Phóng viên danh dự

02.08.2021

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
20210802_chum_pvdd_vn_article_001

Hình ảnh chính diện của chum trắng hình trăng. (Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)



Bài viết = Phóng viên danh dự Korea.net Dư Hồ Yến Lâm

Nhân dịp vào tháng 7 này từ ngày 7 tháng 7 đến ngày 28 tháng 7 tại Seoul có một buổi triển lãm thường niên mang tên “Tại sao chúng ta bị mê hoặc bởi những chiếc bình mặt trăng” đã được tổ chức lần thứ 2 với chủ đề xoay quanh vẻ đẹp thuần khiết của chum trắng hình trăng tại Gallery Now, phường Sinsa, quận Gangnam-gu, thì mình xin giới thiệu cho các bạn một chủ đề mới về “Cảm nhận văn hóa Hàn Quốc thông qua nghệ thuật”, với bài viết đầu tiên là về chum trắng hình trăng - một trong những bảo vật của Hàn Quốc, đã và đang trở thành một biểu tưởng của vẻ đẹp của sự thuần khiết và bất cân đối.

Theo dòng lịch sử thì, chum trắng hình trăng được sản xuất một cách chuyên sâu trong một khoảng thời gian ngắn từ những năm 1720 đến những năm 1800 trong thời kỳ phục hưng văn học Joseon vào thế kỷ 18, và sau đó biến mất. Nói cách khác, là được tạo ra vào nửa đầu thế kỷ 18, dưới thời trị vì của Vua Sukjong và Yeongjo, thời kì những vị vua đang theo đuổi tạo ra những thứ mang đặc trưng riêng của Hàn Quốc. Đó là thời điểm mà lịch sử tạo ra Dongguk Tonggam và bản đồ của các nhà địa lý Hàn Quốc. Ngoài ra, thì Joseon là quốc gia duy nhất ở Đông Bắc Á đã làm một chiếc chum lớn bằng sứ trắng, và tên gọi “chum trắng hình trăng” là biệt danh chỉ được tạo ra và sử dụng ở Hàn Quốc.

Giáo sư Yun Yong-i thuộc Khoa Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Myongji (2017/10/11) đã nói rằng những chiếc lọ mặt trăng chứa cua ngâm tương hoặc cá muối vào thời điểm đó, cũng như theo nhu cầu mà chum còn có thể dùng để bảo quản thêm nước tương hoặc kim chi. Hiện tại, tuy chiếc bình mặt trăng được gọi là di sản hay bảo vật quốc gia của Hàn Quốc và chỉ có thể được nhìn thấy trong các viện bảo tàng, nên tên gọi có thể khá xa lạ với đời sống hiện tại, nhưng thật sự nó đã là một trong những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày cách đây 300 năm.

Chum trắng hình trăng có màu sắc và hình dạng giống mặt trăng tròn, chiều cao và chiều rộng hơn 40cm. Vì kích thước lớn hơn và tròn hơn so với các đồ sứ khác của triều đại Joseon, nên khi chế tạo nó thì các nghệ nhân không thể làm trong một lần duy nhất như các đồ sứ khác được. Vì vậy, các thế hệ cũ đã nghĩ ra một cách độc đáo để vượt qua khó khăn đó. Đó chính là làm riêng biệt phần trên và phần dưới của chiếc chum trắng hình trăng. Tuy nhiên, ngay cả với phương pháp đó, thì việc tạo ra một chiếc chum trắng hình trăng cũng không phải là dễ dàng. Sở dĩ như vậy là do có nhiều bước trong quy trình làm ra một chiếc lọ trung thu đòi hỏi sự tỉ mẩn của người thợ xay sứ. Đó là lí do tại sao tỷ lệ thành công của những chiếc bình chum trắng hình trăng thông thường khó vượt quá 10% và có thể cao tới 5%.

20210802_chum_pvdd_vn_article_002

Hình ảnh phía dưới của chum trắng hình trăng. (Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)



Vẻ đẹp của chiếc bình chum trắng hình trăng không chỉ nằm ở quá trình làm nên nó mà còn nằm ở vẻ đẹp độc và lạ, mang đậm tính chất văn hóa của chỉ riêng người Hàn Quốc.

Đầu tiên là vẻ đẹp mang hình dáng trăng rằm của chum. Cùng là hình tròn nhưng thay vì ví như mặt trời, thì người Hàn Quốc đã chọn hình ảnh mặt trăng tròn vì chiếc chum trắng hình trăng không chỉ có ý nghĩa về mặt thị giác mà ẩn sâu bên trong còn có ý nghĩa gắn liền với thế giới quan của người Hàn Quốc về vũ trụ học hay nhân sinh quan. Và ý nghĩa này phần lớn chịu sự ảnh hưởng từ khi Hàn Quốc còn là một xã hội nông nghiệp vào những năm 1945. Đó là một xã hội nơi mọi người sống và làm nông. Vì vậy, có gạo ăn lúc đó hay không phụ thuộc vào kết quả làm ruộng của ngày hôm đó. Tuy nhiên, vì nông nghiệp là công việc dựa theo chu kỳ âm lịch (chu kì mà phần lớn phụ thuộc vào mặt trăng) chứ không phải dương lịch nên người ta xem mặt trăng là quan trọng. Cùng với đó người Hàn Quốc coi trăng tròn là biểu tượng của hòa bình, ổn định, nơi gửi gắm ước nguyện và hạnh phúc. Nên vì lý do này, mặc dù mặt trời cũng mang hình dáng là một hình tròn, nhưng chiếc chum trắng hình trăng không được cho là giống với mặt trời, mà được so sánh với mặt trăng.

Thứ hai là vẻ đẹp về màu trắng của chum. Có thể nói màu trắng là màu đã ăn sâu vào tinh thần của người Hàn Quốc từ xa xưa, đã được coi là tượng trưng của cái đẹp khi người dân chuộng mặc đồ trắng trong xã hội Beakwiminjok hay còn gọi là “Dân tộc áo trắng”. Ngoài ra, vào thời điểm đó, người Hàn Quốc không chỉ thích trang phục màu trắng vì nó là biểu tượng của màu trắng, mà còn có lý do từ văn hóa Nho giáo. Điều này là do Hàn Quốc vào triều đại Joseon có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Nho giáo, họ coi sự tiết độ cá nhân là một đức tính tốt và màu sắc biểu lộ cảm xúc ngay lập tức là vô đạo đức. Ngoài ra, màu sắc trắng của chiếc chum không chỉ phản ánh các giá trị của người Hàn Quốc về màu trắng, mà còn bộc lộ lên sự chân thành và giản dị của người Hàn Quốc.

20210802_chum_pvdd_vn_article_003

Tại Olympic Mùa đông PyeongChang 2018 diễn ra ở tỉnh Gangwon-do, Hàn Quốc, vận động viên trượt băng nghệ thuật Kim Yuna đã châm ngọn đuốc cho đài lửa có hình chum trắng hình trăng. (Ảnh: Ban Tổ chức Olympic Mùa đông PyeongChang 2018)



Thứ ba là vẻ đẹp không cân đối. Một tác phẩm nghệ thuật sẽ không thú vị và đặc sắc nếu không có những đặc điểm độc đáo của riêng nó, và đặc điểm chính của chum trắng hình trăng chính là hình dáng bất cân đối của nó. Như đã nói về quy trình làm chiếc chum này ở trên, thì nó không thể được làm chỉ trong một lần, mà phải làm phần trên và phần dưới một cách riêng biệt. Đó là lý do dẫn đến sự xuất hiện của hình dáng bất thường của chiếc chum. Vẻ đẹp này nằm ở chỗ vì là bất cân đối nên tùy vào góc nhìn khác nhau mà chiếc chum cho ta thấy những vẻ đẹp khác nhau.

Vẻ đẹp của chiếc chum trắng hình trăng không chỉ nằm ở hình thức bên ngoài mà còn ở quá trình làm ra nó. Và trong vẻ đẹp của nó, còn phản ảnh lên tâm thức và giá trị của người Hàn Quốc như tính kiên nhẫn, chân thành, thái độ sống phù hợp với thiên nhiên, không hủy hoại thiên nhiên và tâm hồn bình dị, tự do.

Vì vậy có thể nói chum trắng hình trăng không chỉ là một trong số những bảo quốc của Hàn Quốc mà còn chứa đựng rất nhiều tinh hoa độc đáo của văn hóa Hàn. Hi vọng qua bài viết lần này sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về bảo quốc của Hàn Quốc này, và những văn hóa từ lâu đời của người Hàn Quốc được cô đọng phía bên trong của chum trắng hình trăng.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.