Khoảng chục năm trước đây thôi, đối với người Hàn Quốc, bánh kẹo phương Tây vẫn là một thứ quà xa xỉ, một năm chỉ được thưởng thức vào các dịp đặc biệt và chỉ dành cho một tầng lớp thiểu số trong xã hội. Tiêu biểu trong số đó là bánh ngọt và sô cô la, thời bấy giờ chúng luôn được coi là những món quà quý và được mọi người trân trọng. Thế nhưng ngày nay, người Hàn Quốc đang làm ra được những sản phẩm bánh kẹo giống với kiểu phương Tây hơn cả người phương Tây. Các loại bánh kẹo và nước giải khát do Hàn Quốc sản xuất giờ đây có thể tìm được ở mọi nơi trên thế giới và chúng đang được người dân trên thế giới, không phân biệt quốc tịch hay màu da quan tâm và đón nhận.
Tại Nga, đất nước vừa mới bế mạc Thế vận hội mùa đông Sochi cách đây không lâu đang nổi lên cơn sốt Let's be. Let's be là một nhãn hiệu cà phê đóng lon thể tích 190ml, khách hàng có thể lựa chọn một trong chín vị bao gồm latte, espresso, americano, chocolatte v.v... Nhãn hiệu cà phê lon này được bảo quản trong tủ giữ nhiệt và được đưa tới tay khách hàng khi vẫn còn nóng hổi. Đây chính là chiến lược phục vụ khách hàng mà hãng Lotte Chilsung đưa ra sau khi cân nhắc đến thời tiết lạnh giá ở Nga. Người dân địa phương đã hào hứng đón nhận Let's be khi họ được thưởng thức cà phê nóng hổi vẫn còn đang bốc hơi. Chỉ trong năm ngoái, doanh thu của Let's be tại thị trường Nga đã vượt mức 7 triệu 100 nghìn USD.
Cà phê Let's be đang được bày bán tại Nga. (Ảnh: Lotte Chilsung)
Sản phẩm Milkis được tung ra thị trường với 11 vị hoa quả (Ảnh: Lotte Chilsung)
Thế nhưng có một loại nước giải khát khác còn được yêu mến hơn cả Let's be. Đó chính là Milkis, nhãn hiệu nước giải khát có gas đầu tiên được Lotte Chilsung giới thiệu tại thị trường này. Năm ngoái, Milkis đã thu hoạch được tại thị trường Nga 14 triệu USD lợi nhuận. Tổng doanh thu tại thị trường này từ khi hãng chính thức xuất khẩu vào năm 2000 cho tới năm ngoái khoảng 76 triệu 700 nghìn USD, nếu quy đổi số tiền này ra số lon nước thể tích 250 ml, ước tính hãng đã bán ra khoảng 350 triệu lon.
Giải thích về lý do Milkis được yêu thích đến vậy tại thị trường Nga, hãng sản xuất Lotte Chilsung đã phân tích sản phẩm đã mang tới một hương vị mới mẻ kết hợp nước giải khát có gas với sữa. Thêm vào đó, năm thứ hai sau khi chính thức xuất khẩu nhãn hiệu này, hãng đã áp dụng chiến lược kinh doanh thay đổi một chút sản phẩm nguyên bản cho phù hợp với khẩu vị và tập tính của người dân nơi đây, và đây chính là yếu tố tích cực góp phần mang lại thành công cho sản phẩm này. Do đặc điểm về khí hậu, người dân Nga khó có cơ hội thưởng thức nhiều hương vị hoa quả, chính vì thế hãng đã thêm vào các hương vị như dâu tây, dưa bở, táo, dứa vào nước giải khát. Người dân Nga đã đón nhận rất nhiệt tình loại nước uống có gas mang hương vị hoa quả mới mẻ này. Ở một số quán bar và quán cà phê, các nhà kinh doanh đã đưa ra một thức uống mới, trộn Milkis với rượu mạnh vodka để phục vụ khách hàng trẻ tuổi. Có thể nói đây là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện chứng tỏ niềm yêu thích của người dân nơi dây dành cho Milkis.
Vị cay của mỳ ăn liền Shinramyeon của Hàn Quốc đang lan tỏa ra các nước trên thế giới. (Ảnh: Nongshim)
Mỳ ăn liền Shinramyeon đang được bày bán tại một siêu thị lớn ở Thượng Hải. (Ảnh: Nongshim)
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở Nga. Mỳ ăn liền Shinramyeon, biểu tượng cho vị cay nồng giờ đây đã trở thành món ăn có thể được thưởng thức tại 80 nước trên thế giới. Gần có Trung Quốc, Nhật Bản; xa hơn có Jungfraujoch Thụy sĩ (đỉnh Jungfrau) và ngay cả những nước chưa từng nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc như Trung Nam Mỹ hay ngay cả ở các quốc gia Đạo hồi, mỳ ăn liền Shinramyeon cũng rất được yêu thích. Doanh thu trong và ngoài nước của nhãn hàng này trung bình đạt 650 triệu USD/năm.
Mỳ Shinramyeon của Hàn Quốc đang được bán tại đỉnh Jungfrau (Ảnh: Nongshim)
Shinramyeon là loại thực phẩm cơ bản mà người Hàn Quốc thường mang theo mỗi khi phải ra nước ngoài. Lý do là bởi vị cay nồng của nó giúp tiếp thêm sinh lực cho cơ thể và tinh thần khi đang mỏi mệt. Hình như người nước ngoài cũng đang dần đồng cảm với văn hóa độc đáo này của Hàn Quốc. Mỳ cốc Shinramyeon đang được bán tại đỉnh Jungfrau Thụy Sĩ, nóc nhà của châu Âu. Khách tới đây leo núi khá đa dạng từ những sinh viên thích đi du lịch bụi đến gia đình hay các cặp tình nhân nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là họ đều coi Shinramyeon là một món ăn không thể thiếu.
Tại vùng Kenya ở châu Phi, người dân có thể đặt hàng món Shinramyeon qua chương trình mua sắm trên truyền hình, và 7 hãng hàng không của Mỹ bao gồm American Airlines và Air France đã phục vụ Shinramyeon trong bữa ăn trên máy bay.
Trong số nhãn hiệu thực phẩm Hàn Quốc hiện đang được xuất khẩu rộng rãi ra thế giới, không thể không kể đến Chocopie, nhãn hiệu bánh tiêu biểu của Hàn Quốc. Chocopie từ lâu đã được biết đến với biểu tượng "Tình" (tấm lòng ấm áp) ở Hàn Quốc. Hiện nay, bánh Chocopie được bày bán ở các nước với bao bì đóng gói được thiết kế phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng nước. Ở Trung Quốc, hãng thay đổi biểu tượng thành 'Ha o li yeo u', có nghĩa là bạn tốt, mang đến cảm giác gần gũi với khách hàng. Thương hiệu này đang có một vị trí nhất định trong thị trường quà biếu tặng tại Trung Quốc bởi người Trung Quốc thường dùng loại bánh này làm quà cảm ơn trong lễ cưới.
Bánh Chocopie của Hàn Quốc hiện đang được bán tại 60 nước trên toàn thế giới. (Ảnh: Orion)
Với trọng lượng 35g, đường kính 7cm, cao 2.3cm, chiếc bánh snack sô cô la nhỏ bé này đang được tiêu thụ trung bình khoảng 2 tỉ cái một năm. Nếu xếp số bánh được bán trong một năm ra thành hàng, ta sẽ được một đường quấn được 3 vòng quanh Trái Đất, và nếu xếp số bánh Chocopie đã được tiêu thụ từ khi được tung ra thị trường cho tới nay, ta có thể quấn được hơn 30 vòng quanh Trái Đất.
Loại bánh sô cô la này mang tới một hương vị ướt mềm, và để duy trì được độ ướt mềm đó, bánh luôn phải có độ ẩm lớn. Nếu báng càng ướt thì càng dễ sản sinh ra một môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi làm hỏng, thiu và thay đổi mùi vị của bánh. Chính vì vậy, sau một thời gian dài nghiên cứu, nhà sản xuất đã quyết định không sử dụng chất bảo quản mà cải tiến kỹ thuật giúp ngăn ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn làm ảnh hưởng đến vị tươi ngon của bánh, chính vì vậy, dù ở nơi nào trên thế giới, bánh vẫn luôn giữ được vị ngon vốn có.
Kem Melona của Binggrae đang được yêu mến tại Brazil (Ảnh: Binggrae)
Tại Brazil, đất nước Nam Mĩ nằm bên nửa kia bán cầu, kem Hàn Quốc đang rất được yêu mến. Và chủ nhân của cơn sốt ấy không ai khác chính là kem Melona của Binggrae. Nhãn hiệu kem Melona tiến sang thị trường Brazil từ năm 2002 và nó đã trở thành một trong những loại kem được giới trẻ địa phương yêu mến nhất. Hiện nay, kem Melona đang được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng ở Brazil, nó phổ biến tới mức giới trẻ nơi đây thường hỏi nhau rằng "Cậu đã ăn thử Melona chưa". Hiện nay có rất nhiều các cửa hàng không cố định chuyên bán Melona trên đường phố và có thể dễ dàng thấy cảnh những hàng dài người xếp hàng để mua kem.
Các loại bánh kẹo, kem, nước giải khát do Hàn Quốc sản xuất còn là các sản phẩm dễ gây nghiền, được yêu thích ngay cả ở Bắc Triều Tiên, đất nước duy nhất trên thế giới vẫn đang bế quan tỏa cảng. Các công ty ở khu công nghiệp Kaeseong hiện đang phát bánh Chocopie cho công nhân làm đồ ăn lót dạ. Có tin đồn rằng những công nhân Bắc Triều Tiên đã để dành bánh không ăn và gom góp lại để tuồn ra thị trường và đưa vào bán trong các cửa hàng. Thực tế hiện nay các sản phẩm mỳ ăn liền, các loại nước giải khát như nước hoa quả, coca cola do Hàn Quốc sản xuất đang được ngang nhiên bày bán mà không cần bóc nhãn mác. Theo những người vượt biên từ Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc thì thứ mà họ thường hay tìm mua nhất chính là các cốc mỳ ăn liền có thể đổ nước nóng vào và ăn được ngay.
Các loại bánh kẹo sô cô la vốn là sản phẩm độc quyền của phương Tây nhưng giờ đây một sự thật ngược đời đó là các sản phẩm này giờ đã được sản xuất tại Hàn Quốc và người phương Tây lại đang tìm tới chúng. Điều này cho thấy không có sự phân biệt về đất nước hay dân tộc trong khẩu vị thưởng thức. Chỉ cần đó là một món ăn hay một thức bánh kẹo ngon thì chúng có thể vượt ra khỏi mọi biên giới để vươn xa.
Phóng viên Lee Seung Ah của Korea.net
slee27@korea.kr