"Andong, kinh đô văn hoá tinh thần của Hàn Quốc"
Đó là dòng chữ viết trên Donginmun và Seoinmun, hai cửa ngõ chào đón du khách đến với Andong. Quả thực, Andong là nơi du khách có thể tìm thấy nhiều những di tích liên quan đến Nho giáo - trung tâm của văn hoá tinh thần Hàn Quốc sau triều đại Joseon (1392-1910).
Di tích Nho giáo của Andong có thể kể đến đầu tiên là Seowon (Học viện Nho giáo). Đây là hệ thống giáo dục Nho giáo tư nhân được thành lập từ giữa triều đại Joseon. Các trường học này là nơi giúp các Nho sinh nghiên cứu học vấn và thờ phụng các bậc thánh hiền. Dosan Seowon và Byeongsan Seowon là hai trong số các học viện nổi tiếng của Andong.

Nằm tại huyện Dosan-myeon, thành phố Andong-si, Học viện Dosan Seowon được xây dựng vào năm 1574 để tưởng nhớ đến Yi Hwang, một trong những học giả Nho giáo tiêu biểu của Joseon, dưới thời Vua Seonjo (1552-1608).
Học viện Dosan Seowon được xây dựng vào năm 1574 để tưởng nhớ đến Yi Hwang (1502-1571), một học giả Nho giáo lừng danh thời Joseon, có bút hiệu Toegye. Dosan Seowon được phát triển từ Dosan seodang, một lớp học của Yi Hwang dạy các học trò sau khi ông từ quan vào năm 1561. Yi nhấn mạnh đến "học tập để tu dưỡng nhân cách bản thân", mục tiêu chính của trường phái Tân Nho giáo. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh đến "học tập và nhắc lại". Cuốn "Triều Tiên vương triều thực lục" đánh giá cao nhân phẩm và bề dày học vấn của Yi Hwang và viết rằng "Các học giả ngưỡng vọng ông giống như Thái Sơn Bắc Đẩu" (vào ngày 15 tháng 2 năm thứ 21 trị vì của Vua Myeongjong).
Rất nhiều nơi trong Dosan Seowon phản ánh ý niệm của Yi Hwang, một người theo đuổi học vấn và thực hiện trong cuộc sống. Các gian nhà trong Seowon đều mang vẻ khiêm nhường, giản đơn, phản ánh thái độ cơ bản của seonbi (nho sĩ). Yi cũng đặt tên cho con giếng gần với cổng vào là Yeoljeong với ý nghĩa nhấn mạnh đến việc học, giống nước càng sâu thì càng ngọt, người học càng phải rèn luyện bản thân, cố gắng không ngừng nghỉ. Với dòng suối nhỏ khác nằm trong Seowon, ông đặt tên là "Mongcheon", mang ý nghĩa rằng soi sáng và dẫn dắt học trò theo con đường đúng đắn. Thông qua cách đặt tên như vậy, ông nhấn mạnh đến bài học tu dưỡng bản thân trong mọi việc hàng ngày. Yi còn thiết kế ra khu nhà ở cho học trò, Nongunjeongsa, theo hình chữ "gong" trong Hán tự là "học tập", với mong muốn các học trò dồn tâm sức vào việc học. Ông đã viết nhiều bài thơ về vẻ đẹp tự nhiên của ngọn núi, con sông bao quanh học viện và nhấn mạnh đến việc tu dưỡng bản thân.

Siseupje, một căn phòng sàn gỗ ở cánh Đông của khu nhà ở Nongunjeonsa trong Dosan Seowon. Đây cũng là nơi các học trò của Yi Hwang học tập.
Byeongsan Seowon là một học viện nổi tiếng khác, được dựng nên nhằm tưởng nhớ đến người con của Andong, Ryu Seong-ryong (1542-1607), bút hiệu là Seoae. Nơi này bắt nguồn từ lớp học Pungsan do Ryu Seong-ryong dạy trong dòng họ Ryu Pungsan. Sau này, lớp học được chuyển đến Byeongsan. Sau khi Ryu Seong-ryong qua đời, hậu duệ và các học trò của ông đã dựng lên Jondeoksa để cất giữ bài vị của ông. Năm 1863, nơi này được Vua Cheoljong ban tên "Byeongsan" và trở thành học viện tư nhân có đặc quyền hoàng gia.
Ryu Seong-ryong trở thành học trò của Yi Hwang vào năm ông 21 tuổi. Sau khi làm quan, ông đã trải qua nhiều vị trí then chốt trong triều đình và lên đến chức Yeonguijeong (thủ tướng) trong cuộc chiến tranh Nhân Thìn. Ông là một học giả và nhà quản lý, người theo ý niệm của Yi Hwang đem các bài học Nho giáo vào thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày. Trước khi qua đời, ông đã để lại cho các hậu duệ của mình một di huấn rằng, "Không có điều gì quan trọng hơn trung hiếu". Di huấn ấy là biểu hiện cho bài học của Nho giáo, nhấn mạnh đến giá trị của "trung", "hiếu", "lễ", "nghĩa". Trong số các cuốn sách của ông, nổi tiếng nhất là "Jingbirok", trong đó ông viết về cuộc chiến Nhâm Thìn để Joseon có thể học được các bài học trong quá khứ và ngăn chặn sự tái diễn của các sự kiện như thế trong tương lai.

Byeongsan Seowon, nơi lưu giữ bài vị của học giả Ryu Seong-ryong.
Học viện Byeongsan Seowon cũng được xây dựng theo cấu trúc cơ bản của seowon. Đặc trưng của học viện này là cách xây dựng khu ký túc xá phía Đông và phía Tây để đón nhiều ánh mặt trời vào ban ngày và lúc hoàng hôn.
Một nét độc đáo khác của Học viện Byeongsan Seowon là vẻ đẹp kiến trúc, kết hợp hài hoà với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Nếu ngồi trên sàn ở gian chính, bạn có thể thấy được toà tháp cao tên là Mandaeru, có thể chứa được trên 200 người. Khi lên đến toà tháp, bạn sẽ chiêm ngưỡng được tuyệt tác của khung cảnh vùng quê. Vách đá Byeongsan như một bình phong che chắn và dòng sông Nakdonggang lững lờ trôi hiện ra trước mắt.

Tháp Mandaeru của Học viện Byeongsan Seowon nằm trong sự hài hoà với khung cảnh tuyệt mĩ xung quanh do núi và sông tạo nên. Núi Byeongsan bao quanh Mandaeru và mặt sàn gỗ bên trong Mandaeru.
Niềm tin của Ryu Seong-ryong còn được thể hiện rõ tại "Chunghyodang" trong Làng Hahoe. Tên gọi của Chunghyodang bắt nguồn từ tư tưởng mà Ryu Seong-ryong nhấn mạnh là "trung thành với đất nước và hiếu nghĩa với cha mẹ". Ông trở về quê hương ở Pungsan và sống những ngày cuối đời ở đó, sau khi từ quan. Ông đã qua đời trong một căn nhà mái tranh nhỏ. Sau khi ông qua đời, các hậu duệ và học trò của ông đã xây dựng nên Chunghyodang để tưởng nhớ và tôn vinh đức hạnh của ông.

Chunghyodang là nơi các hậu duệ và học trò của Ryu Seong-ryong xây dựng để tưởng nhớ đức hạnh của ông.

Tấm bảng treo ở Chunghyodang ghi nhận di huấn của Ryu Seong-ryong về sự trung thành và hiếu nghĩa.
Các di sản Nho giáo khác tại Andong còn có khu di tích Ocheon tại Waryong-myeon. Đây là ngôi làng được dựng lên bởi Kim Hyo-ro (1454-1534), bút hiệu là Nongsu. Ông là người hình thành ra nhánh Yean của dòng họ Kim Gwangsan và là một học giả đầu triều đại Joseon. Ngôi làng ban đầu được dựng tại Yean, sau đó chuyển đến vùng Waryong. Toegye Yi Hwang đánh giá cao học vấn của Kim Hyo-ro và ghi trên bia mộ của ông rằng "Kim Hyo-ro đã tự thân tu rèn học tập, thành kính thể hiện các lễ nghi cúng bái tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, thuận hoà với anh em và yêu thương, nuôi dạy con cháu. Ông là người có hành vi và cư xử mẫu mực." Hai người con của Kim Hyo-ro là Kim Yeon và Kim Su đã phụng sự trong triều đình Vua Jongjung (1488-1544). Các hậu duệ của họ Kim Gwangsan trở nên thịnh vượng và đưa các bài học của Nho giáo vào thực tiễn như khơi dậy nghĩa binh trong cuộc chiến Nhâm Thìn. Ngôi làng còn được gọi là "Gunjari", nơi ở của năm vị quân tử (gunja).

Di tích Ocheon tại Waryong do Kim Hyo-ro xây dựng, người hình thành nên nhánh Yean của dòng họ Kim Gwangsan.
Điểm thu hút sự chú ý tại di tích Ocheon là tấm bảng treo và các bài thơ viết ở đó. Một trong số đó là đình Takcheonjeong, một công trình liền kề do Kim Yu (1491-1555) xây dựng vào năm 1514, năm thứ 36 của triều Vua Jungjong. Tấm biển trên đình Takcheongjeong do Han Ho (1543-1605), một người nổi danh viết chữ đẹp, đã khắc. Các học giả Nho giáo danh tiếng như Yi Hwang đã viết các bài thơ trong này. Một căn nhà khác không thể bỏ qua là Hojudang, do Kim Bu-pil (1516-1577), một quan văn dưới thời Vua Seonjo, xây dựng. Công trình được lấy tên theo hiệu của ông là "Hojudang". Tấm biển của công trình này là chữ viết tay của Yi Hwang.
Rất nhiều gia đình chủ họ danh tiếng thời Joseon tập trung tại Andong, như dòng họ Yi Jinbo của Yi Hwang, dòng họ Ryu Pungsan của Ryu Seong-ryong, dòng họ Kim Gwangsan, họ Kim Andong và họ Gwon Andong. Mỗi dòng họ đều có một nơi lưu giữ mộc bản. Hơn 65.000 mộc bản của các ấn phẩm vẫn còn đến ngày nay. Các mộc bản này đã được ghi danh là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO công nhận. Bạn có thể tìm hiểu các tư liệu về dòng họ này và lịch sử của Nho giáo Hàn Quốc tại Viện phát triển Hàn Quốc học.
Bài: Yoon So-jung, phóng viên Korea.net
Ảnh: Wi Tack-whan, phóng viên Korea.net
arete@korea.kr

Tấm biển treo trên đình Takcheongjeong (ảnh trên) và Hojudang do Han Ho và Yi Hwang viết trực tiếp.