Phóng viên danh dự

08.05.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ngày 27 tháng 4, buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay” đã được tổ chức thành công bởi CLB Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc Học viện Ngoại giao (DKC). (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Ngày 27 tháng 4, buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay” đã được tổ chức thành công bởi CLB Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc Học viện Ngoại giao (DKC). (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng

Âm nhạc ngày nay không chỉ đơn thuần là những giai điệu đẹp đẽ, mà còn trở thành một phương tiện truyền tải văn hóa và bản sắc dân tộc vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều nghệ sĩ trẻ đang thổi luồng sinh khí mới vào các giá trị truyền thống, đan xen sự sáng tạo hiện đại, góp phần đưa văn hóa Hàn Quốc đến gần hơn với công chúng quốc tế. Âm nhạc vì thế không chỉ vang lên trong nước, mà còn trở thành nhịp cầu nối những tâm hồn ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhằm tạo ra một không gian giao lưu và tìm hiểu sâu sắc hơn về quá trình kết hợp giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc, bộ môn Hàn Quốc học phối hợp cùng CLB Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Học viện Ngoại giao (DKC) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề là “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay” vào chiều ngày 27 tháng 4. Với niềm yêu thích văn hóa xứ sở Kim Chi, đặc biệt là âm nhạc, và trên cương vị là phóng viên danh dự của Korea.net, mình rất vinh dự khi được ban tổ chức mời tham dự buổi tọa đàm. Đây thực sự là cơ hội quý báu để mình tiếp cận, khám phá và mở rộng góc nhìn một cách sâu sắc, đồng thời cảm nhận được vẻ đẹp đầy sống động của âm nhạc Hàn Quốc trong thời đại mới.

Đồng hành cùng DKC và các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm hôm ấy là một vị diễn giả vô cùng đặc biệt: Thạc sĩ Nguyễn Hà Linh - Giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoạ i, Học viện Ngoại giao. Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa Hàn Quốc cùng những trải nghiệm thực tiễn phong phú, cô Nguyễn Hà Linh đã mang đến những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc, góp phần tạo nên một không gian trao đổi đầy cảm hứng cho buổi tọa đàm.

Không khí phòng họp Geneva của Học viện Ngoại giao trước thềm diễn ra buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Không khí phòng họp Geneva của Học viện Ngoại giao trước thềm diễn ra buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



MC Nguyễn Minh Phương đã giới thiệu đôi nét về mục đích của buổi toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

MC Nguyễn Minh Phương đã giới thiệu đôi nét về mục đích của buổi toạ đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tiết mục song ca “Arirang” do Ban Văn nghệ DKC trình bày đã khuấy động không khí phần mở đầu của buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Tiết mục song ca “Arirang” do Ban Văn nghệ DKC trình bày đã khuấy động không khí phần mở đầu của buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



ThS. Nguyễn Hà Linh - nhân vật chính trong buổi tọa đàm với những kiến thức bổ ích về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

ThS. Nguyễn Hà Linh - nhân vật chính trong buổi tọa đàm với những kiến thức bổ ích về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Trang phục biểu diễn truyền thống Hàn Quốc - Khi truyền thống gặp gỡ sáng tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, âm nhạc không chỉ còn là giai điệu giải trí đơn thuần mà còn là “cầu nối” đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng giúp nghệ sĩ thể hiện bản sắc riêng chính là trang phục biểu diễn - điển hình nhất là Hanbok.

Dù không chuyên sâu về nhạc lý hay phối khí, ThS. Nguyễn Hà Linh đã mang đến một góc nhìn mới: góc nhìn xuất phát từ công việc nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa giải trí của cô. Diễn giả Hà Linh chia sẻ, trước khi sáng tạo, điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ giá trị cốt lõi của văn hóa. Ví dụ, để cách tân Hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc, nghệ sĩ cần nắm vững kết cấu, màu sắc và ý nghĩa biểu tượng của từng chi tiết. Chỉ khi hiểu sâu, việc kết hợp yếu tố hiện đại mới thực sự có chiều sâu và tôn trọng tinh thần truyền thống.

Một ví dụ điển hình là những bộ trang phục biểu diễn nổi tiếng trong MV “How You Like That” của nhóm nhạc BLACKPINK đã cho thấy khả năng sáng tạo không giới hạn: giữ lại tinh thần Hanbok nhưng cách điệu linh hoạt để phù hợp với sân khấu hiện đại. Đây là sự dung hòa tinh tế giữa yếu tố truyền thống và yêu cầu thực tiễn của biểu diễn - vừa đảm bảo thẩm mỹ văn hóa, vừa hỗ trợ nghệ sĩ thực hiện những động tác trình diễn mạnh mẽ, phóng khoáng.

Tuy nhiên, sáng tạo luôn đi kèm với những thách thức. Diễn giả cũng nhấn mạnh, có những trường hợp thất bại khi cách tân trang phục, như cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2019, khi một số thiết kế bị chỉ trích là làm mất đi “linh hồn” của Hanbok, hoặc những lần nghệ sĩ quốc tế gây tranh cãi vì sử dụng trang phục biến tấu quá đà, khiến hình ảnh văn hóa gốc bị sai lệch.

Thông qua những bài học về thành công và thất bại trong việc cách tân trang phục truyền thống trong âm nhạc mà cô Hà Linh phân tích cho các bạn sinh viên, mình nhận ra rằng sự sáng tạo trong trang phục biểu diễn không chỉ là làm mới hình thức, mà còn là hành trình gìn giữ và tái sinh các giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.

ThS. Nguyễn Hà Linh chia sẻ rằng sự sáng tạo trong trang phục biểu diễn không đơn thuần là làm mới hình thức, mà còn là hành trình gìn giữ và tái sinh giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

ThS. Nguyễn Hà Linh chia sẻ rằng sự sáng tạo trong trang phục biểu diễn không đơn thuần là làm mới hình thức, mà còn là hành trình gìn giữ và tái sinh giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Nhạc cụ dân tộc trong dòng chảy âm nhạc hiện đại

Một số video ca nhạc Hàn Quốc sử dụng nhạc cụ truyền thống đã được trình chiếu trong buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Một số video ca nhạc Hàn Quốc sử dụng nhạc cụ truyền thống đã được trình chiếu trong buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Nhạc cụ dân tộc không chỉ là tiếng vang của quá khứ mà còn là những nhịp điệu, âm thanh sống động và gần gũi trong các sản phẩm âm nhạc hiện đại. Từ những bản pop sôi động đến những bài hát mang đậm âm hưởng dân gian, âm nhạc truyền thống đã tìm được cách hòa nhập một cách sáng tạo vào không gian âm nhạc đương đại.

Đặt trong khuôn khổ buổi tọa đàm, cô Nguyễn Hà Linh cho biết các nhạc cụ truyền thống đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong âm nhạc hiện đại Hàn Quốc. Một ví dụ dễ thấy là trong MV “Pink Venom” của BLACKPINK, khi Jisoo chơi một nhạc cụ truyền thống đó chính là “Geomungo” (đàn tranh 6 dây), một loại đàn có nhiều nét tương đồng với “Gayageum” (đàn tranh 12 dây) - cây đàn tranh nổi tiếng của Hàn Quốc. Đồng thời, cô Linh cũng nhận định rằng hầu hết các sản phẩm âm nhạc hiện đại của Hàn Quốc đều phổ biến việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống như “Gayageum”, “Haegeum” (đàn nhị), “Daegeum” (sáo tre lớn) và “Janggu” (trống phong yêu). Điều này đã góp phần tạo nên những sản phẩm âm nhạc vừa mang đậm bản sắc văn hóa, vừa mới mẻ và đầy sức hút.

Một chia sẻ thực tế của cô Hà Linh khiến mình tâm phục khẩu phục: “Nhạc cụ truyền thống chưa bao giờ mất đi. Thực tế, âm nhạc truyền thống vẫn luôn hiện diện trong đời sống, dù đôi khi có thể bị bỏ quên trong những giai đoạn phát triển mới của âm nhạc. Với sự kết hợp sáng tạo giữa âm nhạc truyền thống với dòng loại pop, hip-hop, EDM,... đã giúp giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ”.

Có thể thấy rằng, bằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các nghệ sĩ không chỉ mở rộng không gian sáng tạo mà còn giúp công chúng trẻ tiếp cận văn hóa dân tộc một cách gần gũi và dễ tiếp nhận hơn. Chính sự sáng tạo này đã tạo nên một xu hướng mới trong âm nhạc toàn cầu, nơi mà nhạc cụ dân tộc không còn là những công cụ xa lạ, mà trở thành phần không thể thiếu trong dòng chảy âm nhạc đương đại.

Xây dựng concept / Hình Ảnh trong âm nhạc Hàn Quốc

Một số hình ảnh tổng hợp về trang phục, album, concept chụp hình, MV,... của một số nghệ sĩ tiêu biểu đã khéo léo tận dụng yếu tố truyền thống để tạo nên cá tính riêng cho sản phẩm âm nhạc của mình. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Một số hình ảnh tổng hợp về trang phục, album, concept chụp hình, MV,... của một số nghệ sĩ tiêu biểu đã khéo léo tận dụng yếu tố truyền thống để tạo nên cá tính riêng cho sản phẩm âm nhạc của mình. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Ngày nay, âm nhạc Hàn Quốc không chỉ gây ấn tượng bởi giai điệu và vũ đạo, mà còn bởi phần thị giác. Đây chính là cách mà các nghệ sĩ xây dựng hình ảnh và concept trong từng sản phẩm âm nhạc của mình. Một trong những xu hướng nổi bật gần đây chính là việc lồng ghép các yếu tố văn hóa vào hình ảnh trong MV, album hay concept chụp hình.

“Điển hình nhất chúng ta có thể thấy là hình ảnh Hanbok, được cách tân một cách đầy sáng tạo, hay những biểu tượng như hoa văn, chân cài tóc, mặt nạ truyền thống xuất hiện trong các MV. Những yếu tố này không chỉ làm nên sự độc đáo về mặt thẩm mỹ, mà còn là cách mà các nghệ sĩ kể câu chuyện văn hóa, khơi dậy sự tò mò và thúc đẩy công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu” - diễn giả Nguyễn Hà Linh chia sẻ.

Cô Linh cho biết thêm, việc khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống không làm mất đi sự hiện đại, mà còn tạo nên bản sắc độc đáo, giúp cho sản phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ dễ dàng chạm đến trái tim người xem hơn, đặc biệt là đối với khán giả quốc tế, những người luôn tò mò và yêu thích chiều sâu văn hóa trong nghệ thuật.

Sau khi đã trực tiếp khám phá cách thức nghệ sĩ Hàn Quốc đưa yếu tố truyền thống vào phần hình ảnh, từ trang phục, bối cảnh cho đến concept MV, mình và các bạn sinh viên đều cảm thấy rằng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong âm nhạc không chỉ là một xu hướng, mà còn là một chiến lược nghệ thuật mang tính định hướng lâu dài. Sự giao thoa này không chỉ dừng lại ở âm nhạc mà còn có thể lan rộng ra các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như múa sân khấu và nghệ thuật thị giác.

Việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc

Đáng chú ý, diễn giả Nguyễn Hà Linh đã chia sẻ với các bạn sinh viên một số nguyên tắc cốt lõi cần nắm vững để kết hợp truyền thống và hiện đại trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực biểu diễn và âm nhạc. Hai yếu tố quan trọng được nhấn mạnh là: nắm vững những yếu tố cơ bản của văn hóa truyền thống và giữ gìn “linh hồn” văn hóa trong quá trình hiện đại hóa. Cô Linh khẳng định rằng, chỉ khi vừa hiểu sâu văn hóa gốc vừa không ngừng tìm tòi sáng tạo, nghệ sĩ trẻ mới có thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ mà vẫn bảo tồn trọn vẹn giá trị truyền thống, qua đó góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều sản phẩm âm nhạc cũng đã kết hợp yếu tố truyền thống như “Bắc Bling” của Hòa Minzy và một số show diễn nổi bật như “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay “Anh trai say hi”. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, nên việc tìm kiếm bản sắc riêng - hay còn gọi là “USP” (Unique Selling Point) - vẫn đang được các nghệ sĩ và nhà sản xuất tích cực thực hiện.

Về việc học hỏi từ Hàn Quốc, cô Linh cho biết Việt Nam đã có những bước phát triển rất tích cực. Trước đây, việc tổ chức concert hay mời nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam rất khó khăn, nhưng nay đã thuận lợi hơn nhiều. Chúng ta có thể học hỏi Hàn Quốc trong cách khai thác chất liệu văn hóa truyền thống một cách khéo léo, tinh tế để sản phẩm vừa giữ được bản sắc, vừa dễ tiếp cận với giới trẻ.

Khi được hỏi về hình mẫu nghệ sĩ Hàn Quốc tiêu biểu cho việc kết hợp truyền thống và hiện đại, cô Linh nhắc đến BTS, đặc biệt là sân khấu biểu diễn bài “Idol” năm 2018, nơi nhóm sử dụng nhạc cụ dân gian và múa quạt truyền thống trong một tiết mục hiện đại. Dù có một số ý kiến cho rằng sự kết hợp này làm mất đi tinh thần nguyên bản của âm nhạc truyền thống, nhưng đa phần đánh giá đều rất tích cực, xem đó là sáng tạo, là cách làm mới để văn hóa dễ tiếp cận hơn với thế giới trẻ.

Cô Linh cũng nhấn mạnh rằng, ban đầu khán giả có thể có chút lạ lẫm, nhưng khi chứng kiến những thành công lớn, nghệ sĩ trẻ sẽ có thêm động lực để tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Từ những thành công đó, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại dần được công chúng đón nhận tích cực hơn.

Về kỳ vọng đối với Việt Nam, cô Linh tin rằng, dù còn ở giai đoạn đầu, nhưng đi chậm và chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú hơn Hàn Quốc, từ ẩm thực đến di sản, chỉ cần có chiến lược khai thác hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể vươn ra thế giới mạnh mẽ.

ThS. Nguyễn Hà Linh chia sẻ rằng, chỉ cần có chiến lược khai thác hợp lý, công nghiệp văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới mạnh mẽ như Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

ThS. Nguyễn Hà Linh chia sẻ rằng, chỉ cần có chiến lược khai thác hợp lý, công nghiệp văn hóa Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới mạnh mẽ như Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Cảm nhận về buổi toạ đàm

Chia sẻ với phóng viên danh dự Korea.net, bạn Park Huyền Linh - sinh viên lớp Hàn Quốc học khóa K51, Học viện Ngoại giao đã cho biết đây là lần đầu tiên cô tham gia một sự kiện bổ ích do các thầy cô trong khoa giới thiệu, và cô cảm thấy rất hài lòng về buổi tọa đàm lần này.

Cô bạn cho biết thêm: “Qua buổi tọa đàm, em cảm thấy mình không chỉ được tiếp thu những kiến thức bổ ích về âm nhạc Hàn Quốc, mà còn được giải đáp những thắc mắc về cách kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc sao cho vẫn thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhất là trong bối cảnh K-pop đang có dấu hiệu bão hòa, thông qua phần giao lưu với diễn giả. Em mong rằng câu lạc bộ DKC sẽ thường xuyên tổ chức thêm nhiều chương trình hay và thiết thực như thế này. Những kiến thức bổ ích từ buổi tọa đàm chắc chắn sẽ hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong cuộc sống và công việc sau này”.

Em Park Huyền Linh bày tỏ sự yêu thích và hào hứng đối với buổi tọa đàm do câu lạc bộ DKC tổ chức. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Em Park Huyền Linh bày tỏ sự yêu thích và hào hứng đối với buổi tọa đàm do câu lạc bộ DKC tổ chức. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Đối với mình, buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay” đã giúp mình hiểu rõ hơn về cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc, qua đó nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn hóa cốt lõi, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật, đồng thời khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, quảng bá văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đặc biệt, tọa đàm còn tổ chức mini game thú vị nhằm củng cố kiến thức mà diễn giả Nguyễn Hà Linh đã truyền tải cho sinh viên. Tất cả đã tạo nên một trải nghiệm học tập thực sự ý nghĩa và đáng nhớ cho các bạn sinh viên tham gia tọa đàm ngày hôm ấy.

Các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao hào hứng tham gia mini game về âm nhạc Hàn Quốc, với sự lồng ghép của nhạc cụ và giai điệu truyền thống. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao hào hứng tham gia mini game về âm nhạc Hàn Quốc, với sự lồng ghép của nhạc cụ và giai điệu truyền thống. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tổng kết

Buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay” đã khép lại, để lại cho mình và người tham gia nhiều suy ngẫm và cảm xúc sâu sắc.

Những chia sẻ từ diễn giả Nguyễn Hà Linh không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn về giá trị đặc sắc của âm nhạc Hàn Quốc, mà còn khơi dậy niềm đam mê tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật Hàn Quốc. Mình cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc trong việc kết nối con người, và ra về với quyết tâm khám phá sâu hơn về âm nhạc cũng như văn hóa, để trong tương lai có thể thực hiện nhiều dự án quảng bá giá trị văn hóa truyền thống giữa Hàn Quốc và Việt Nam thông qua âm nhạc.

Các bạn sinh viên, ban tổ chức và diễn giả cùng chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Các bạn sinh viên, ban tổ chức và diễn giả cùng chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm “Fusion: Sự giao thoa giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại trong âm nhạc Hàn Quốc hiện nay”. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.