổ khai sinh ra đất nước, và hành trình dựng nước của ông. Với sự kết hợp giữa yếu tố thần thoại và lịch sử, câu chuyện không chỉ tái hiện khát vọng xây dựng một quốc gia vững mạnh mà còn phản ánh tư tưởng Nho giáo và tín ngưỡng dân gian Hàn Quốc.

Điều khiến mình ấn tượng nhất ở “Thần thoại Dangun” chính là ý nghĩa biểu tượng của nó trong nền văn hóa Hàn Quốc. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là một truyền thuyết về sự ra đời của một dân tộc mà còn thể hiện tinh thần kiên cường, khát vọng phát triển và niềm tự hào dân tộc. Khi được sân khấu hóa, tác phẩm đã mang đến một không gian hoành tráng, huyền bí, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn về sự thiêng liêng và tầm quan trọng của thần thoại trong việc định hình bản sắc văn hóa Hàn Quốc. Có lẽ cũng chính vì thế mà tác phẩm này luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Hàn Quốc và thường xuyên được tái hiện qua nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau.

Tác phẩm “Thần thoại Dangun” (tiếng Hàn: 단군신화) đã được sân khấu hoá bởi hai đội thi đến từ Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Đại Nam. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tác phẩm “Thần thoại Dangun” (tiếng Hàn: 단군신화) đã được sân khấu hoá bởi hai đội thi đến từ Đại học Công nghiệp Hà Nội và Đại học Đại Nam. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tiếp theo là tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” (tiếng Hàn: 엄마를 부탁해) của nhà văn Shin Kyung-sook - một câu chuyện đầy xúc động về tình mẫu tử và những hy sinh thầm lặng của người mẹ trong gia đình. Tác phẩm kể về hành trình tìm kiếm người mẹ bị lạc của một gia đình và qua đó, từng thành viên dần nhận ra những điều mà trước đây họ chưa từng để ý - tình yêu vô điều kiện, sự hy sinh và những nỗi đau thầm lặng mà mẹ đã trải qua. Câu chuyện không chỉ là lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo mà còn là sự phản ánh sâu sắc về giá trị gia đình trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Khi được sân khấu hóa, tác phẩm đã tạo nên một không gian tràn đầy cảm xúc, nơi từng lời thoại và từng cảnh diễn đều chạm đến trái tim người xem. Câu chuyện không chỉ khiến khán giả rơi nước mắt mà còn khiến họ trăn trở: Liệu chúng ta đã thực sự quan tâm và thấu hiểu mẹ mình, hay chỉ lặng lẽ để bà hy sinh cả cuộc đời mà không hề hay biết? Chính nhờ thông điệp sâu sắc ấy, ba đội thi đến từ Học viện Ngoại giao, Đại học Thăng Long và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đã đều lựa chọn tác phẩm này để thực hiện sân khấu hoá, mang đến cho khán giả những phút giây đầy xúc động.

Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” (tiếng Hàn: 엄마를 부탁해) được rất nhiều đội thi lựa chọn để thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc qua tiểu phẩm (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” (tiếng Hàn: 엄마를 부탁해) được rất nhiều đội thi lựa chọn để thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc qua tiểu phẩm (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Và cuối cùng, một tác phẩm giàu cảm xúc về tình cảm gia đình - “Bố con cá gai” (tiếng Hàn: 가시고기) của nhà văn Jo Chang-in. Tác phẩm khắc họa câu chuyện đầy xúc động về một cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo và người cha đơn thân luôn hết lòng chăm sóc con, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chính sự hy sinh và ý chí kiên cường không khuất phục trước số phận là những yếu tố đã thu hút mình khi tìm hiểu tác phẩm này. Dưới sự thể hiện xuất sắc của đội thi đến từ trường Đại học Ngoại ngữ (ULIS), khán giả càng thấu cảm hơn về nghị lực sống mạnh mẽ của nhân vật. Có lẽ cũng chính vì những giá trị nhân văn sâu sắc mà trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã tổ chức các buổi giao lưu và ký tặng sách liên quan đến “Bố con cá gai”, bởi tác phẩm không chỉ chạm đến trái tim độc giả mà còn để lại những dư âm đầy ý nghĩa về tình phụ tử.

Những phút giây hồi hộp và xúc động trong tiểu phẩm “Bố con cá gai” (tiếng Hàn: 가시고기) được trình diễn bởi đội thi đến từ Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Những phút giây hồi hộp và xúc động trong tiểu phẩm “Bố con cá gai” (tiếng Hàn: 가시고기) được trình diễn bởi đội thi đến từ Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong thời gian giải lao, phóng viên danh dự Korea.net đã có cơ hội phỏng vấn với đại diện của một số đội thi và cảm nhận của các bạn khán giả để biết thêm trải nghiệm khi tham dự sự kiện lần này.

Bạn Đỗ Phạm Trâm Anh, đại diện đội thi đến từ Trường Đại học Phenikaa, chia sẻ rằng sau khi chứng kiến màn thể hiện bùng nổ của các tiền bối tại cuộc thi năm ngoái, cô đã quyết tâm cùng đồng đội truyền tải trọn vẹn giá trị của tác phẩm và nỗ lực hết mình để giành giải cao trong cuộc thi năm nay. Khi nói về tác phẩm “Hạc” (tiếng Hàn: ) của nhà văn Hwang Sun-won, bạn Trâm Anh cho biết: “Sở dĩ chúng mình lựa chọn tác phẩm này là vì đây không chỉ là một câu chuyện về tình bạn mà còn là lời nhắn nhủ sâu sắc về sự hòa giải và lòng nhân ái. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi con người ngày càng dễ dàng hiểu lầm và xa cách nhau, thông điệp của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. Chúng mình mong muốn thông qua phần sân khấu hóa có thể tái hiện được chiều sâu cảm xúc của nhân vật, giúp khán giả cảm nhận rõ hơn nỗi đau chia ly cũng như niềm hy vọng về sự đoàn tụ.”

Đỗ Phạm Trâm Anh (giữa) - đại diện đội thi từ trường Đại học Phenikaa cùng với đồng đội của mình tự hào khi đã cố gắng hết sức trong việc truyền tải giá trị đặc sắc thông qua sân khấu hóa tác phẩm “Hạc” (tiếng Hàn: 학). (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Đỗ Phạm Trâm Anh (giữa) - đại diện đội thi từ trường Đại học Phenikaa cùng với đồng đội của mình tự hào khi đã cố gắng hết sức trong việc truyền tải giá trị đặc sắc thông qua sân khấu hóa tác phẩm “Hạc” (tiếng Hàn: ). (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trong khi đó, em Nguyễn Diệu Thi - sinh năm 2008 tham dự sự kiện với tư cách khán giả cho biết: “Trong số các tác phẩm văn học Hàn Quốc mà em từng đọc, em thích nhất là tác phẩm ‘Cửa hàng tiện lợi bất tiện’ (tiếng Hàn: 불편한 편의점) của nhà văn Kim Ho-yeon. Dường như em có sự đồng cảm với những người vô gia cư và những người lao động nghèo khi đọc tác phẩm này. Khi tác phẩm này được sân khấu hoá bởi các bạn sinh viên, em càng cảm thấy thấu hơn những giá trị sâu sắc của tác phẩm này”.

Em Nguyễn Diệu Thi bày tỏ sự yêu thích đối với tác phẩm “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” (tiếng Hàn: 불편한 편의점) tại Cuộc thi sân khấu hoá văn học Hàn Quốc 2025. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Em Nguyễn Diệu Thi bày tỏ sự yêu thích đối với tác phẩm “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” (tiếng Hàn: 불편한 편의점) tại Cuộc thi sân khấu hoá văn học Hàn Quốc 2025. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Sau những màn sân khấu hóa đầy ấn tượng và sáng tạo từ các đội thi, Ban Giám khảo đã công bố kết quả chung cuộc với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Giải Ba thuộc về đội thi đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với tác phẩm “Bố con cá gai” và Trường Đại học Đại Nam với tác phẩm “Thần thoại Dangun”. Giải Nhì được trao cho đội thi Trường Đại học Hà Nội với tiểu phẩm “Những tháng năm rực rỡ”. Đặc biệt, đội thi Trường Đại học Thăng Long đã xuất sắc giành giải Nhất với tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ”. Theo cảm nhận của mình, các đội đoạt giải năm nay đều xứng đáng, bởi họ đã thể hiện được sự sáng tạo, tinh thần đồng đội và truyền tải thông điệp một cách sâu sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

Ban tổ chức và các đội thi cùng chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2025. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Ban tổ chức và các đội thi cùng chụp hình lưu niệm tại Cuộc thi sân khấu hóa văn học Hàn Quốc 2025. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Cuộc thi “Sân khấu hóa Văn học Hàn Quốc 2025” đã chính thức khép lại, để lại vô vàn cảm xúc trong lòng khán giả và các đội thi tham dự. Mình cảm thấy vô cùng tự hào và ngưỡng mộ khi chứng kiến sự trưởng thành cùng những nỗ lực không ngừng của các bạn sinh viên qua từng phần thể hiện của cuộc thi. Đây không chỉ là một sân chơi bổ ích mà còn là cơ hội để tất cả chúng ta thêm yêu mến văn học, văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc nhiều hơn nữa.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.