Ẩm thực - Du lịch

12.09.2022

Hidden Charms of Korea_sool

Gamhongno, có nghĩa là “sương màu đỏ có vị ngọt”, đã được coi là một trong ba loại đồ uống có cồn hàng đầu của triều đại Joseon trong cuốn sách “Joseon Sangsik Mundap” (một cuốn sách sắp xếp câu hỏi và trả lời về kiến thức chung thời Joseon) do học giả Choi Nam-seon biên soạn. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)

Gamhongno, có nghĩa là “sương màu đỏ có vị ngọt”, đã được coi là một trong ba loại đồ uống có cồn hàng đầu của triều đại Joseon trong cuốn sách “Joseon Sangsik Mundap” (một cuốn sách sắp xếp câu hỏi và trả lời về kiến thức chung thời Joseon) do học giả Choi Nam-seon biên soạn. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)



Bài viết từ Min Yea-Ji

Trong số những loại rượu truyền thống của Hàn Quốc, có một loại rượu thường xuyên xuất hiện trong nhiều câu chuyện lịch sử, tên của loại rượu này là “Gamhongno”. Được chứa đựng trong bình gốm sứ có thiết kế độc đáo giống như một chiếc váy Hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc), loại rượu này từ lâu được mô tả là “sương màu đỏ có vị ngọt”.

Đồ uống có cồn này được đề cập trong truyện cổ tích Byeoljubujeon, trong đó rùa rủ thỏ đi vào Long Cung với rượu này để lấy gan của thỏ và chữa bệnh của Long Vương. Nữ chính Chunhyang trong câu chuyện tình yêu nổi tiếng Chunhyangjeon cũng mang Gamhongno ra cho người yêu của mình, tên là Mongryong, để yêu cầu Mongryong ở lại quê thay vì rời đến Hanyang, kinh đô của triều đại Joseon. Ngoài ra, Hwang Jini, một kỹ nữ nổi tiếng dưới thế kỷ 16, đã cho rằng người yêu của cô, tên là Seo Hwa-dam, mang khí khái mạnh mẽ giống như rượu Gamhongno.

Như vậy, ta có thể nhận ra rằng rượu Gamhongno nổi tiếng đến mức nào từ ngày xưa. Không chỉ trong ba câu chuyện trên, Gamhongno còn được sử dụng như một đề tài phổ biến trong các tiểu thuyết và tác phẩm văn học vào thời Joseon cũng như tục ngữ.

Trong các cuốn sách “Gyeongdo Japji” (một cuốn sách giới thiệu về các phong tục thời Joseon) của học giả Yu Deuk-Gong (1748-1807) và “Joseon Sangsik Mundap” (một cuốn sách sắp xếp câu hỏi và trả lời về kiến thức chung thời Joseon) của học giả Choi Nam-seon (1890-1957), Gamhongno được mệnh danh là một trong ba rượu có danh tiếng nhất của triều đại Joseon. Cũng có một tục ngữ “Gamhongno tồn tại ngay cả trong một bình đất sét”, mang nghĩa là thứ gì đó nhìn bên ngoài không hấp dẫn lại có thể tốt và đẹp ở bên trong.

Ngày nay, đồ uống này được sản xuất tại một xưởng nấu rượu ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi-do. Bậc thầy Lee Ki Sook đã cố gắng để bảo tồn cách làm Gamhongno, gần như đã biến mất trong nhiều năm qua.

Thành phần chính của rượu Gamhongno là gạo, kê tẻ màu vàng, long nhãn, quế, vỏ quýt khô, đinh hương khô, gừng, cam thảo và tử thảo. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)

Thành phần chính của rượu Gamhongno là gạo, kê tẻ màu vàng, long nhãn, quế, vỏ quýt khô, đinh hương khô, gừng, cam thảo và tử thảo. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)



Gamhongno được làm bằng cách trộn gạo và kê tẻ màu vàng theo tỷ lệ 7:3 rồi hấp chín, sau đó thêm Nuruk (men lúa mì) và nước sạch để làm Mitsool (rượu được tạo ra trong giai đoạn đầu tiên trước khi làm rượu hoàn thiện) sau quá trình lên men trong 15 ngày. Sau khi chưng cất hai lần để làm phong phú hương vị và hương thơm, 7 loại thuốc Đông y - long nhãn, vỏ quýt khô, đinh hương khô, gừng, quế, cam thảo và tử thảo - được thêm vào.

Để yên hỗn hợp trong khoảng hai tháng, bước tiếp theo là loại bỏ 7 loại dược liệu và ủ chúng từ 1 năm rưỡi đến hai năm, thì có thể có được Gamhongno hoàn chỉnh. Cây phòng phong ban đầu là một trong những thành phần không thể thiếu khi làm Gamhongno nhưng bị cấm sử dụng sau khi nó được phân loại dược phẩm.

Bà Lee Ki Sook và chồng bà là Lee Min Hyung, người đứng đầu xưởng nấu rượu, đã cho các nhân viên của Korea.net nếm thử long nhãn, được họ mô tả là một loại thuốc được sử dụng để tạo ra vi ngọt của Gamhongno. Có vị ngọt nhẹ, long nhãn có tác dụng làm ấm bụng và vỏ quýt khô rất giàu vitamin. Đinh hương khô giúp tăng cường năng lượng trong cơ thể và quế có mùi thơm nồng nàn. Tử thảo, một loại dược liệu quý hiếm như sâm núi, phát ra màu đỏ đẹp và gừng tiếp thêm vị cay, tính ấm. Trong khi đó, cam thảo khiến tất cả các thành phần hòa quyện với nhau, tạo ra hương vị đặc trưng của rượu này.

Đổ rượu Gamhongno vào cốc nhỏ, hương quế nhẹ nhàng cứ bay quanh mũi và khi uống một ngụm rượu, các loại thuốc Đông y mang lại vị ngọt tự nhiên. Mặc dù là một loại rượu mạnh có độ còn cao lên 40% nhưng sở hữu vị thanh khiết và mùi hương khá dễ chịu vì được chưng cất nhiều lần.

(Video: Lee Jung Young / Korea.net)



Bà Lee Ki Sook cho biết: “Uống rượu có thể bị lạnh bụng và gây bệnh nhưng ngược lại, Gamhongno có tác dụng làm ấm bụng nhờ thành phần thuốc Đông y và từ lâu đã được dùng làm thuốc. Ngày xưa, các bác sĩ trong cung điện đã làm ra rượu này với tên gọi là Naeguk Gamhongno”.

“Mỗi khi tôi mệt mỏi về thể chất, tôi pha rượu Gamhongno và nước ấm với tỷ lệ 1:2 để nhấm nhấp đồ uống pha chế từng chút một và chậm rãi, giống như uống trà nóng”, bà cho biết thêm.

Rượu Gamhongno cũng được yêu thích vì có vị ngọt rất phù hợp để sử dụng cho cocktail. Trong một cuộc thi cocktail lần thứ nhất diễn ra vào ngày 28/05 nhằm mục đích quảng bá và phát triển các loại rượu truyền thống Hàn Quốc, Gamhongno đã giành được cả hai giải lớn và giải xuất sắc nhất.

Gamhongno affogato, được làm bằng cách thêm một vài giọt Gamhongno vào kem vani, sẽ giúp thực khách thưởng thức một món tráng miệng mới với mùi của hạt phỉ và sô cô la ngọt ngào từ rượu truyền thống này. Bậc thầy Lee Ki Soon đã đề xuất Yakgwa (bánh kẹo truyền thống làm từ mật ong và bột mì) hoặc sô cô la đen là sự lựa chọn tốt nhất để ăn cùng đồ uống này.

Bậc thầy Lee Ki Sook, người kế thừa cách làm rượu truyền thống Gamhongno. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)

Bậc thầy Lee Ki Sook, người kế thừa cách làm rượu truyền thống Gamhongno. (Ảnh: Kim Sunjoo / Korea.net)



Năm 2014, Gamhongno trở thành loại rượu truyền thống Hàn Quốc đầu tiên có tên trong danh sách “Ark of Taste” của tổ chức Slow Food có trụ sở tại Ý. Danh sách này đã ra mắt lấy cảm hứng từ một ý tưởng về những loại thực phẩm nên có nếu loài người có nguy cơ tuyệt chủng, và hiện nay có mục đích ghi chép và bảo tồn những loại thực phẩm có nguy cơ bị mất.

Khi Hàn Quốc vào những năm 1950 ban hành luật cấm sử dụng gạo để sản xuất đồ uống có cồn, nhiều loại rượu truyền thống đã gặp nguy cơ biến mất và Gamhongno cũng không phải là ngoại lệ.

Sau 30 năm, khi chính sách của chính phủ chuyển hướng sang quảng bá đồ uống truyền thống trước Thế vận hội Mùa hè Seoul 1988, cha của bà Lee Ki Sook, tên là Lee Gyeong-chan, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và ông truyền lại cách làm Gamhongno cho con trai và con gái của mình. Tuy nhiên, anh trai của bà Lee đột nhiên qua đời vào năm 2000 và từ đó, bà trở thành người duy nhất kế thừa cách làm rượu Gamhongno truyền thống.

“Tôi đã học được cách chịu đựng khó khăn khi còn nhỏ bằng cách khắc sâu trong tim những khoảnh khắc cha tôi đã ngủ chợp mắt bên chiếc lu để bảo vệ Gamhongno trong lúc bí mật làm nó”, bà Lee cho biết.

Đối với các độc giả của Korea.net, bà chia sẻ: “Gamhongno có mùi thơm thảo mộc khá quen thuộc với người nước ngoài và cũng có tác dụng làm ấm cơ thể. Hãy thưởng thức rượu Gamhongno cùng với những câu chuyện đằng sau nó”.

jesimin@korea.kr