Phóng viên danh dự

01.02.2022

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Năm Nhâm Dần hãy cùng mình điểm qua một số điểm độc đáo của hình tượng con hổ trong văn học dân gian Hàn Quốc nhé! (Ảnh: iStockphoto)

Năm Nhâm Dần hãy cùng mình điểm qua một số điểm độc đáo của hình tượng con hổ trong văn học dân gian Hàn Quốc nhé! (Ảnh: iStockphoto)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Thần thoại, các câu chuyện truyền miệng, những bài thơ ca xuất phát từ văn hóa dân gian đều mang trong mình nét đẹp, đồng thời tạo nên giá trị dân tộc đặc trưng của mỗi quốc gia. Lâu nay, hình tượng con hổ (tiếng Hàn: 호랑이) cũng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân khi trở thành linh vật biểu tượng cho quyền uy, bí ẩn, sự mạnh mẽ của văn hóa Châu Á nói chung. Điều này không ngoại lệ đối với Hàn Quốc khi con hổ giữ vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim mỗi người dân xứ Kimchi, minh chứng bởi việc con hổ luôn được lấy làm đề tài sáng tạo nên các tác phẩm văn học, hội họa thú vị từ tranh truyền thống đến những câu chuyện cổ tích mang màu sắc kì ảo, thậm chí hình tượng hổ còn là cảm hứng cho âm nhạc K-pop hiện đại. Tuy nhiên, với bài viết dưới đây mình chỉ muốn xét tới hình ảnh độc đáo của con hổ trong văn học dân gian Hàn Quốc nhân dịp chào đón một năm con hổ tràn đầy năng lượng. Cùng mình tìm hiểu ngay nhé!

Nếu như ở phương Tây, người ta thường bắt đầu một truyện cổ tích nào đó bằng câu “Ngày xửa ngày xưa” thì Hàn Quốc họ lại có cách kể khác lạ khi dùng câu “Ngày xưa khi hổ thường hút thuốc” (tiếng Hàn: 호랑이 담배 피우던 시절). Bạn có tò mò tạo sao lại như vậy không? Theo các phỏng đoán dựa trên một cuộc tranh luận của người dùng tại trang web literature.stackexchange.com, câu nói “Ngày xưa khi hổ thường hút thuốc” có lẽ là ý tưởng gợi nhắc về thời điểm lúc quan hệ giữa người – người kể cả người – động vật đều bình đẳng, tự do. Bên cạnh đó, cũng có người đưa ra lập luận rằng câu nói này chỉ là cách người Hàn nhân hóa, hư cấu, đơn giản mô tả về thời điểm “rất lâu trước đây”, bởi hổ đại diện cho quá trình hình thành bản sắc văn hóa lịch sử của Hàn Quốc nên câu “Ngày xưa khi hổ thường hút thuốc” không có bất kì ý nghĩa sâu xa nào cả.

Hổ có vẻ ngoài mạnh mẽ nên được ví von như vị thần mang tới sự bảo vệ luôn giúp đỡ nhân loại khi khó khăn. (Ảnh: iStockphoto)

Hổ có vẻ ngoài mạnh mẽ nên được ví von như vị thần mang tới sự bảo vệ luôn giúp đỡ nhân loại khi khó khăn. (Ảnh: iStockphoto)



Hình tượng của hổ còn được văn học dân gian xứ Kimchi ví von như những vị thần bí ẩn luôn giúp đỡ nhân loại lúc khó khăn, bế tắc. Ta có thể lấy ví dụ từ câu chuyện mang tên “Hổ làm bà mối” (tiếng Anh: The tiger as a matchmaker, tham khảo từ tài liệu “Tigers! A look at Korea’s folk stories” của Linda Q. Green) khi nó mô tả hổ như vị thần núi đã xuất hiện se duyên cho một cặp đôi bị gia đình ép uổng không được ở bên nhau. Với mạch văn dễ hiểu cùng cái kết “happy-ending” thường có trong các câu chuyện cổ tích đã nêu bật minh chứng việc “ở hiền tất sẽ hưởng hạnh phúc”, đồng thời câu chuyện cũng cho người đọc hiểu hơn vấn đề tín ngưỡng thờ phụng, tôn sùng dựa trên thuyết vật linh và shaman giáo sơ khai của người xưa.

Tuy là biểu tượng quyền uy nhưng thực tế nhiều tác phẩm văn học dân gian Hàn Quốc lại diễn giải hổ như “một kẻ ngốc bị lép vế hoặc mắc những sai lầm ngớ ngẩn tới mức hài hước” nhằm châm biếm các mong muốn ích kỉ của con người. (Ảnh: iStockphoto)

Tuy là biểu tượng quyền uy nhưng thực tế nhiều tác phẩm văn học dân gian Hàn Quốc lại diễn giải hổ như “một kẻ ngốc bị lép vế hoặc mắc những sai lầm ngớ ngẩn tới mức hài hước” nhằm châm biếm các mong muốn ích kỉ của con người. (Ảnh: iStockphoto)



Mặt khác, tuy biểu thị sự quyền uy nhưng thực tế đối với nhiều tác phẩm văn học dân gian ở Hàn Quốc thì hổ được diễn giải theo khía cạnh hơi kém tích cực hơn mặc dù bản chất thật của “chúa tể sơn lâm” vốn hung dữ, mạnh bạo. Ta có thể thấy điều này khá rõ qua một vài truyện dành cho trẻ em nổi tiếng như “Thần thoại Dangun” (tiếng Hàn: 단군신화), “Con hổ và quả hồng khô” (tiếng Hàn: 호랑이와 곶감), câu chuyện dân gian “Con hổ trong lớp ngụy trang” (tên tiếng Anh: The tiger in disguise, tham khảo từ tài liệu “Tigers! A look at Korea’s folk stories” của Linda Q. Green) hay truyện “Lời nguyền của người con trai duy nhất” (tên tiếng Anh: The curse of the only son, tham khảo từ bài viết “The tiger in Korean folk tales” thuộc blog mythographer.livejournal.com). Những tác phẩm trên đều mô tả hổ dưới hình tượng “một kẻ ngốc có phần tội nghiệp thường bị lép vế hoặc mắc sai lầm ngớ ngẩn tới mức hài hước xuất phát từ những cám dỗ, tuyệt vọng của bản thân”, từ đó ngụ ý rằng sức mạnh, kích thước to lớn cũng không bì được trước trí tuệ, tính nhẫn nại, kiên định cùng cách tiếp cận khéo léo để giải quyết vấn đề. Link nghe truyện “Con hổ và quả hồng khô”: https://youtu.be/_wK-SooG0tA.

Ngoài ra, văn học dân gian xứ Kimchi còn thông qua hình tượng con hổ để đề cao tình yêu thương, sự hiếu thảo, đức hi sinh. Điều này minh chứng bởi tác phẩm “Người anh hổ” (tiếng Hàn: 호랑이형님) khi thuật lại chuyện anh tiều phu nghèo vô tình chạm trán một con hổ hung dữ, nhờ trí thông minh anh lừa con hổ và gọi nó bằng “anh trai” đồng thời lay động lòng trắc ẩn của con hổ. “Người anh hổ” là sự hòa quyện giữa mạch văn châm biếm pha lẫn tính nhân văn, bởi đến lúc lìa đời con hổ vẫn thể hiện sự kính trọng đối với mẹ anh tiều phu. Câu chuyện được người Hàn khéo léo răn dạy con cháu về chuẩn mực đạo đức tốt đẹp trong việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ ngoài thực tế.

Thông qua hình tượng con hổ trong văn học dân gian Hàn Quốc, người dân xứ Kimchi cũng đề cao tình yêu thương, sự hiếu thảo, đức hi sinh tốt đẹp với mục đích răn dạy con cháu nhiều thế hệ tại đất nước này. (Ảnh: iStockphoto)

Thông qua hình tượng con hổ trong văn học dân gian Hàn Quốc, người dân xứ Kimchi cũng đề cao tình yêu thương, sự hiếu thảo, đức hi sinh tốt đẹp với mục đích răn dạy con cháu nhiều thế hệ tại đất nước này. (Ảnh: iStockphoto)



Bạn cũng có thể tìm thấy giá trị đạo đức tương tự truyền tải ở tác phẩm “Người chồng biến thành hổ” (tiếng Hàn: 호랑이로 변한 남편): nó mô tả câu chuyện một người đàn ông vì mẹ bị bệnh nên chấp nhận hi sinh biến bản thân thành con hổ, để rồi không may bị người vợ đốt mất cuốn sách niệm chú mà chẳng thể trở về hình dáng ban đầu. Truyện có cái kết bi thảm, thương tâm, nó phản ánh nhận thức vượt qua ranh giới con người tuy được chấp nhận bởi mục đích cao cả nhưng điều ấy đi ngược chuẩn mực chung nên không được xã hội đồng tình, ủng hộ.

Vượt qua nhiều thời đại, hình tượng con hổ đã len lỏi như biểu tượng thể hiện quyền năng, tinh thần mạnh mẽ, sự bảo vệ, đôi khi là sự châm biếm những mong muốn ích kỉ của bản thân con người. Bên cạnh đó, hình tượng con hổ luôn là “chất liệu” khơi nguồn sáng tạo, thức tỉnh cảm xúc, hình thành nên nhiều tác phẩm văn học dân gian mang giá trị, ý nghĩa răn dạy tích cực, thực tế đối với các thế hệ người dân Hàn Quốc.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.