Mình đã có khoảng thời gian tìm hiểu và thực hành múa mặt nạ khá thú vị nhờ việc tham gia lớp học “Gặp gỡ văn hóa truyền thống Hàn Quốc qua nghệ thuật trình diễn” do Học viện King Sejong Biên Hòa tổ chức. (Ảnh: Trang Facebook King Sejong Biên Hoà - Đại học Lạc Hồng)
Bài viết từ
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Bên cạnh sự quyến rũ của ẩm thực, thiên nhiên, thắng cảnh, lịch sử, xã hội thì Hàn Quốc cũng hấp dẫn khách thập phương thông qua các môn nghệ thuật đặc trưng. Trong đó, “Talchum” (múa mặt nạ) là di sản văn hóa phi vật thể thứ 17 của xứ sở Kim Chi cuốn hút du khách nhờ nét mộc mạc, độc đáo, nó phản ánh cuộc sống hiện thực, đồng thời nêu lên cảm xúc khá tinh tế dưới lớp mặt nạ trang trí che đi dung mạo thật với đa dạng hình dáng vô cùng phong phú.
Vì thế, để tìm kiếm cơ hội trải nghiệm trực tiếp nghệ thuật múa mặt nạ Talchum, mình đã không bỏ lỡ dịp tham gia lớp học văn hóa do Học viện King Sejong Biên Hòa khởi xướng xoay quanh chủ đề về nghệ thuật trình diễn truyền thống này. Vậy, sự kiện có gì thú vị? Nó đọng lại những suy nghĩ ra sao cho mình? Độc giả Korea.net hãy đọc bài viết của mình chia sẻ thông tin vừa nêu ngay bây giờ nhé!
Lớp học “Gặp gỡ văn hóa truyền thống Hàn Quốc qua nghệ thuật trình diễn” là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động tôn vinh tháng văn hóa Học viện King Sejong. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
“Gặp gỡ văn hóa truyền thống Hàn Quốc qua nghệ thuật trình diễn” là lớp học miễn phí nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc tháng văn hóa Học viện King Sejong được tổ chức vào 2 ngày 18 – 19/11/2023 (chia thành 2 buổi mỗi ngày, thời lượng: 2 tiếng / buổi) tại phòng D503, cơ sở 2 Đại học Lạc Hồng. Sự kiện ngoài mục tiêu hướng tới việc kết nối mối thâm tình hữu nghị giữa 2 quốc gia Hàn – Việt, thì đồng thời, dựa trên trải nghiệm thiết thực, những người sáng tạo sự kiện mong muốn giúp các bạn trẻ và người dân sinh sống ở địa bàn thành phố Biên Hòa mang lòng yêu mến xứ sở Kim Chi cơ hội mở mang thêm cái nhìn liên quan đến văn hóa nghệ thuật của quốc gia này, cụ thể là múa mặt nạ, để biết rằng Hàn Quốc không chỉ có K-pop vang danh thế giới.
Lớp học chủ trì chính bởi thầy Kim Dong Hwan và cô Kim Ngân – giáo viên phụ trách tại Học viện King Sejong Biên Hòa làm phiên dịch. Sau phần giới thiệu sơ nét về múa mặt nạ Talchum trong sáng ngày 18 (đáng tiếc mình không tham gia được vì lý do khách quan), thì buổi chiều 18 sang ngày 19, thầy Kim bắt đầu hướng dẫn toàn bộ học viên cách thức cần biết và một số động tác cơ bản của múa mặt nạ Talchum.
Lớp học chủ trì bởi thầy Kim Dong Hwan với phần phiên dịch của cô Kim Ngân thu hút đông đảo các bạn trẻ yêu thích văn hóa Hàn Quốc tham dự. Bên cạnh đó, xuyên suốt quá trình thỉnh giảng, thầy Kim luôn lưu ý học viên cách thức đọc “Taryeong” và “Chuimsae” trước lúc thực hiện múa mặt nạ Talchum. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Xuyên suốt quá trình thỉnh giảng kiêm thực hành, thầy luôn lưu ý học viên phương pháp đọc Taryeong (nhịp phách) và Chuimsae (lời ngâm hay câu xướng đệm) ngay cả khi không có bộ gõ kèm theo. Đặc biệt là Chuimsae – đây là yếu tố quan trọng làm điệu múa mặt nạ thêm hoàn chỉnh và thể hiện bao quát cảm xúc của múa mặt nạ, bởi bản chất múa mặt nạ tồn tại ý nghĩa cổ vũ, thúc đẩy động lực và chứa đựng sự hưng thịnh; do vậy, người đọc Taryeong và Chuimsae phải phát âm nhanh, to, rõ, tránh đọc chậm để khớp với bộ gõ lẫn các bước nhảy lúc trình diễn múa mặt nạ trên sân khấu. Một số câu Chuimsae thông dụng bao gồm: “Johta”, “Geureochi”, “Eolssu” được thầy Kim thị phạm tích cực, đưa không khí lớp học gia tăng độ náo nhiệt và sôi động hơn.
Tiếp theo phần lưu ý về Taryeong và Chuimsae, thầy Kim chuyển sang bước hướng dẫn những động tác cơ bản của múa mặt nạ - đây là hoạt động mình mong chờ nhất vì có thể quan sát và tự thực hiện lại nghệ thuật múa mặt nạ độc đáo mà trước kia, mình chỉ thấy gián tiếp qua truyền hình hay internet.
Mình và các bạn học viên được phát 1 cặp tay áo dài “Hansam” để hỗ trợ luyện tập múa mặt nạ thêm uyển chuyển. Đồng thời, các động tác như “Oe-sawi”, “Kyup-sawi”, “Yang-sawi” hay “Yeonpungdae” cũng làm mình ấn tượng bởi việc giữ cân bằng cơ thể và phối hợp nhịp nhàng giữa tay, chân cùng khẩu lệnh “Taryeong - Chuimsae”. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Để học múa mặt nạ Talchum, mỗi học viên được phát cho 2 tay áo dài đeo ở cổ tay gọi là “Hansam” để luyện tập. Lúc chuyển động, “Hansam” tựa như làn mây bay bổng hỗ trợ điệu nhảy trở nên uyển chuyển và cực kì mềm mại.
Ấn tượng sâu sắc với mình có lẽ là 5 động tác: “Bullim”, “Oe-sawi”, “Kyup-sawi”, “Yang-sawi” và “Yeonpungdae”.
“Bullim” đánh dấu nét mạnh mẽ của múa mặt nạ bằng việc hô vang câu “
낙양동천이화정” (tạm dịch: Một gian nhà có hoa lê nở, nơi những người bất tử tụ tập trong lâu đài Lạc Dương), đồng thời kết hợp 2 cánh tay giơ lên rồi duỗi ra tạo hình gần giống chữ “E” khá thú vị, đi kèm việc hơi cong đầu gối và chùng chân xuống – động tác khiến mình cảm nhận sự bứt phá và giải phóng năng lượng nội tại rất tốt, từ đó, nó đã giúp mình dễ dàng tiến hành những động tác tiếp theo.
Đối với chuỗi 4 động tác Oe-sawi, Kyup-sawi, Yang-sawi và Yeonpungdae, mình luôn phải nâng cao sự chú ý và duy trì trạng thái thăng bằng cơ thể bởi tuy chúng không khó nhưng rất dễ nhầm lẫn, cần liên tục chi phối tính nhịp nhàng giữa tay, chân, lẫn khẩu lệnh “Taryeong – Chuimsae”. Đặc biệt là “Yeonpungdae” – động tác làm mình tưởng tượng bản thân đang sở hữu nhân dạng một chú bướm chao lượn đôi cánh trên không trung, “đậu rồi lại bay” cực kì lả lướt.
Ngoài những động tác cơ bản trong múa mặt nạ, thì thầy Kim còn hướng dẫn các động tác mô phỏng loài vật khá thú vị. Mặt khác, thầy cũng tận tình giới thiệu thêm về nghệ thuật biểu diễn truyền thống đầy tinh tế tại Hàn Quốc dựa trên video tiết mục ca khúc “IDOL” do nhóm BTS trình bày ở lễ trao giải MAMA 2018. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Ngoài 5 động tác vừa nêu, thầy Kim còn giới thiệu một số động tác mô phỏng đặc trưng từ các con vật. Ví dụ: “Dalideulgi” (
다리들기) bắt chước bộ dáng nâng chân ngang của loài mèo, hay “Gaegulijeompeu” (
개구리점프) thể hiện nét vui tươi tương tự loài ếch búng chân nhảy phốc trên mặt ao nước, hoặc “Kkachigeol-eum” (
까치걸음) là động tác học tập cách đi nhanh, gọn của loài chim ác.
Bên cạnh việc thực hành và ôn luyện các động tác cơ bản của múa mặt nạ, thầy Kim đã mang tới lớp học hoạt động tìm hiểu kiến thức bên lề khá thú vị liên quan đến loại hình múa mặt nạ và nghệ thuật trình diễn đặc trưng ở xứ sở Kim Chi thông qua ví dụ về tiết mục biến tấu ca khúc “IDOL” của nhóm nhạc BTS tại lễ trao giải MAMA 2018 khi họ kết hợp nhuần nhuyễn màu sắc trẻ trung từ nhảy hiện đại giao thoa cùng hơi thở cổ điển của múa truyền thống. Trong video biểu diễn, khán giả sẽ nhận thấy mỗi thành viên BTS đều rất tinh tế lựa chọn một hình thức múa khác nhau, chẳng hạn: J-Hope xuất hiện hoành tráng với các vũ công múa trống “Samgomu Ogomu” (
삼고무 오고무), hay Jungkook đưa múa mặt nạ Talchum tiếp cận gần gũi hơn với thế hệ đương thời nhờ những bước nhảy mới mẻ, hoặc màn “collab” độc đáo pha trộn giữa “Pungmul-nori” (
풍물놀이) và “Saja-nori” (
사자놀이) làm người xem không thể rời mắt trước lúc mở màn cho cả nhóm trình diễn. Với ví dụ mà thầy Kim chia sẻ, mình nhận ra rằng Hàn Quốc ngoài việc theo đuổi và phát triển xu hướng, thì giá trị dân tộc cốt lõi vẫn mãi là nền tảng quý giá mà họ luôn tâm niệm giữ gìn, duy trì và quảng bá rộng rãi, để thế giới thấy được văn hóa của họ đa dạng và phong phú như thế nào.
Song song đấy, thầy Kim còn cực kì tận tình khi truyền tải hiểu biết của bản thân về múa mặt nạ đến toàn bộ học viên dựa trên một đoạn video thú vị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) phối hợp cùng Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc phát hành mang tên “탈춤 퍼레이드 PARADE MASTER” (tạm dịch: Cuộc diễu hành múa mặt nạ - Bậc thầy Diễu hành). Xuyên suốt thời lượng video, mình được quan sát kĩ 14 kiểu múa mặt nạ lẫn trang phục khác nhau kèm theo đại diện cho mỗi vùng miền ở xứ sở Kim Chi.
Phục trang trình diễn độc đáo của 2 trong số 14 kiểu múa mặt nạ đặc trưng cho các vùng miền tại Hàn Quốc trích từ video “탈춤 퍼레이드 PARADE MASTER” là: “Bukcheong-sajachum” và “Omjungchum” được thầy Dong Hwan giới thiệu ở lớp học. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Chẳng hạn: điệu “Jangjamarichum” (
장자마리춤) của thành phố Gangneung, thuộc tỉnh Gangwon-do nổi bật cùng bộ quần áo màu đen phủ kín người, trong đó những miếng vải vàng lưa thưa đính kết lên trang phục mô tả những sợi rong biển, chiếc khung to quanh bụng trông giống một phụ nữ mang thai – tổng thể nhân vật lẫn điệu múa nói lên sự dồi dào, sung túc chứa đựng hàm ý cầu mong mưa thuận gió hòa và ước vọng thu hoạch nhiều hải sản, nó khá phù hợp với vị trí địa lý của khu vực. Hay điệu “Omjungchum” (
옴중춤) lưu truyền ở khu vực quận Songpa-gu thuộc thủ đô Seoul lại thể hiện nhân vật một nhà sư bội đạo với chiếc mặt nạ đầy vết mụn, áo cà sa đen làm người xem cảm nhận rõ rệt sự châm biếm, đồng thời điệu nhảy còn có ý nghĩa xua đuổi tà ma. Hoặc điệu “Bukcheong-sajachum” (
북청사자춤) trích từ vở kịch truyền thống “Bukcheong sajanoreum” của huyện Bukcheong thuộc tỉnh Hamgyeongnam-do cũng rất độc đáo khi vũ công hóa thân thành chú sư tử sở hữu bộ lông màu nâu đỏ ngộ nghĩnh - điệu nhảy khiến mình liên tưởng ngay tới múa lân – sư – rồng vui tươi thường tổ chức tại Trung Quốc và Việt Nam vào dịp lễ, Tết.
Mình đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành buổi học và có thêm quà tặng kèm là chú sư tử mini – phiên bản thu nhỏ mô phỏng lại phục trang sư tử trong vở kịch truyền thống “Bukcheong sajanoreum”. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Kết thúc lớp học, bên cạnh kỉ niệm khó quên cùng các bạn học viên tham dự và thầy Kim, thì một điều chắc chắn làm mình ấn tượng hơn cả chính là việc chủ động thu thập thêm những kiến thức bổ ích xoay quanh múa mặt nạ lẫn nghệ thuật trình diễn thấm đượm tinh thần văn hóa sâu sắc của người Hàn Quốc. Cảm ơn Học viện King Sejong Biên Hòa đã tận tâm tạo nên một sân chơi ý nghĩa và tích cực. Mình hy vọng sẽ có cơ hội đồng hành ở những trải nghiệm hấp dẫn về đất nước Hàn Quốc tiếp theo trong tương lai tại thành phố mà mình đang sinh sống.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.