Tháng 5 tại Hàn Quốc được coi là tháng gia đình với nhiều ngày lễ kỷ niệm, đặc biệt là Ngày Nhà giáo 15/5. (Ảnh: iclickart) © Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng
Gia đình chính là điểm tựa tinh thần, là nơi khởi nguồn của yêu thương và cũng là chiếc nôi nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người. Từ bữa cơm giản dị sum vầy đến những lời dạy dỗ thân tình từ ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô, gia đình không chỉ là mái ấm, mà còn là nơi ta học những bài học đầu tiên về đạo đức, văn hóa và tình người.
Chính nhờ những giá trị nhân văn sâu sắc và mối quan hệ gia đình bền chặt, Hàn Quốc đã dành riêng tháng 5 hằng năm để tôn vinh những kết nối thiêng liêng này thông qua “Tháng Gia đình” với nhiều ngày lễ kỷ niệm ý nghĩa. Chúng ta có thể kể đến như Ngày Thiếu nhi (5/5), Ngày Cha mẹ (8/5), Ngày Nhà giáo (15/5) và Ngày Vợ chồng (21/5).
Đặc biệt, Ngày Nhà giáo (15/5) ở Hàn Quốc là dịp để học sinh tri ân những “người lái đò” thầm lặng - những người đã đồng hành, dìu dắt và truyền cảm hứng trên hành trình trưởng thành của mỗi thế hệ học trò. Tương tự, ở Việt Nam cũng dành một ngày đặc biệt dành cho các nhà giáo đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Mình cảm thấy rằng, vì đều hướng đến giá trị tình cảm gia đình nên hai dịp kỷ niệm này cũng có những điểm tương đồng khá thú vị, cả trong cách tổ chức lẫn thông điệp muốn truyền tải. Tuy vậy, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn giữ được những nét riêng trong phong tục và bản sắc văn hóa, đặc biệt là khi nói đến những ngày ý nghĩa như thế này.
Để có thể khám phá thêm những nét đặc sắc thú vị trong phong tục và bản sắc văn hóa thông qua Ngày Nhà giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, mời các bạn độc giả hãy theo dõi hết nội dung bài viết của phóng viên danh dự Korea.net nhé!
Những điều cần biết về Ngày Nhà giáo Hàn Quốc và Việt Nam
Tại Hàn Quốc, Ngày Nhà giáo (tiếng Hàn:
스승의 날) được tổ chức vào ngày 15/5, nằm trong chuỗi các ngày lễ đặc biệt của tháng gia đình Hàn Quốc. Điều thú vị là ngày nhà giáo thế giới là ngày 5 tháng 10 nhưng ở Hàn Quốc, toàn thể người dân lại kỉ niệm ngày lễ này vào trung tuần tháng 5 hàng năm. Điều này bắt nguồn từ một câu chuyện ý nghĩa vào năm 1963, khi một nhóm học sinh thuộc Hội Chữ thập đỏ thanh niên đã đến thăm thầy cô đang điều trị trong bệnh viện. Hành động đầy nhân văn ấy đã truyền cảm hứng để hình thành nên một ngày tri ân thầy cô trên toàn quốc.
Ban đầu, Ngày Nhà giáo Hàn Quốc được ấn định vào tháng 5, và đến năm 1965 thì chính thức chuyển sang ngày 15/5 - trùng với ngày sinh của vua Sejong, vị vua nổi tiếng với những đóng góp to lớn cho giáo dục và văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 1973 đến 1982, ngày lễ này từng bị tạm ngưng do ảnh hưởng của chế độ độc tài. Mãi đến năm 1983, nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của xã hội dân sự, Ngày Nhà giáo mới được khôi phục và duy trì cho đến ngày nay.
Ngày Nhà giáo Hàn Quốc được ấn định vào ngày 15/5 hàng năm. (Ảnh: Canva)
Trong khi đó, Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay còn được gọi là Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam), là một ngày kỷ niệm được tổ chức vào năm 1958 sau khi Công đoàn giáo dục Việt Nam đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26-30/8/1957, lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Từ đó đến nay, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Đến ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để ban ngành giáo dục giữa hai nước nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng cho các cải tiến trong dạy và học.
Trong khi đó, ngày Nhà giáo Việt Nam được ấn định vào ngày 20/11 hàng năm. (Ảnh: Canva)
Những điểm chung
Trước hết, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có những ngày đặc biệt nhằm tôn vinh các nhà giáo. Điều này cho thấy sự ghi nhận của chính phủ hai nước đối với vai trò to lớn của nghề dạy học. Không chỉ mang tính biểu tượng, những ngày lễ này còn được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp lý, thể hiện sự quan tâm cụ thể và chính thức từ phía nhà nước.
Thứ hai, đây cũng là dịp để học sinh thể hiện lòng tri ân đến thầy cô bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ các buổi lễ kỷ niệm, chương trình văn nghệ cho đến những món quà nhỏ, những lời chúc ý nghĩa - tất cả đều góp phần tạo nên không khí ấm áp, gắn bó trong nhà trường. Ở một số nơi, các hoạt động dã ngoại hay tham quan dành cho giáo viên cũng được tổ chức như một lời cảm ơn thiết thực. Điều đặc biệt là cả hai quốc gia đều dành sự quan tâm sâu sắc đến những thầy cô đã nghỉ hưu hoặc đang gặp hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo” không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể.
Một điều thú vị nữa là cả ở Việt Nam và Hàn Quốc, hoa cẩm chướng thường được chọn để tặng thầy cô trong ngày Nhà giáo. Loài hoa này không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn kính và lòng biết ơn. Với nhiều học sinh, thầy cô giống như cha mẹ thứ hai - những người luôn tận tâm dìu dắt và nâng đỡ mình trên con đường trưởng thành. Vì thế, tặng hoa cẩm chướng vào dịp này cũng là một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc để bày tỏ tình cảm và sự tri ân với các thầy cô giáo.
Một học sinh đang cài hoa cẩm chướng cho vị giáo sư kỉ niệm ngày nhà giáo Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap News)
Bên cạnh đó, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chuyển đổi số, việc gửi thiệp chúc mừng điện tử hay nhắn tin qua mạng xã hội để bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô cũng trở thành xu hướng được nhiều học sinh ở cả Hàn Quốc và Việt Nam yêu thích. Dù chọn cách tri ân nào đi nữa, là một bó hoa tươi, một lời chúc qua tin nhắn hay một món quà nhỏ, thì tất cả đều thể hiện sự biết ơn chân thành và lòng tôn trọng dành cho những người thầy, người cô. Ý nghĩa của Ngày Nhà giáo cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường, mà còn lan rộng ra cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức cũng ghi nhận sự đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của những nhân viên từng là nhà giáo, bằng những hoạt động tôn vinh đầy nhân văn.
Dù chọn cách tri ân nào đi nữa, thì chúng ta đều có thể thể hiện sự biết ơn chân thành và lòng tôn trọng dành cho những người thầy, người cô. (Ảnh: iclickart) © Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.
Những điểm khác biệt
Trước hết, xét về thời điểm tổ chức, Ngày Nhà giáo ở Hàn Quốc rơi vào giữa tháng 5 - một khoảng thời gian đặc biệt trong năm khi tiết trời dịu nhẹ, cây cối xanh mát và không khí tràn đầy sức sống của mùa xuân. Chính nhờ thời tiết lý tưởng ấy, các hoạt động tri ân thầy cô tại Hàn Quốc thường diễn ra trong không khí vui tươi, và dễ để lại ấn tượng sâu sắc với người tham gia. Trong khi đó, Ngày Nhà giáo Việt Nam lại rơi vào cuối tháng 11, khi mùa đông bắt đầu gõ cửa. Thời tiết mát mẻ, có phần se lạnh, nhưng cũng là lúc lòng người thêm ấm áp bởi những lời tri ân, những bó hoa tươi và những câu chuyện đầy xúc động giữa thầy cô và học trò.
Thứ hai, về quy mô và hình thức tổ chức, Việt Nam có cách kỷ niệm Ngày Nhà giáo rất đa dạng và sáng tạo như tặng quà, liên hoan, biểu diễn văn nghệ, họp lớp, mini game, hội thao,... Trong khi đó, tại Hàn Quốc, hoạt động phổ biến nhất là tặng hoa cẩm chướng và viết thư tay gửi lời cảm ơn đến giáo viên. Ở một số trường học hay cơ quan, ngày này thậm chí không được tổ chức chính thức. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tặng quà trong ngày Nhà giáo Hàn Quốc từng bị lợi dụng và biến tướng, khiến ý nghĩa tri ân dần bị lu mờ. Đã có những trường hợp món quà bị xem như một hình thức hối lộ trá hình. Để ngăn chặn điều này, Hàn Quốc đã ban hành Luật chống tham nhũng Kim Yeong-ran. Luật này áp dụng với nhiều nhóm đối tượng như công chức, giáo viên, báo chí, nhân viên các tổ chức nhà nước,... và quy định rõ ràng về mức giới hạn quà tặng. Nếu vượt quá giá trị cho phép và bị xem là không chính đáng, người tặng và người nhận đều có thể bị xử phạt hành chính.
Liên hoan, họp lớp cũng là một trong những hình thức phổ biến tại Việt Nam khi tổ chức lễ tri ân Nhà giáo. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Thứ ba, dù hoa cẩm chướng được xem là biểu tượng đặc trưng cho Ngày Nhà giáo ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng cách thể hiện lòng tri ân qua tặng hoa ở mỗi nước lại có phần khác biệt. Việt Nam khá cởi mở trong việc lựa chọn các loại hoa tặng thầy cô bên cạnh hoa cẩm chướng. Từ hoa hồng, hoa hướng dương, đến cả các bó hoa được trang trí cầu kỳ - miễn là thể hiện được tình cảm chân thành. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, hoa cẩm chướng lại mang tính biểu trưng sâu sắc và thường được dùng như cách thể hiện sự kính trọng với giáo viên, tương tự như cách người Hàn dùng hoa này để tặng cha mẹ vào Ngày Cha mẹ (8/5).
Những bó hoa bằng len nghệ thuật cũng là xu hướng mà giới trẻ Việt Nam chọn để làm quà tri ân các thầy cô giáo nhân dịp đặc biệt. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Một vài cảm nhận thú vị về Ngày Nhà giáo
Chia sẻ với phóng viên danh dự Korea.net là hai giảng viên tiếng Hàn mà mình vô cùng yêu quý - cô Yoon Ok-sun và cô Na Dong-sook - hiện đang giảng dạy tại Học viện King Sejong, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam. Với hơn một năm gắn bó giảng dạy tại đây, cả hai cô đều có những cảm nhận rõ nét về sự khác biệt và điểm tương đồng giữa Ngày Nhà giáo ở Việt Nam và Ngày Nhà giáo tại Hàn Quốc.
Theo chia sẻ của cô Yoon Ok-sun, ở Hàn Quốc, hoa cẩm chướng thường được chọn làm món quà biểu tượng để tặng thầy cô vào Ngày Nhà giáo. Trong khi đó, tại Việt Nam, học sinh lại thể hiện lòng biết ơn bằng nhiều loài hoa khác nhau, không cố định theo một loại nào cả. Dù ở đâu, giáo viên vẫn luôn được trân trọng trong ngày lễ đặc biệt này. Cô Yoon chia sẻ thêm, điều khiến cô cảm thấy xúc động nhất khi giảng dạy tại Việt Nam chính là tinh thần học tập và tấm lòng chân thành, nhiệt huyết của các bạn học viên. Trong những dịp đặc biệt như giờ nghỉ giải lao, sinh nhật hay buổi học cuối cùng của khóa, học viên Việt Nam luôn chủ động chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn. Với cô, chính những khoảnh khắc ấy đã khiến mỗi ngày ở lớp đối với cô đều là “Ngày Nhà giáo”.
Với cô Yoon, mỗi ngày được đứng trên bục giảng, được gặp gỡ và truyền đạt kiến thức cho học viên Việt Nam, đều mang đến cho cô cảm giác như đang sống trong chính “Ngày Nhà giáo”. (Ảnh: Yoon Ok-sun)
Còn với cô Na Dong-sook, điều khiến cô trân trọng nghề giáo không chỉ nằm ở những lời chúc hay bó hoa trong Ngày Nhà giáo, mà là ở từng khoảnh khắc giản dị mỗi khi đứng lớp. Cô bày tỏ rằng, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy học viên hào hứng học bài, rồi dần dần yêu văn hóa Hàn Quốc qua từng giờ học.
“Có một kỷ niệm mà cô vẫn nhớ mãi”, cô nhẹ nhàng kể. “Đó là buổi học trải nghiệm làm bánh canh gạo Tteokguk vào cuối năm ngoái. Các bạn học viên Việt Nam không chỉ chia sẻ với cô những câu chuyện Tết thật thú vị, mà còn ân cần mời cô ăn thử món ăn do chính tay các bạn làm. Có bạn còn lén dúi cho cô một viên kẹo gừng, nói là để đỡ lạnh. Chỉ là một hành động rất nhỏ thôi, nhưng cô cảm thấy ấm lòng lắm”.
Cô Na Dong-sook cùng với các học viên trong lớp học trải nghiệm làm canh bánh gạo Tteokguk vào cuối năm 2024. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Một chia sẻ thú vị khác đến từ cô Lee Hyun Ki - huấn luyện viên bộ môn võ thuật truyền thống Hàn Quốc Taekkyeon. Mình và cô Lee quen nhau qua một khoá học võ ở KCC tại Việt Nam, khi đó mình tham gia với vai trò là phóng viên danh dự, còn cô là người được phỏng vấn. Từ sau lần gặp ấy, bọn mình vẫn giữ liên lạc và thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều điều thú vị về văn hóa và phong tục của hai đất nước. Cô Lee Hyun Ki chia sẻ rằng, theo thời gian, văn hóa Hàn Quốc cũng đã thay đổi khá nhiều. Vào Ngày Nhà giáo, việc tặng quà hay gửi lời chúc chính thức cho thầy cô gần như không còn phổ biến, thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị hạn chế.
“Dù vậy, cô vẫn giữ thói quen đến thăm thầy cô và các bậc tiền bối của mình. Cô thường cài hoa cẩm chướng lên áo họ và trực tiếp nói lời cảm ơn. Có khi không đến được, cô cũng cố gắng gọi điện để bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã dạy dỗ, nâng đỡ mình”, cô Lee nói.
Cô Lee cũng nhận thấy rằng, giới trẻ Hàn Quốc ngày nay thường chọn cách gửi quà qua dịch vụ chuyển phát nhanh thay vì đến tận nơi như trước kia - một phần vì nhịp sống hiện đại quá bận rộn, một phần vì khoảng cách thế hệ trong cách thể hiện tình cảm cũng dần thay đổi.
Với vai trò là một nhà giáo về lĩnh vực võ thuật Hàn Quốc cho các bạn học viên Việt Nam, cô Lee Hyun Ki đã có những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Cô Lee cho biết: “Cuối năm ngoái thật sự là quãng thời gian mà cô không thể nào quên. Cô đã có cơ hội trực tiếp giảng dạy bộ môn Taekkyeon cho các bạn học viên Việt Nam. Hồi đó cũng đúng dịp sinh nhật cô và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, nên các bạn đã dành tặng cô rất nhiều món quà chứa đầy tình cảm: nào là hoa, bánh kẹo, cà phê,... nhiều đến mức tưởng chừng chất đầy cả một xe. Tới lúc chuẩn bị chia tay để trở về Hàn Quốc, cô thật sự không kìm được cảm xúc và đã bật khóc. Giây phút các bạn học viên Việt Nam chào tạm biệt đã chạm đến trái tim cô sâu sắc đến mức, cô tin rằng cả đời này mình sẽ không bao giờ quên được”.
Cô Lee Hyun Ki đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ các bạn học viên Việt Nam trong thời gian cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vào năm ngoái. (Ảnh: Lee Hyun Ki)
Còn với mình, thầy cô luôn là những người đáng quý nhất trong hành trình trưởng thành. Không chỉ truyền đạt kiến thức, họ còn dạy mình cách sống, cách làm người. Dù bây giờ không còn được gặp thầy cô thường xuyên như trước, nhưng những kỷ niệm về mái trường, về thầy cô, bạn bè vẫn luôn sống mãi trong tim - đặc biệt là vào những dịp như ngày 20/11. Và mình cũng hiểu được sự kiên nhẫn, tận tụy và cả những khó khăn mà thầy cô đã từng trải qua để giúp học sinh hiểu bài, áp dụng được vào cuộc sống. Và có lẽ, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là dịp để tri ân, mà còn là lúc mỗi người trong chúng ta được trở về với “người cha, người mẹ thứ hai” - trở về với ký ức, với thanh xuân tươi đẹp bên bạn bè và thầy cô.
Phóng viên danh dự Korea.net tri ân cô Nguyễn Hải Phượng - giáo viên dạy tiếng Hàn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện King Sejong - Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam vào cuối năm 2023. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Tổng kết
Dù có những nét khác biệt về thời điểm hay hình thức tổ chức, nhưng cả Hàn Quốc và Việt Nam đều coi trọng giá trị của nghề giáo và tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Ngày Nhà giáo ở mỗi quốc gia không chỉ là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô, mà còn là thời điểm để nhìn lại vai trò quan trọng của giáo dục trong xã hội. Với mỗi học sinh, đó là một ngày đặc biệt để ghi nhớ và trân trọng những người đã truyền cảm hứng và đồng hành trên hành trình trưởng thành. Và nếu bạn đang nghĩ đến một lời chúc, một bó hoa hay chỉ đơn giản là một tin nhắn cảm ơn - thì đây chính là dịp tuyệt vời để gửi đi những điều ý nghĩa đó.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Hàn Quốc (15/5) đang đến gần, mình xin gửi lời chúc sức khỏe và lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô tại Việt Nam và Hàn Quốc - những người luôn âm thầm chèo lái bao thế hệ học trò đến với tương lai. Đặc biệt, trong dịp Tháng Gia đình năm nay, mong rằng mỗi chúng ta sẽ luôn biết yêu thương và trân trọng nhiều hơn nữa những người thân yêu bên cạnh mình.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.