Phóng viên danh dự

28.08.2020

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_001

Một cấu trúc địa chất được hình thành từ 2 dòng thủy lưu của sông Hwangjicheon và sông Cheolamcheon tại hồ Gumunso. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, đam mê khám phá và tìm hiểu những điều mới lạ, thì có một nơi ở Hàn Quốc sẽ đưa bạn lạc vào kỉ nguyên cổ đại, thỏa mãn và cung cấp kiến thức về sinh vật học cũng như khảo cổ học dành cho bạn.

Nằm ở phía Đông Seoul, Taebaek là thành phố thuộc tỉnh Gangwon-do, đặc trưng với địa hình đồi núi hiểm trở, nổi tiếng nhất là núi Taebaeksan trải dài từ huyện Yeongwol-gun, tỉnh Gangwon-do đến huyện Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsangbuk-do, từng là bối cảnh của phim “Hậu duệ Mặt trời”. Nhưng ít ai biết vào kỉ nguyên Paleozoic (Đại Cổ sinh), thời kì có sự biến chuyển về địa chất, khí hậu và tiến hóa mạnh mẽ, toàn bộ đất đá ở Taebaek chìm ngập trong nước biển, nhiều mẫu hóa thạch của những sinh vật cổ đại được tìm thấy ở đồng bằng lẫn cả trên núi đá, chứng minh sự tồn tại của đại dương mênh mông.

Đến với khu vực hồ Gumunso, trong đó Gumun (tiếng Hàn: 구문, Hán ngữ: 求門 ), một từ cổ với ý nghĩa để chỉ cái lỗ hoặc cái hang. Hồ Gumunso là nơi giao nhau giữa 2 dòng chảy của sông Hwangjicheon và sông Cheolamcheon, do tác động của nước lên đá sinh ra xói mòn, từ đó hình thành nên cấu trúc địa chất tự nhiên với hình dáng thật đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách đến chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó, hồ Gumunso còn được gọi là “Tổ Rồng” (Dragon’s Nest) vì từng là chỗ ở và là nơi sinh sống của loài khủng long vào thời cổ đại.

20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_002

Dưới tác động của 2 dòng thủy làm xói mòn lớp đất đá tại Taebaek khiến chúng có hình dạng xếp chồng thành lớp. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_003

Gò đá vôi lớn ở huyện Yeongwol-gun với tên gọi Stromatolite hình thành từ vi khuẩn lam cộng với các trầm tích bị mắc kẹt qua nhiều năm biến đổi địa chất. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Suốt quá trình hình thành lục địa từ sau khi Trái Đất khai sinh, đất đá tại Taebaek biến đổi và gia tăng theo sự tương tác của 2 dòng thủy lưu này. Tiêu biểu ở huyện Yeongwol-gun với cấu trúc địa hình độc đáo, tại đây sau hàng trăm triệu năm, tạo dựng một khối trầm tích lớn gọi là Stromatolite, có thể hiểu như 1 gò đá vôi có kết cấu từ vi khuẩn + những trầm tích bị mắc kẹt, mà cụ thể là vi khuẩn lam – loài sinh vật đơn bào đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất. Người ta tìm thấy chúng xung quanh khu vực núi Taebaek và khắp nơi trong vùng, vi khuẩn lam không những sống được trên cạn mà còn ở trong nước biển.

20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_004

Thạch nhũ tại hang Baengnyong, sản vật tự nhiên độc đáo khó có dịp được trông thấy ngoài đời thực. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Ghé thăm hang đá vôi Baengnyong (Bạch Long) nằm ở huyện Pyeongchang-gun, những dấu vết của thời gian hằn rõ tạo nên đặc tính tự nhiên sơ khai nguyên thủy tại đây. Hang Baengnyong có chiều cao 235m so với mực nước biển, du khách chỉ đến được nơi này bằng tàu chạy dọc theo sông Dong.

Hang Baengnyong được khám phá vào năm 1976, nhưng đến tận năm 2010 mới để thế giới biết đến. Hiện nay nó chủ yếu mở cửa dành cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về sinh thái học. Lưu ý quan trọng là bạn phải mặc đồ bảo hộ liền thân khi vào hang, địa hình nhỏ hẹp trong hang khiến đôi lúc ta gần như bò trườn trên nền đất. Điểm hấp dẫn của hang Baengnyong nằm ở chính sự hoang sơ, không có bất cứ cơ sở vật chất nhân tạo nào. Ta dễ dàng quan sát những cột thạch nhũ (hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm), măng đá (hình thành do nước chảy qua đá vôi ở trần hang tạo nên dạng búp măng), các tấm chắn trong hang… tất cả tạo nên bức tranh tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người, ở Việt Nam cũng có dạng hang động tương tự như hang Baengnyong là hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.

20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_005

Hang Hwaam, nơi từng từng bị chiếm đóng làm mỏ vàng trong suốt thời kì Nhật Bản xâm lược. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Ngoài những hang động tự nhiên như Baengnyong, còn một loại khác hình thành do cả sự tác động của con người mà ví dụ là hang Hwaam ở huyện Jeongseon-gun. Trong suốt thời kì thuộc địa, Nhật Bản đã chiếm đóng hang Hwaam nhằm phục vụ việc tìm kiếm vàng và người dân Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ khai thác vàng, do đó nơi đây vẫn phảng phất nỗi đau của những con người bị giam cầm khổ sai trong điều kiện lao động khắc nghiệt.

Men theo lối thang bộ đi sâu vào lòng hang, ta cũng bắt gặp nhiều thạch nhũ hay măng đá đa dạng từ hình hoa, hình xoắn ốc, hay trải dài như dòng nước đang chảy. Chúng là bằng chứng sống cho sự phát triển qua nhiều thời kì biến đổi của tự nhiên.

20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_006

Bảo tàng Cổ sinh Taebaek là địa điểm thích hợp cho những ai yêu thích khảo cổ học. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Địa điểm giúp những người yêu thích khảo cổ học có thêm hiểu biết về kỉ nguyên cổ đại phải kể đến bảo tàng Cổ sinh Taebaek (Taebaek Paleozoic Museum). Tại đây trưng bày nhiều cổ vật kì lạ giúp mọi người học hỏi các kiến thức về địa chất, sự hình thành Trái Đất và các hang động tại tỉnh Gangwon-do, bên cạnh đó bảo tàng còn cung cấp việc làm sao sự sống tồn tại qua cái thời kì Paleozoic, Mesozoic (Trung sinh), Cenozoic (Đại Nguyên sinh)… Đặc biệt đập vào mắt du khách là hóa thạch của loài sinh vật Trilobite (bọ ba thùy) sống vào kỉ Paleozoic, được tìm thấy trên núi Taebaek. Chúng là động vật chân đốt, có mai che phía trước, phía sau phân đoạn chia dọc thành ba thùy, nhìn tựa như con sam. Người ta cho rằng chúng đã trải qua 300 năm cùng sự biến đổi của Trái Đất trước khi tuyệt chủng, các mẫu hóa thạch ngoài tỉnh Gangwon-do còn được phát hiện ở huyện Pyeongang-gun thuộc Bắc Triều Tiên. Ý nghĩa của việc xây dựng bảo tàng Cổ sinh Taebaek ngoài đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử tự nhiên còn nâng cao hiệu quả giáo dục thông qua các trải nghiệm trên những mẫu hóa thạch và các cấu trúc trầm tích quanh khu vực hồ Gumunso.

20200828_gangwondo_pvdd_vn_article_007

Hóa thạch loài Trilobite (bọ ba thùy) phổ biến vào thời kì Đại Cổ sinh với hình dáng tựa con sam. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh YouTube K-HERITAGE.TV)



Tỉnh Gangwon-do đang dần khẳng định vị thế quan trọng của mình đối với công tác lưu trữ, nghiên cứu địa chất do sở hữu lớp địa tầng và nhiều hang động có giá trị. Hãy thử một lần đến thăm những địa điểm kể trên để hiểu được cảm giác ngược thời gian quay về thời cổ đại và tìm ra thêm nhiều điều bí ẩn chúng ta chưa biết hết nha!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.