MC Lee Hana của Korea.net bên cạnh tấm ảnh họa lại chân dung của bậc thầy hội họa trừu tượng Hàn Quốc, Kim Whanki. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Các tác phẩm nghệ thuật ở Hàn Quốc chủ yếu tạo dấu ấn qua nhiều hình thức như hội họa, âm nhạc, đồ gốm hay thư pháp. Bằng những hình thức này, nghệ sĩ hoặc nghệ nhân có thể truyền tải được tâm hồn, cảm xúc thậm chí diễn đạt được ý nghĩa và thông điệp sâu xa từ tác phẩm. Tại Hàn Quốc, nghệ thuật đã phát triển từ buổi sơ khai khoảng 3000 năm trước Công nguyên thông qua di tích một số bức tranh khắc đá. Với bài viết dưới đây, mình muốn các bạn cùng thưởng thức nghệ thuật tranh trừu tượng được tạo ra từ bàn tay tài hoa của họa sĩ danh tiếng Kim Whanki. Đọc để biết thêm nhiều điều thú vị về ông và tranh ông vẽ nhé!
Kim Whanki hay Kim Hwan-gi (1913-1974) vốn là họa sĩ tiên phong cho phong trào tranh trừu tượng ở Hàn Quốc, mà nổi bật nhất là dòng tranh đơn sắc Dansaekhwa (tiếng Hàn: 단색화). Ông sinh ra tại thôn Eupdong-ri trên đảo Anjwado thuộc huyện Sinan-gun, địa phận tỉnh Jeollanam-do. Kim Whanki lớn lên với cuộc sống thoải mái trong một gia đình phú nông, ông bắt đầu du học từ năm 19 tuổi, điều đặc biệt nữa chắc chắn nhiều fan K-pop rất thích thú khi biết nam ca sĩ kiêm main rapper của nhóm nhạc Bigbang, TOP chính là cháu trai của Kim Whanki.
Suốt năm tháng du học tại Nhật Bản, Kim Whanki bị thu hút bởi các tác phẩm của danh họa Henri Matisse và Pablo Picasso, đồng thời ông cũng chịu ảnh hưởng từ một số họa sĩ Nhật Bản như Seiji Togo hay Tsuguharu Foujita (còn được gọi là Tsuguji Fujita), những người thổi luồng gió mới cho “chủ nghĩa lập thể” và “chủ nghĩa vị lai” ở đất nước Mặt trời mọc. Các tác phẩm tiêu biểu của Kim Whanki trong giai đoạn này như “Rondo”, “Aria”... có bố cục hình học nhịp nhàng lặp lại với các hình vuông giao nhau hoặc chồng lên nhau. Sau khi trở về Seoul, khoảng thời gian từ 1942-1950, Kim Whanki thường chú ý tới đồ gốm sứ, đồ gỗ; điều này mang đến cảm hứng rõ rệt trên tranh ông vẽ ví dụ như tác phẩm “Woods” – thể hiện rõ nét ý tưởng từ thiên nhiên với bố cục thuần túy và đối tượng đơn giản hóa.
Tác phẩm sơn dầu trên vải canvas mang tên “Garden” (Khu vườn) được Kim Whanki vẽ xong năm 1957 cho thấy cảm hứng về đồ gốm sứ ảnh hưởng đến các phong cách hội họa của ông như thế nào. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Giai đoạn từ năm 1963 cho tới lúc ông mất năm 1974 tại New York, Kim Whanki chủ yếu tập trung thể hiện phong cách nghệ thuật của mình thông qua các tác phẩm chủ đề về vũ trụ, hành tinh, âm thanh.... Khoảng thời gian đó, Kim Whanki đã ra mắt nhiều bức tranh sử dụng các dấu chấm độc đáo tạo nên những kiệt tác trừu tượng mang màu sắc riêng, chẳng hạn như “Where and in What Form Are We to Meet Again?” (tạm dịch: Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu và dưới hình thức nào?) hoàn thành năm 1970, hay “Universe” (Vũ trụ) hoàn thành năm 1971.
Tác phẩm “Heaven and Earth 24-IX-73 #320” (Thiên đường và Trái đất) được tô điểm bằng sắc xanh cùng những dấu chấm bằng bút thư pháp, ngăn cách bằng đường phân chia màu trắng cho người xem tầm nhìn rộng mở về thiên nhiên vô hạn. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Phong cách nghệ thuật của Kim Whanki chuyển dần từ hình tượng cụ thể đến việc dùng ít hình tượng hơn khi ông sinh sống ở New York. Ban đầu, ông chỉ sử dụng các đường ngang lẫn phương thẳng đứng tuyến tính trong tranh của mình. Sau này, Kim Whanki còn kết hợp chúng với những đường chéo, phân chia trường, đánh dấu các chấm theo nhiều hướng khác nhau. Bên cạnh đó, ông cũng chú ý tới chức năng, hiệu quả mà màu sắc mang lại nhằm biểu đạt cảm xúc, phù hợp chủ đề ông muốn vẽ. Giai đoạn mới bắt đầu dòng tranh kì lạ này, Kim Whanki dùng màu khá đa dạng từ đỏ, xanh lam, xanh lục nhưng ta sẽ thấy tranh bằng dấu chấm về sau của ông đã tối giản hóa đi chủ yếu là màu xanh xám hoặc đen xám, đánh dấu khả năng thể hiện màu đặc trưng được gọi bằng thuật ngữ “Whanki Blue”. Nó hình thành tổng thể sắc xanh lam mê hoặc không thể lẫn lộn so với các họa sĩ trừu tượng khác.
Tác phẩm nổi tiếng nhất trong dòng tranh đơn sắc bằng dấu chấm của Kim Whanki, “Universe 05-IV-71 #200” thể hiện được cảm xúc cùng thế giới vũ trụ bao la, lung linh, huyền bí. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Trong số tác phẩm để đời bằng các dấu chấm độc đáo mà Kim Whanki vẽ, nổi bật nhất phải kể đến bức tranh “Universe 05-IV-71 #200” (Vũ trụ) được ông hoàn thành xong năm 1971, tác phẩm lập nên kỉ lục đấu giá cho Kim Whanki khi chạm ngưỡng 13,2 tỉ won (tương đương 88 triệu đô la Hong Kong) tại buổi đấu giá của Christie’s Hong Kong Autumn Sale. “Universe 05-IV-71 #200” có giá cao hơn 2 tác phẩm đơn sắc khác là “3-II-72 #220” và “Untitled” (lần lượt đạt mức đấu giá 8,5 tỉ won và 7,1 tỉ won). Theo K-Artprice - một công ty chuyên theo dõi giá tác phẩm nghệ thuật cho biết, trong 5 năm (từ năm 2015-2019), tranh của Kim Whanki được bán ra tổng cộng khoảng 141,3 tỉ won, con số ấn tượng này nói lên giá trị to lớn mà tranh ông mang lại đối với nền văn hóa nghệ thuật nói chung tại Hàn Quốc. Tổng giám đốc về nghệ thuật Hàn Quốc thuộc Christie, Lee Hak-jun bày tỏ: vì tranh của Kim Whanki đã vượt mốc 10 tỉ won, điều đó là dấu hiệu thấy được thị trường nghệ thuật chính thống thế giới đã đón nhận tác phẩm ông vẽ như thế nào.
Đi sâu vào phân tích tác phẩm “Universe 05-IV-71 #200”, ta hoàn toàn dễ dàng nhìn ra nó là tập hợp của những vòng tròn đối xứng hài hòa, tất cả chúng hình thành nên một hình vuông kích thước 254 x 254 cm. Xem xét kĩ hơn, ta quan sát được những hình chữ nhật nhỏ xíu như lỗ trên tổ ong, gói gọn trong một “trường” được lấp đầy bởi vô số chấm mà Kim Whanki đã đánh dấu khá tinh vi bằng bút lông thư pháp. Tuy “Universe 05-IV-71 #200” chỉ bao gồm dấu chấm, đường thẳng, trường màu nhìn có vẻ đơn giản nhưng chúng lại kết hợp rất đồng nhất cho ra “Vũ trụ” vô song, bất tận. Mỗi dấu chấm đại diện cho một vì sao lấp lánh trong vũ trụ bao la. Các dấu chấm ở nửa trên tác phẩm lan rộng dàn đều xuống phía dưới khiến người xem không khỏi rung động khi chìm trong hiệu ứng thị giác đến “mê sảng” mà “Universe 05-IV-71 #200” đem lại.
Bằng cách thể hiện tác phẩm bằng dấu chấm, Kim Whanki muốn nêu lên suy nghĩ, cảm xúc của bản thân ông khi sống xa quê hương. Ông hồi tưởng về bạn bè, gia đình, người thân trong tâm trạng buồn bã nhưng ông vẫn muốn tác phẩm mình vẽ phải đẹp và tươi vui. Một nhà phê bình nghệ thuật sau khi xem triển lãm tranh của Kim Whanki vào tháng 9/1971 tại Poindexter Gallery ở New York từng bày tỏ cảm xúc tích cực rằng “Kim Whanki đã thành công trong việc tạo nên loại hình tâm linh thông qua các tác phẩm của mình. Những khuôn mẫu liên tục lặp lại với kích thước, hình dạng, màu sắc bất ngờ, không bao giờ rơi vào trạng thái hỗn loạn, thực sự có tác dụng làm dịu mắt”.
Tùy thuộc dòng cảm xúc, Kim Whanki sử dụng nét bút cho ra chấm to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau. Tất cả hình thành một thế giới huyền bí, lung linh mà Kim Whanki mong muốn truyền tải dựa trên dòng tranh đơn sắc bằng dấu chấm của mình. Mặt khác theo nhà phê bình nghệ thuật Yoon Jin-sup: các bức tranh dấu chấm của Kim Whanki chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng kết hợp cùng kĩ thuật vẽ thủy mặc truyền thống Hàn Quốc, đưa ông vào vị thế quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật tại xứ sở Kimchi.
Cảm nhận tranh của Kim Whanki trong không gian nghệ thuật sang trọng tại triển lãm “Universe_Whanki 1-I-21 Lotte Media Project” ở tầng 6, tòa nhà Lotte World Tower, thủ đô Seoul, thời gian từ 1/1 đến 15/2/2021. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên kênh Youtube chính thức của Korea.net)
Vừa qua, trong khuôn khổ “Universe_Whanki 1-I-21 Lotte Media Project” (tạm dịch: “Dự án truyền thông của Lotte về Vũ trụ Whanki 1-I-21) tại Hội trường nghệ thuật Avenuel, tầng 6, tòa nhà Lotte World Tower, thủ đô Seoul (thời gian: 10h30-19h hằng ngày từ 1/1-15/2/2021, miễn phí vào cửa) đã diễn ra triển lãm các tác phẩm, đồng thời giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp của “bậc thầy hội họa trừu tượng” Kim Whanki trong đó có bức tranh nổi tiếng “Universe 05-IV-71 #200”. Với triển lãm này, bạn có thể tha hồ chiêm ngưỡng tranh ông vẽ trong không gian tinh tế, sang trọng, thưởng thức sắc xanh nghệ thuật đại diện cho bầu trời, biển cả xen lẫn màu trắng giúp vẻ đẹp trong tranh của Kim Whanki được cân bằng, nền nã hơn.
Nỗ lực không ngừng cùng ước mơ và đam mê nghệ thuật cháy bỏng đã làm nên cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật mà bậc thầy tranh trừu tượng Hàn Quốc Kim Whanki tạo ra. Nhiều người từng xem tranh bằng dấu chấm của Kim Whanki hầu hết đều hình dung mình đang chuyển động cùng các thiên thể lung linh, từ đó cảm nhận được những dấu hiệu và biểu tượng trong vũ trụ. Hi vọng tranh ông vẽ sẽ nhận thêm nhiều đánh giá tích cực hơn nữa nhằm quảng bá nghệ thuật tranh trừu tượng độc đáo ở Hàn ra quốc tế.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.