Ẩm thực - Du lịch

15.05.2023

Ngày 27 tháng trước, những phóng viên nước ngoài tham gia chuyến tham quan báo chí “Con đường hòa bình tại Khu phu quân sự (DMZ)” được kể về lịch sử Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tại Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên ở xã Yongjeong-ri, thị trấn Ganghwa-eup, quận Ganghwa-gun, thành phố Incheon. (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)

Ngày 27 tháng trước, những phóng viên nước ngoài tham gia chuyến tham quan báo chí “Con đường hòa bình tại Khu phi quân sự (DMZ)” được kể về lịch sử Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tại Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên ở xã Yongjeong-ri, thị trấn Ganghwa-eup, quận Ganghwa-gun, thành phố Incheon. (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)



Bài viết từ Kim Hyelin

Sáng 9h30 ngày 27/04, 7 phóng viên nước ngoài đến từ 5 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, Pháp và một phóng viên của Korea.net đã có mặt tại Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên ở xã Yongjeong-ri, thị trấn Ganghwa-eup, quận Ganghwa-gun, thành phố Incheon, để tham gia chuyến tham quan báo chí “Con đường hòa bình tại Khu phi quân sự (DMZ)”.

“Con đường hòa bình tại DMZ” lần đầu tiên được tạo ra vào năm 2019 để đánh dấu kỷ niệm một năm ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27 tháng 4. Hiện tại, 11 lộ trình theo chủ đề đang được vận hành tại 10 chính quyền địa phương giáp với DMZ.

Đảo Ganghwa-do nằm ở phía Tây Bắc của Hàn Quốc, cách trung tâm thủ đô Seoul khoảng 60km. Bờ biển phía Bắc được coi là đường biên giới phía Nam của Đường đình chiến (Đường phân giới quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên). Do là con đường dọc theo bờ biển và gần thủ đô Seoul, nên nó đã từng được coi là một trung tâm quân sự trong lịch sử.

Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết vào ngày 27/07/1953, trong đó hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên đã quyết định thiết lập một “đường ranh giới quân sự” (Military Demarcation Line, MDL) với quy định lực lượng quân sự của mỗi nước phải lùi xa 2km so với đường ranh giới, tạo ra một khu phi quân sự có bề rộng 4 km dọc đường biên giới mới phân chia hai miền.

Thông thường, DMZ được thiết lập nằm trong lãnh thổ của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc với hàng rào dây thép gai làm ranh giới. Mặc dù đảo Ganghwa không nằm trên đất liền, nhưng lý do tại sao nó thuộc về “Con đường hòa bình tại DMZ” là vì khu vực này nằm dọc theo “DMZ trên mặt nước”.

Tuyến đường thủy dài 67km từ thành phố Paju đến quận Ganghwa-gun giáp với phía Bắc Triều Tiên, có tên gọi chính thức là “Cửa sông Hàn (sông Jo) vùng nước trung lập”. Đây là khu vực đã được chính quyền cả 2 nước cho phép tàu thuyền của ngư dân được tự do đánh bắt, tuy nhiên vì để tránh xảy ra xung đột vũ trang nên cho đến hiện tại vẫn không có bất cứ tàu thuyền nào dám tiến gần lại khu vực đó. Theo các quan chức của Thủy quân lục chiến, khu vực này hiện đang được quản lý ở cùng cấp độ với DMZ trên đất liền.

Hình ảnh Bắc Triều Tiên khi nhìn từ Đài quan sát hòa bình Ganghwa. (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)

Hình ảnh Bắc Triều Tiên khi nhìn từ Đài quan sát hòa bình Ganghwa. (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)



Tại lối vào Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến tham quan, một mô hình người lính được trang bị vũ khí đã thu hút sự chú ý của các phóng viên. Sau khi đi qua khu vực tái hiện chốt canh gác hai tầng, tiếp nối là một hàng rào thép gai khi rẽ sang bên phải, và ở bên trái là những bức ảnh từ Chiến tranh Triều Tiên cho thấy quá trình mà cuộc chiến diễn ra theo trình tự thời gian.

Khoảng 10h sáng, xe buýt dừng ở lối vào xã Cheolsan-ri ở thị trấn Yangsa-myeon. Tại chốt canh gác lối vào Khu Kiểm soát Dân sự (Civilian Control Zone), một lính canh thuộc quân đoàn Thủy quân lục chiến đã bước lên xe buýt và lần lượt kiểm tra căn cước công dân của các phóng viên nước ngoài.

Và vì lý do an ninh nên không được phép chụp ảnh con đường hàng rào sắt ven biển. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết mỗi người chúng tôi đều được phát một chiếc áo khoác huỳnh quang màu vàng và kính viễn vọng, rồi tiến đến Dondae (một cơ sở phòng ngự được xây dựng bằng đất hoặc đá ở khu vực biên giới vào triều đại Joseon).

Khi leo lên bức tường đá Dondae, tôi nhìn thấy toàn cảnh xã Samdali, quận Gaepung-gun, tỉnh Hwanghaebuk-do, Triều Tiên phía bên kia sông. Mặc dù hình ảnh không được rõ nét do bụi mịn, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy núi Songak ở thành phố Gaeseong từ xa. Những phóng viên khác cũng lần lượt cầm kính viễn vọng lên để ngắm nhìn khung cảnh yên bình bao bọc lấy Triều Tiên. Mặc dù khoảng cách từ điểm này đến khu vực Bắc Triều Tiên chỉ có 2,3 km có thể nói là rất gần, tuy nhiên đó lại là khu vực không thể tiếp cận.

Hình ảnh Đài quan sát hòa bình Ganghwa ở xã Cheolsan-ri, thị trấn Yangsa-myeon, quận Ganghwa-gun (thành phố Incheon). (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)

Hình ảnh Đài quan sát hòa bình Ganghwa ở xã Cheolsan-ri, thị trấn Yangsa-myeon, quận Ganghwa-gun (thành phố Incheon). (Ảnh: Kim Hyelin / Korea.net)



Sau khi tham quan ở Dondae, chúng tôi đã tiếp tục hành trình di chuyển đến Đài quan sát hòa bình Ganghwa vào lúc 13h00. Tầng 3 của đài quan sát được bao quanh bởi những tấm kính trong nên chúng tôi đã có được một góc nhìn toàn cảnh các khu vực gần xa. Sau khi được nghe giải thích sơ lược về lịch sử của đảo Ganghwa-do và khung cảnh ngôi làng của Triều Tiên, tôi và những phóng viên khác đã được cho xem 1 đoạn video liên quan để hiểu rõ hơn.

“Những người tha hương bỏ lại những người thân yêu của họ, đến đây chỉ để nhìn thấy vùng đất phía Bắc gần hơn một chút”, đọc được những dòng chữ này trên màn hình khiến ai cũng không khỏi xót xa.

Khoảng 15h00, chúng tôi di chuyển đến chợ Daeryong ở đảo Gyodong-do, điểm dừng chân cuối cùng của chuyến tham quan. Nằm ở phía Tây Bắc đảo Ganghwa-do, đây là một hòn đảo thuộc tuyến trên đối diện với quận Yeonbaek-gun, tỉnh Hwanghae-do, Bắc Triều Tiên. Chợ Daeryong được hình thành khi chiến tranh nổ ra, những người tị nạn đến khu vực này lánh nạn và bắt đầu bày bán các quầy hàng để kiếm sống.

Những phóng viên nước ngoài đang phỏng vấn người dân ở đảo Gyodong-do, quận Ganghwa-gun, thành phố Incheon. (Ảnh: Chính quyền quận Ganghwa-gun)

Những phóng viên nước ngoài đang phỏng vấn người dân ở đảo Gyodong-do, quận Ganghwa-gun, thành phố Incheon. (Ảnh: Chính quyền quận Ganghwa-gun)



“Khoảng 30.000 người tị nạn đến đây khi chiến tranh nổ ra nhưng không có chỗ ngủ nên cứ thế để cho họ đi vào bất cứ nhà nào. Nhà nào còn dư phòng trống thì chia sẻ, còn không thì họ dọn chuồng gia súc để tạo chỗ trống ở đó”, cư dân gốc ở đảo Gyodong-do Bang Jae-hee cho biết.

Một người tị nạn thế hệ đầu tiên đến từ Bắc Triều Tiên, người đã lên một chiếc thuyền gỗ để chạy trốn ở tuổi 19, Choi Bong-yeol nói: “Bây giờ, những người đến tị nạn rồi định cư ở đây cũng giống như người dân địa phương. Cuộc sống của tôi là ở đây, trên đảo Gyodong-do và tôi muốn sống ở đây cho đến lúc chết vì cuộc sống ở đây rất yên bình”.

Nicolas Rocca từ Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cho biết ông rất ngạc nhiên khi số cư dân giống với số lượng người Triều Tiên đào tẩu sống ở Hàn Quốc hiện tại đã sinh sống ở đảo nhỏ này trong thời điểm chiến tranh nổ ra, đồng thời chia sẻ rằng đây là một câu chuyện lịch sử cảm động mà ông không hề hay biết.

Kết thúc chuyến tham quan với một cái nhìn cận cảnh về Triều Tiên, cả nhóm đã rời đảo vào khoảng 16h00. Là một thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình và chưa từng trải qua chiến tranh, chỉ một ngày ngắn ngủi nhưng tôi đã phần nào có thể cảm nhận được thực tế của Chiến tranh Triều Tiên, và sự chia cắt hai miền Nam Bắc, những thứ mà tôi chỉ được biết qua sách vở.

Hành trình một ngày tham quan “Con đường hòa bình tại Khu phi quân sự (DMZ)“. (Ảnh: Chụp màn hình trang web Durunubi)

Hành trình một ngày tham quan “Con đường hòa bình tại Khu phi quân sự (DMZ)“. (Ảnh: Chụp màn hình trang web Durunubi)



“Con đường hòa bình tại DMZ” kéo dài 63 km và bao gồm các địa điểm sau: Bảo tàng Chiến tranh Ganghwa, Công viên Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên, Đài quan sát hòa bình Ganghwa, Cơ sở quân sự Euidubuncho, Chợ Daeryong và Vườn Hwagae.

Chuyến tham quan diễn ra từ thứ Năm đến Chủ Nhật hàng tuần cho đến ngày 30/11. Bạn có thể đặt vé tour trước trên trang web chính thức của Durunubi (www.durunubi.kr/dmz-main.do) với giá là 10.000 KRW / người.

kimhyelin211@korea.kr