Phóng viên danh dự

13.04.2023

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ẩm thực Hàn Quốc đem đến thực khách thưởng thức nó những cảm quan độc đáo cùng gu thẩm mỹ đa dạng đặc trưng cho đất nước và con người của quốc gia này. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)

Ẩm thực Hàn Quốc đem đến thực khách thưởng thức nó những cảm quan độc đáo cùng gu thẩm mỹ đa dạng đặc trưng cho đất nước và con người của quốc gia này. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Ẩm thực Hàn Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của nó hướng tới quốc tế thông qua làn sóng Hallyu. Một số nguyên nhân chủ đạo làm du khách cũng như những người hâm mộ Hallyu yêu mến ẩm thực xứ Kim Chi trước nhất đến từ hương vị thơm ngon, cách thức chế biến chứa đựng tình cảm, tâm huyết của người nấu, sau đó là thể hiện được nét đẹp rõ rệt, gói trọn tinh thần dân tộc đặc trưng đại diện cho quốc gia Đông Á này.

Tựu chung lại, tất cả đều dựa trên tính thẩm mỹ phong phú mà ẩm thực Hàn Quốc sở hữu. Vậy nên, thông qua bài viết bên dưới, hãy cùng mình tìm hiểu thêm về một số khía cạnh thẩm mỹ đã khiến ẩm thực Hàn Quốc trở thành sản phẩm văn hóa có giá trị tích cực ra sao nhé!


Tính thẩm mỹ của ẩm thực Hàn Quốc dựa trên màu sắc

Kimchi và Tteokbokki (bánh gạo cay) là những món ăn tiêu biểu tạo nên tính thẩm mỹ về màu sắc khi chúng gây được kích thích thị giác nhờ màu đỏ bắt mắt từ gia vị đi kèm.. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)

Kimchi và Tteokbokki (bánh gạo cay) là những món ăn tiêu biểu tạo nên tính thẩm mỹ về màu sắc khi chúng gây được kích thích thị giác nhờ màu đỏ bắt mắt từ gia vị đi kèm.. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)



Việc hướng đến cái đẹp được ẩm thực xứ sở Kim Chi áp dụng rõ rệt bằng những món ăn thơm ngon mang màu sắc bắt mắt: nó có thể đến từ màu tự nhiên của các loại nguyên liệu chế biến hoặc đến từ các loại xốt hay gia vị đi kèm như Deonjang, Gochujang, Ssamjang,...

Một số món ăn nổi tiếng gây ấn tượng thị giác tiêu biểu như: Kimchi, Tteokbokki (bánh gạo cay), Yangnyeom Chicken (gà rán xốt cay), Yangnyeom Gejang (cua ướp xốt cay), Yukhoe (thịt bò sống ướp kiểu Hàn),... sở hữu màu đỏ tinh tế đã thành công góp phần hoàn thiện việc “tiếp thị” nền ẩm thực Hàn Quốc tới gần hơn với thực khách quốc tế (người ta cho rằng màu đỏ là một trong những màu giúp khơi dậy sự ngon miệng thông qua việc kích thích tăng nhịp tim, huyết áp, cũng như hỗ trợ tăng cảm giác đói lên hệ thần kinh, bên cạnh màu vàng, da cam, xanh lá và xanh ngọc).

Bởi thế, yếu tố thị giác trở thành “cầu nối” tuyệt vời làm các món ăn xứ Hàn thu hút sự chú ý đặc biệt, khiến người dùng thêm hứng thú nhờ cách thức hướng ánh nhìn của họ vào màu sắc nổi bật của chúng.


Tính thẩm mỹ của ẩm thực Hàn Quốc thể hiện qua sự tinh tế

Tteokguk và Songpyeon – 2 món ăn theo mùa không chỉ ngon miệng mà còn hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp, tinh tế được người Hàn khéo léo gửi gắm đến thực khách thưởng thức chúng. (Ảnh: Jeon Han, Kim Sunjoo / Korea.net)

Tteokguk và Songpyeon – 2 món ăn theo mùa không chỉ ngon miệng mà còn hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp, tinh tế được người Hàn khéo léo gửi gắm đến thực khách thưởng thức chúng. (Ảnh: Jeon Han, Kim Sunjoo / Korea.net)



Giống như các quốc gia Châu Á sở hữu nền nông nghiệp lâu đời khác, thực phẩm theo mùa rất quan trọng đối với Hàn Quốc vì xã hội nông nghiệp của họ từ xa xưa đã xoay quanh 4 mùa: “mùa nào, thức nấy” – mỗi mùa lại đánh dấu một thời khắc đặc biệt để họ chuẩn bị món ăn phù hợp. Nguyên tắc ăn uống theo mùa được người Hàn trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ, họ cho rằng thức ăn ngon nhất là thức ăn chế biến bởi nguyên liệu tương ứng ở từng mùa riêng biệt, đồng thời chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp mà họ gửi gắm trong mỗi món ăn.

Ví dụ: vào dịp Seollal (Tết Nguyên Đán), người Hàn sẽ chuẩn bị Tteokguk (món canh bánh gạo thái lát nấu kèm nước dùng trong) với thông điệp mang đến may mắn, thuận lợi, cầu chúc sức khỏe tới gia đạo khi bước qua năm mới. Hay vào dịp Chuseok (Tết Trung thu), trên mâm cỗ cúng bái tổ tiên của người Hàn không thể thiếu Songpyeon – những chiếc bánh hình trăng khuyết độc đáo chứa đựng ý nghĩa “sinh sôi, nảy nở” đi kèm phần nhân ngọt mang theo mong ước rằng con người luôn có được trí tuệ thông suốt, uyên thâm – điều ấy khiến Songpyeon không chỉ thu hút thực khách về mặt hình ảnh mà nó còn sở hữu sự tinh tế đặc trưng cho đất nước và con người Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, sự tinh tế của món ăn xứ sở Kim Chi cần thể hiện cả việc mà chúng bổ sung dinh dưỡng, nâng cao, duy trì sức khỏe ra sao bằng cách giúp con người thích nghi trước những biến đổi theo mùa. Ví dụ: vào mùa hè, người Hàn có món Samgyetang (súp gà hầm sâm) – món này dựa trên nguyên tắc “lấy nhiệt trị nhiệt” thông qua việc đổ mồ hôi khiến cơ thể mát mẻ hơn giữa thời tiết oi bức.

Tuy nhiên, Samgyetang cũng rất hữu dụng trong mùa đông khi nó cung cấp nguồn calo dồi dào giữ ấm cơ thể cực kì hiệu quả chống lại cái lạnh khắc nghiệt. Hay Osinban (nghĩa là 5 loại rau có vị cay) dùng vào dịp Ipchun (Lập xuân) – món ăn cung cấp cho con người vitamin, chất xơ từ các loại rau tươi, đồng thời mang đến nguồn sinh lực cùng cảm giác kích thích ngon miệng hoàn hảo khi kết hợp với những món ăn khác.


Tính thẩm mỹ của ẩm thực Hàn Quốc chứa đựng sự hài hòa và hội tụ

Cơm – món ăn chính hằng ngày của người Hàn mang trong mình đầy đủ yếu tố “ngũ hành” khi nấu theo kiểu truyền thống. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)

Cơm – món ăn chính hằng ngày của người Hàn mang trong mình đầy đủ yếu tố “ngũ hành” khi nấu theo kiểu truyền thống. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)



Món ăn ngon không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu ngon mà còn phải giữ được sự cân bằng, hài hòa từ màu sắc, cách chế biến đến việc phối trộn các nguyên liệu, phù hợp với triết lý về vòng tuần hoàn âm dương, ngũ hành của người Hàn.

Ví dụ: Cơm – món chính luôn xuất hiện trong các bữa ăn của người Hàn là đơn cử tiêu biểu cho món ăn sở hữu đầy đủ “ngũ hành” (nếu nấu theo kiểu truyền thống): gạo vo sạch rồi đổ “nước” nấu, sau đó đun trên bếp bằng “gỗ” và “lửa”, đồng thời gạo được làm chín từ từ bởi nồi “kim loại”; lúc cơm chín, người dùng sẽ được thưởng thức tất cả những gì tinh túy nhất của “đất” thông qua từng hạt cơm dẻo, mềm.

Gujeolpan và Tangpyeongchae – 2 món ăn thể hiện được sự cân bằng, hài hòa trong cách sắp xếp cũng như phối trộn các loại nguyên liệu, phù hợp với triết lý âm dương, ngũ hành mà người Hàn luôn tâm niệm. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)

Gujeolpan và Tangpyeongchae – 2 món ăn thể hiện được sự cân bằng, hài hòa trong cách sắp xếp cũng như phối trộn các loại nguyên liệu, phù hợp với triết lý âm dương, ngũ hành mà người Hàn luôn tâm niệm. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)



Ví dụ khác là món Bibimbap (cơm trộn kiểu Hàn) – món ăn phục vụ trong một bát tròn, bao gồm các nguyên liệu như thịt xào đã tẩm ướp, các loại rau cắt sợi đi kèm 1 lòng đỏ trứng sống hoặc trứng chiên đặt ngay chính giữa tâm chiếc bát. Vẻ đẹp của Bibimbap chia ra trước và sau khi trộn. Nếu trước khi trộn nó mang đến thực khách sự mỹ miều, bắt mắt thì sau khi trộn nó lại sở hữu tính hài hòa tuyệt vời về hương vị.

Điều này cũng tương tự với Tangpyeongchae (salad thạch đậu xanh) – món này chứa đựng nghệ thuật “tangpyeong” (nghệ thuật cân bằng) khá thú vị thông qua sự phối trộn, từ đó thể hiện tinh thần “dĩ hòa vi quý” độc đáo, hay Gujeolpan (Nem cuốn cửu vị kiểu Hàn) – món ăn phục vụ trong khay gỗ tròn sang trọng, lột tả trọn vẹn triết lý âm (rau) – dương (thịt) và ngũ hành (5 màu: xanh, đỏ, đen, trắng, vàng; 5 vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng). Tất cả cuốn trong chiếc bánh kếp nhỏ bằng bột mì, đưa tới thực khách thưởng thức “sự hài hòa, hội tụ” sâu sắc nhất.


Tính thẩm mỹ của ẩm thực Hàn Quốc dựa trên sự kiên nhẫn và chờ đợi

Một số kiểu thực phẩm lên men như Deonjang hay Gochujang chứa đựng tính thẩm mỹ của cả một “quá trình kiên nhẫn chờ đợi” công phu trong thời gian dài. (Ảnh: iclickart)

Một số kiểu thực phẩm lên men như Deonjang hay Gochujang chứa đựng tính thẩm mỹ của cả một “quá trình kiên nhẫn chờ đợi” công phu trong thời gian dài. (Ảnh: iclickart)
© Toàn bộ bản quyền bức ảnh này thuộc về iclickart. Những hành vi vi phạm bản quyền tác giả như sử dụng, sao chép, sửa đổi, phân phối trái phép bị nghiêm cấm.



Một trong những nét thẩm mỹ nổi bật của ẩm thực Hàn Quốc đến từ những món ăn lên men. Chúng trải qua giai đoạn chuyển biến hóa học tự nhiên trong thời gian dài, đồng thời tái tạo mùi vị đặc trưng để món ăn lên men ấy thêm phần ngon miệng, kích thích thực khách thưởng thức. Vì thế, sự kiên nhẫn, chờ đợi giúp nâng tầm giá trị của các thực phẩm lên men hơn, khiến con người hiểu được rằng “một món ăn ngon nào đó cần phải có quá trình hình thành công phu” ra sao.

Ví dụ tiêu biểu về tính thẩm mỹ của ẩm thực xứ Hàn dựa trên sự kiên nhẫn và chờ đợi chính là Kim Chi – món ăn “quốc hồn quốc túy” chứa đựng tinh hoa quý báu cùng nét đẹp truyền thống đại diện cho đất nước Đông Á này. Mặt khác, Kim Chi còn sáng tạo nên nét độc đáo riêng biệt khi nó được sử dụng thêm bột ớt đỏ nhằm mục đích kiểm soát vi khuẩn có hại, thúc đẩy vi khuẩn có lợi hình thành, thay vì chỉ dùng muối như các kiểu thực phẩm lên men tương tự ở những quốc gia Châu Á khác.

Bên cạnh Kim Chi thì một số món ăn lên men cũng góp phần quan trọng trong chế biến và được người Hàn sử dụng hằng ngày, bao gồm: nước tương (Ganjang), tương đậu (Deonjang), tương ớt kiểu Hàn (Gochujang), hải sản muối (Jeotgal) – tất cả đều cho thấy đặc điểm nổi bật đặc trưng, thể hiện rõ rệt tính thẩm mỹ của “sự kiên nhẫn và chờ đợi”.


Tính thẩm mỹ của ẩm thực Hàn Quốc mang theo sự tận tâm

Tarakjuk – một loại cháo gạo xay nấu cùng sữa thể hiện được sự tận tâm của ẩm thực Hàn Quốc trong việc bày tỏ tấm lòng trân trọng đến người lớn tuổi. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên trang YouTube 땅끝마을 임선생)

Tarakjuk – một loại cháo gạo xay nấu cùng sữa thể hiện được sự tận tâm của ẩm thực Hàn Quốc trong việc bày tỏ tấm lòng trân trọng đến người lớn tuổi. (Ảnh: Chụp màn hình từ video trên trang YouTube 땅끝마을 임선생)



Vốn là một quốc gia từng trải qua chế độ phong kiến, đồng thời thấm nhuần tư tưởng Nho học, việc xem trọng lễ nghĩa và tỏ lòng thành kính đến người lớn tuổi luôn được người Hàn hết mực gìn giữ - nó chứa đựng nghĩa cử cao đẹp mà bậc con cháu gửi gắm tới ông bà, cha mẹ mình. Vì thế, ẩm thực xứ Kim Chi không thể thiếu được tính thẩm mỹ của sự tận tâm khi nó đã linh hoạt biến tấu nhằm phù hợp nhu cầu phục vụ cho người lớn tuổi.

Ví dụ: Hệ tiêu hóa và răng của người lớn tuổi thường không hoạt động tốt bằng lúc còn trẻ. Vậy nên, các loại thức ăn dạng lỏng như cháo (Juk), canh, súp trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ đạo, đồng thời giúp họ hấp thụ dễ dàng hơn so với việc dùng cơm. Đặc biệt, món cháo truyền thống lưu giữ từ thời Joseon mang tên “Tarakjuk” (cháo gạo xay nấu sữa) – ngoài thành phần chính là gạo thì sữa là nguyên liệu nấu ăn thực sự rất quý giá vào thời kì đó; mặc dù hiện tại, sữa rất dễ dàng tìm kiếm và có mặt khắp mọi nơi. Điều này chứng minh được tính thẩm mỹ của sự tận tâm trong ẩm thực xứ Hàn khi con người rất biết cách vận dụng nó để bày tỏ tấm lòng trân trọng tới người lớn tuổi.

Tính thẩm mỹ mà ẩm thực Hàn Quốc sở hữu đã thể hiện nhiều giá trị cùng ý nghĩa tốt đẹp, tích cực: vẫn đầy đủ về mặt vật chất nhưng không thiếu đi tính cốt lõi về mặt tinh thần. Do vậy, trước bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng như cách ẩm thực xứ Kim Chi đã làm là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.