Chính sách

20.03.2014

"Nếu dịch từ Yaso (耶蘇) thì từ này có nghĩa là vị vua cứu thế, và đây chính là tên gọi của Dusa (陡斯) thiên chúa sau khi giáng sinh. Dusa từ lúc chưa thành hình đã sáng tạo ra trời đất và vạn vật. Adang (亞當), thủy tổ của loài người đã theo lời của Amal (阿襪) không chấp nhận Dusa nên Dusa đã xuống hạ giới để cứu rỗi tội lỗi cho cả loài người, ngài được sinh ra bởi một phụ nữ đồng trinh (童貞女) tên là Maria. Theo lời của Leemadu, Như Đức Á Quốc (如德亞國) vào năm 19 đời Yuriwang của Goguryeo, năm thứ 18 thời Sijo của Baekje, năm thứ 57 thời Sijo của Shilla Kyungsin, năm thứ 2 nguyên thọ Ái đế (哀帝) thời nhà Hán, ngày xưa gọi là Đại Tần Quốc (大秦國). Dưới tên gọi Yaso, trong 33 năm ngài đã lang thang bốn bể, để thuyết giảng chính đạo (正道), thế rồi ngài bị một kẻ xấu tên là Banjakbiralda (般雀比剌多-bàn tước bỉ lạt đa) vu cáo nên theo phán quyết của quốc pháp, người phải chịu cực hình (極刑) và chết thảm. Sau khi chết 3 ngày, ngài đã hồi sinh và sống thêm được 40 ngày nữa. Ngài đã dùng khoảng thời gian đó để hoàn thành việc cứu rỗi thế gian. Cũng có người nói rằng sau khi sống lại được ba ngày, ngài đã quay gót về trời. Cái chết là để thấy rằng ngài là người, việc ngài sống lại và trở về trời cho thấy ngài chính là ý trời".

Trên đây là đoạn ghi chép của nhà Silhak Lee Deok Mu sống vào thế kỷ XVIII, triều đại Joseon viết về Thiên chúa giáo. 'Yaso' là cách kí âm bằng tiếng Hán của Jesus Christ. 'Dusa' là từ kí âm bằng chữ Hán của Deus, một từ tiếng Latin có ý nghĩa là chúa trời. 'Adang' là Adam, ông tổ của loài người được nhắc tới trong kinh thánh còn 'Như Đức Á Quốc (如德亞國)' chính là Italia, Maria mẹ của Jesus được ghi lại y nguyên là Maria. Kẻ xấu mang tên Banjakbiralda chính là để nói tới Pontius Pilatus, thống đốc người Do thái đã tử hình Jesus. Việc Jesus hồi sinh sau khi chết 3 ngày, và sống thêm 40 ngày nữa có nội dung giống với kinh thánh. Đây là ghi chép được thực hiện vào thời kỳ đầu khi Thiên chúa giáo mới được truyền bá vào Joseon nhưng đã truyền tải khá đầy đủ, chân thực và cụ thể về Thiên chúa giáo.

Tiếp đó, Lee Deok Mu đã giải thích rất tỉ mỉ về Thiên chúa giáo.

"Euidallia (意達里亞 - Ý đạt lí á) là một thành La Mã (羅瑪城) có chu vi 150 lý (1 lý = 0, 393km). Sau khi Yaso (耶蘇) chết, một người học trò của ông tên là Baek Da Rok (伯多祿-Bách đa lộc) đã thay ông truyền giáo ở thành này. Từ đó trở đi, giáo hoàng (敎王) luôn sống ở thành đó và ngài nhận được sự kính trọng của tất cả các quốc gia. Phong tục ấy phụng sự toàn bộ thiên chúa nên từ Seoul tới đường phố ở nông thôn, nơi nào cũng có giáo đường thiên chúa. Ở đó có một người phụ trách giáo vụ (敎務) và quản lý toàn bộ công việc của nhà thờ, người này được gọi là Shinpu (神父- thần phụ)".

프란치스코 교황 (사진: 주한 교황청대사관)

Giáo hoàng Francis (Ảnh: Đại sứ quán Tòa thánh Vantican tại Hàn Quốc)


Tháng 8 tới đây, Giáo hoàng Francis sẽ tới thăm Hàn Quốc. Theo dự kiến, ngày 15 tháng 8 Giáo hoàng sẽ tới làm lễ Misa và lễ ban Chân phúc ở Daejeon, sau đó ngài sẽ tới thăm Thánh địa Haemi ở Seosan, Chungnam. Lễ ban Chân phúc ở đây chính là sự kiện 'Yoon Ji Chung Baoro và các đồng đội tuẫn giáo số 123'.

Lễ ban Chân phúc là sự kiện chính và quan trọng nhất, đây là một nghi thức thiêng liêng chọn ra người được công nhận trong Thiên chúa giáo để đưa vào hàng ngũ chân phúc (hay còn gọi là á thánh). Chân phúc là bước thứ ba trong quá trình phong thánh. Yoon Ji Chung và đồng đội số 123 đã tử vì đạo do đã làm tổn hại đến trật tự của Nho giáo vào thời Joseon thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX.

Myeondong_Cathedral_01.jpg
Myeondong_Cathedral_02.jpg
순교자 윤지충이 천주교 교리를 익혔던 공간은 오늘날 명동성당으로 거듭났다. (사진 : 백현)

Nơi Yoon Ji Chung, người đã tử vì đạo, dùi mài giáo lý của Thiên chúa giáo nay đã được thay đổi lại thành Nhà thờ Myungdong. (Ảnh: Baek Hyun)


Vậy Yoon Ji Chung là một người như thế nào? Tại sao ông lại xuất hiện ngay tại vị trí đầu trong Lễ ban chân phước? Yoon Ji Chung (尹持忠 1759~ 1791) là tín đồ thiên chúa giáo tử vì đạo đầu tiên ở Joseon. Tên thánh của ông là Baoro. Ông sinh ra trong dòng họ Yoon danh giá ở vùng Haenam (海南), Jeonnam. Nhà thơ số một của Joseon Yoon Seon Do (尹善道) là cụ tổ sáu đời của ông và danh họa kiệt xuất Yoon Du Seo (尹斗緖) là cụ nội của ông. Bố mẹ đặt tên ông là 'Ji Chung' với ý nghĩa mong ông sẽ giữ được đức trung với nhà vua. Ông đã chuyên tâm tu rèn trí đức theo các giá trị quan của Nho giáo và năm 24 tuổi, ông đã đỗ tiễn sĩ, cửa ngõ đầu tiên để tiến vào quan trường nhưng sau khi đọc được tác phẩm 'Thiên chúa thực nghĩa (天主實義, The True Meaning of the Lord of Heaven) của tác giả Matteo Ricci (tên tiếng Trung Quốc là 利瑪竇; 1552~1610), một nhà truyền giáo Giáo hội Jesus đã từng hoạt động ở Trung Quốc, ông đã quyết định theo đạo sau khi học hết các giáo lý của Thiên chúa giáo. Năm 1791, khi mẫu thân của ông qua đời, ông đã từ chối thực hiện tất cả các nghi lễ thờ cúng truyền thống theo kiểu truyền thống. Chính vì thế, ông đã bị họ hàng cũng như giới nho lâm chê trách là bất hiếu, bị kết tội phá hoại luân lý của Nho giáo. Mặc những người xung quanh ra sức thuyết phục ông từ bỏ tín ngưỡng nhưng ông vẫn một lòng đi theo đạo và cuối cùng, ông đã bị tử hình.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn Quốc của Giáo hoàng, Hội nghị giáo chủ Thiên chúa giáo Hàn Quốc sẽ tổ chức Đại hội định kỳ từ ngày 24 đến ngày 28 sắp tới. Đại hội sẽ chủ yếu bàn bạc xoay quanh vấn đề chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn quốc của Giáo hoàng và sự kiện chính là Lễ ban chân phúc 'Yoon Ji Chung và các đồng đội tuẫn giáo số 123'.

박근혜 대통령(오른쪽)이 2일 청와대에서 페르난도 필로니 교황청 인류복음화성 장관을 접견, 악수하고 있다. (사진: 청와대)

Tổng thống Park Geun Hye (bên phải) tiếp kiến và bắt tay Đức hồng y Fernando Filoni, Tổng trưởng bộ Truyền giáo tại Nhà xanh. (Ảnh: Nhà xanh)


Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Giáo hoàng nằm trong chuỗi đối thoại lâu dài giữa chính phủ Hàn Quốc và Tòa thánh Vantican. Ngày 2 tháng 10 năm ngoái, trong buổi tiếp kiến đức hồng y Fernando Filoni, Tổng trượng bộ Truyền giáo (Congregation for the Evangelization of Peoples), Tổng thống Park Geun Hye đã đề cập tới Lễ ban Chân phúc Yoon Ji Chung Baoro và các đồng đội tuẫn giáo số 123 và mời Giáo hoàng sang thăm Hàn Quốc. Tổng thống Park biết rằng Tòa thánh đang tiến hành xem xét quyết định ban Chân phúc cho các tín đồ này và bà nói "Tôi hy vọng rằng Tòa thánh sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định để tinh thần của các tín đồ đã tử vì đạo của Hàn Quốc sẽ được ghi nhận như một di sản quý giá của đất nước".

Cuối cùng, ước nguyện mong muốn phục hồi danh dự cho những tín đồ đã hy sinh vì Giáo hội của các tín đồ Thiên chúa giáo Hàn Quốc đã thành hiện thực.

Phóng viên Wi Taek Hwan, Baek Hyun của Korea.net
whan23@korea.kr