Ngày 3/4/2025, tức là ngày tưởng niệm lần thứ 77 của những nạn nhân trong vụ thảm sát Jeju ngày 3/4/1948, một gia quyến đã đến thăm Công viên Hòa bình Jeju ngày 3/4 ở phường Bonggae-dong, thành phố Jeju. (Ảnh: Yonhap News)
Bài viết từ
Xu Aiying
Mới đây, những ghi chép về vụ thảm sát Jeju ngày 3/4/1948 và dự án tái tạo rừng sau Chiến tranh Triều Tiên (năm 1950-1953) của Hàn Quốc được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thế giới.
Theo Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc (KHS), Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc (KHS) vào tháng 11 năm 2023 đã nộp đơn lên UNESCO xin công nhận những ghi chép về vụ thảm sát Jeju và dự án tái tạo rừng là Di sản tư liệu thế giới.
Sau hơn 15 tháng, UNESCO đã đưa những ghi chép này vào danh sách đề nghị công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 19/3 và chưa đầy một tháng sau đó, họ chính thức công nhận những ghi chép là Di sản tư liệu thế giới trong kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng chấp hành UNESCO diễn ra tại thành phố Paris vào ngày 10/4 (giờ Pháp).
Bức thư mà một nạn nhân trong vụ thảm sát Jeju ngày 3/4/1948 đã gửi từ nhà tù. (Ảnh: Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc)
Cụ thể, 14.673 ghi chép về vụ thảm sát xảy ra ở đảo Jeju vào năm 1948 bao gồm: danh sách những người bị giam tù do phán quyết vô lý của Tòa án quân sự và bức thư của các nạn nhân gửi từ nhà tù (27 ghi chép); lời khai của các nạn nhân của vụ thảm sát và gia quyến (14.601 ghi chép); tài liệu về các phong trào của cộng đồng dân cư để làm sáng tỏ chân tướng sự thật (42 ghi chép); báo cáo chính thức của chính phủ về các cuộc điều tra liên quan (3 ghi chép).
KHS cho rằng việc UNESCO đưa những ghi chếp về vụ thảm sát ở đảo Jeju vào danh sách Di sản tư liệu thế giới sẽ góp phần vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhân quyền trên toàn thế giới, đồng thời trở thành một tấm gương điển hình cho các quốc gia khác trong quá trình vượt qua lịch sử đau thương.
Công tác tái tạo rừng được thực hiện ở vịnh Yeongil, thành phố Pohang, tỉnh Gyeongsangbuk-do từ năm 1973-77. (Ảnh: Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc)
Còn những ghi chép về dự án tái tạo rừng nhấn mạnh thành tựu đáng kể từ hợp tác công tư trong việc tái thiết quốc gia bị tàn phá do Chiến tranh Triều Tiên.
Theo KHS cho biết, những ghi chép này không chỉ là một ví dụ điển hình mà các nước đang phát triển khác trên thế giới có thể tham khảo trong tương lai, mà còn làm gương cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu và chống sa mạc hóa.
Với quyết định mới nhất của UNESCO, Hàn Quốc trở thành nước có tổng cộng 20 Di sản tư liệu thế giới và trong đó, đảo Jeju là khu vực duy nhất ở Hàn Quốc giành 5 danh hiệu UNESCO bao gồm: Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Công viên địa chất toàn cầu, Di sản thiên nhiên thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể và Di sản tư liệu thế giới.
Ngoài ra, để kỷ niệm thành tựu này, một triển lãm đặc biệt có tên gọi “Kho lưu trữ về vụ thảm sát Jeju ngày 3/4: Sự thật và hòa giải” đã khai mạc tại Công viên Đại học Quốc tế Thành phố Paris, Pháp và kéo dài đến hết ngày 15/4 tới.
xuaiy@korea.kr