“Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” là sự kiện mang tới nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cùng những kiến thức bổ ích về tỉnh Gyeongsangbuk-do, thu hút sự quan tâm của cư dân sinh sống ở TP.HCM và khu vực phía Nam tìm đến tham quan. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Hiện nay, khi làn sóng Hallyu dần “vươn mình” phát triển mạnh mẽ và trở nên quen thuộc hơn thì nhu cầu tiếp cận các hoạt động liên quan đến đất nước Hàn Quốc cũng ngày một gia tăng. Vì thế, để theo xu hướng ấy, những sự kiện về xứ sở Kim Chi liên tục được mở rộng với đa dạng loại hình liên tục “phủ sóng” phổ biến xuyên suốt từ Nam chí Bắc. Do đó vừa qua, “Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” – một sự kiện quy tụ nhiều trải nghiệm hấp dẫn thu hút số lượng đông đảo cư dân phía Nam ghé thăm và tìm hiểu, đã cho thấy sức lan tỏa không nhỏ từ làn sóng Hallyu sôi động như thế nào trên “dải đất hình chữ S”. Vậy sự kiện có gì đáng chú ý, đồng thời, nó mang tới các hoạt động thú vị ra sao? Độc giả Korea.net hãy theo chân mình nhìn lại nét lôi cuốn của nó bằng bài viết sau đây nhé!
“Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” là chương trình phối hợp bởi chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do, Tổng cục Văn hóa và Du lịch Gyeongsangbuk-do cùng Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Gyeongbuk thực hiện. Sự kiện đã diễn ra rất thuận lợi trong 3 ngày 27, 28, 29/11/2023 (trung bình từ: 14h – 21h mỗi ngày, mở cửa tự do) tại khu B thuộc địa phận Công viên 23/9, TP.HCM. Do quỹ thời gian eo hẹp, mình quyết định chỉ lựa chọn ngày 29 để tận hưởng sự kiện.
Mục tiêu của “Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” ngoài việc thắt chặt hơn thân tình hữu nghị lâu bền giữa 2 quốc gia thì ý nghĩa chủ chốt xuyên suốt sự kiện còn mong muốn người Việt, đặc biệt là cư dân sinh sống ở TP.HCM nói riêng và cư dân phía Nam nói chung có thêm cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm và thấu cảm hơn nét đẹp văn hóa nổi bật mà tỉnh Gyeongsangbuk-do sở hữu.
Được ví như “phiên bản thu nhỏ” của Hàn Quốc, tỉnh Gyeongsangbuk-do vừa mang trong mình dáng vẻ truyền thống cổ kính trầm mặc, vừa kết hợp khá hài hòa cùng hơi thở hiện đại đặc trưng tại xứ sở Kim Chi. Vì thế, thông qua “Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do”, phía ban tổ chức Hàn Quốc hi vọng toàn bộ người tham dự sự kiện sẽ lưu dấu vào tâm trí ấn tượng sâu sắc về một Gyeongsangbuk-do thân thiện, phong phú, đa dạng về văn hóa, đồng thời, sự kiện cũng không quên nhiệm vụ thúc đẩy đam mê du lịch từ người tham dự nhằm hướng tới nhu cầu tiếp cận sức hấp dẫn của tỉnh Gyeongsangbuk-do.
Màn hình lớn được ban tổ chức bố trí tại “Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” trình chiếu xuyên suốt thời gian sự kiện diễn ra với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn cùng những hoạt động lôi cuốn, đặc trưng đến từ cả 2 phía TP.HCM và tỉnh Gyeongsangbuk-do. Trên ảnh là quang cảnh Bưu điện trung tâm Sài Gòn (ảnh trên) và chùa Unmunsa thuộc huyện Cheongdo-gun (ảnh dưới). (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Dưới không gian ngập tràn bóng cây xanh mát ở Công viên 23/9, hiện ngay trước mắt mình là màn hình điện tử lớn trình chiếu vô số thắng cảnh và hoạt động nổi bật phản ánh rõ nét tinh thần dân tộc tích cực của TP.HCM lẫn tỉnh Gyeongsangbuk-do. Mặt khác, “Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” đã khéo léo sắp xếp các gian hàng chỉn chu, gọn ghẽ giúp người tham dự dễ dàng tiếp cận, đi kèm thiết kế pha trộn những tông màu trầm làm điểm nhấn (ví dụ: nâu, tím, xanh navy) kết hợp cảm hứng tinh tế từ kiểu nhà truyền thống Hàn Quốc (Hanok), tô vẽ thêm bằng vài vật dụng trang trí xinh xắn như: đèn lồng Cheongsachorong, mặt nạ Hahoetal, quốc kì 2 đất nước Hàn – Việt, hay biển hiệu ghi dòng chữ “I love Ho Chi Minh City – Gyeongbuk” thể hiện quan hệ ngoại giao gắn bó từ phía Việt Nam lẫn Hàn Quốc – tất cả hòa quyện khá “thuận mắt” khiến du khách tham dự không thôi xao xuyến và thích thú khi dừng chân thưởng thức sự kiện.
Một số quầy hàng trang trí lấy cảm hứng từ nhà truyền thống Hanok thuộc 4 gian phân chia theo khu vực thuộc khuôn khổ sự kiện. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bên cạnh sân khấu chính, sự kiện được phân bố thành 4 khu bao gồm:
- Gian giới thiệu thông tin (tìm hiểu nét thú vị của tỉnh Gyeongsangbuk-do, tham gia event vòng quay may mắn nhận quà, chụp hình lấy liền Life4Cut).
- Gian trưng bày trải nghiệm văn hóa tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hanbok, Hanok, Hangeul, Hanji, Hansik và triển lãm di sản văn hóa độc đáo thuộc địa phận tỉnh).
- Gian doanh nghiệp Gyeongsangbuk-do - Food zone (giới thiệu doanh nghiệp cùng các sản phẩm tốt cho sức khỏe nổi bật của tỉnh, trải nghiệm ẩm thực ngon miệng “made in Korea”).
- Gian trải nghiệm một số trường Đại học ưu tú hàng đầu đại diện tỉnh Gyeongsangbuk-do vươn tầm quốc tế, ví dụ: Đại học Quốc gia Andong, Đại học Kyungil, Đại học Kyungwoon,...
Các hoạt động thú vị ở “Gian trưng bày trải nghiệm văn hóa tỉnh Gyeongsangbuk-do” khiến mình vô cùng phấn khích bao gồm: mặc Hanbok check-in, trổ tài lắp ghép Hanok phiên bản mini, viết những câu chữ ý nghĩa bằng Hangeul lên quạt Hapjukseon, và cuối cùng là tìm hiểu về “thế giới” rượu đa dạng có xuất xứ từ khu vực tỉnh Gyeongsangbuk-do. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Trong 4 khu vực, thu hút mình hơn cả có lẽ là “Gian trưng bày trải nghiệm văn hóa tỉnh Gyeongsangbuk-do”, bởi nơi đây mang đến những đặc trưng tiêu biểu nhất mà đất nước Hàn Quốc sở hữu: từ mặc trang phục Hanbok bắt mắt check-in tại sự kiện, thử thách trổ tài khéo tay bằng cách lắp ghép mô hình nhà Hanok mini, luyện kĩ năng viết Hangeul đẹp mắt lên quạt Hapjukseon, đến việc tìm hiểu, cảm nhận trực quan về những tờ giấy Hanji mềm mại và cuối cùng là chìm đắm vào “thế giới” đa dạng của vô số loại rượu cổ điển có nguồn gốc từ Gyeongsangbuk-do ở quầy Hansik (ví dụ: thành phố Andong tiêu biểu với nhiều loại rượu cao cấp như Andong Soju chưng cất theo phương pháp truyền thống, Jinmaek Soju sản xuất dựa trên lúa mì hữu cơ, hay huyện Ulleung-gun nổi tiếng có Makgeolli bí đỏ và rượu Thanh lương trà bổ trợ cho sức khỏe con người,...)
Thưởng thức ẩm thực “made in Korea” là hoạt động hấp dẫn mà mình không thể bỏ lỡ khi tham dự sự kiện. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Ngoài ra, là tín đồ đam mê ẩm thực xứ Hàn, tất nhiên mình không tài nào bỏ lỡ cơ hội tham quan khu “Doanh nghiệp Gyeongsangbuk-do - Food zone”. Tại đây, mình đã được nhân viên tận tình tư vấn và mời thưởng thức một vài món ăn tiêu biểu, chính gốc xuất xứ từ địa phận tỉnh Gyeongsangbuk-do chẳng hạn: lê nâu ngọt ngào, mọng nước; thạch collagen việt quất núng nính với hương vị dịu êm; tinh chất hồng sâm giữ trọn giá trị tự nhiên vốn có; hay dùng thử Bugak giòn tan, cuốn hút (món ăn truyền thống chế biến bằng cách chiên, sấy rau củ, rong biển rồi áo qua lớp bột gạo nếp trắng tinh).
Quầy hàng đặc biệt mang tên “Di tích nhà Lý Việt Nam / Trung Hiếu Đường” cung cấp cho mình một số thông tin về các di sản văn hóa liên quan đến hậu duệ triều Lý, đồng thời ở đây còn giới thiệu cả dự án xây dựng “thung lũng K-Việt Nam” tại huyện Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsangbuk-do chứa đựng ý nghĩa và giá trị thiết thực. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Mặt khác, sự kiện còn thiết kế một quầy đặc biệt mang tên “Di tích nhà Lý Việt Nam / Trung Hiếu Đường” – nơi này tập trung giới thiệu một số di sản văn hóa liên quan tới hậu duệ triều đại họ Lý (Lý Long Tường, Lý Trường Phát,...) và dự án xây dựng thung lũng K-Việt Nam (K-Vietnam Valley) tại huyện Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsangbuk-do nhằm mục đích khắc phục nguy cơ địa phương bị xóa sổ, đồng thời đặt nền móng cơ sở giúp kết nối người dân 2 quốc gia Hàn – Việt trong các gia đình đa văn hóa.
Sau quãng thời gian trải nghiệm ở các gian hàng, thì lúc hoàng hôn vừa buông xuống chính là khoảnh khắc người tham dự bắt đầu tĩnh lặng và thư giãn cùng phần trình diễn ca múa nhạc đặc sắc thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ tài năng của cả 2 đất nước. Mình thực sự bị hấp dẫn bởi tiết mục đầy nhiệt huyết tới từ 3 đoàn nghệ thuật trực thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do bao gồm: đoàn nghệ thuật Nghìn năm Silla, đoàn Gugak Company Mineum, và đoàn khoa nghệ thuật trường Đại học Yeungnam – chuyên ngành âm nhạc truyền thống.
Phần trình diễn ca múa nhạc nhiệt huyết và đam mê từ 3 đoàn nghệ thuật (trái sang phải, trên xuống dưới) bao gồm: đoàn Gugak Company Mineum, đoàn nghệ thuật Nghìn năm Silla, và đoàn khoa nghệ thuật trường Đại học Yeungnam – chuyên ngành âm nhạc truyền thống đã thu hút mình bằng loạt tiết mục đặc sắc khi kết hợp thanh âm khá tinh tế từ các loại nhạc cụ truyền thống lẫn hiện đại. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Nếu đoàn nghệ thuật Nghìn năm Silla mang tới sự kế thừa cổ điển, đồng thời họ cũng khéo léo phát triển phù hợp theo xu thế âm nhạc đương đại dựa trên việc hòa tấu một số nhạc cụ tiêu biểu như đàn Haegeum, sáo Daegeum, sáo Sogeum cho ra những bản nhạc du dương, da diết; hay đoàn khoa nghệ thuật trường Đại học Yeungnam – chuyên ngành âm nhạc truyền thống rất biết cách dẫn dắt người nghe lạc vào không gian xa xưa chứa đựng tinh hoa dân tộc Hàn Quốc bằng tiết mục sử dụng thanh âm tinh tế từ các nhạc cụ thuộc bộ gõ (ví dụ: Sogo, Janggu, Buk,...), bộ dây (ví dụ: Geomungo, Ajaeng,...), và bộ hơi (Hyang-piri); thì đoàn Gugak Company Mineum lại khiến khán thính giả cảm nhận rõ ràng sự phong phú, đa dạng khi hòa trộn hợp lý giữa cái cũ và cái mới, tạo nên hứng thú đặc biệt đối với thế hệ trẻ nhưng vẫn giữ gìn nền tảng cốt lõi vốn có của âm nhạc truyền thống xứ Hàn. Đáng tiếc vì nguyên nhân khách quan, mình không thể theo dõi trọn vẹn tất cả tiết mục nghệ thuật đến cuối cùng (bao gồm: K-pop dance cover, biểu diễn Taekwondo).
Phần catwalk Hanbok hoàng gia và Hanbok cổ điển vô cùng thần thái của đoàn khoa K-model, khoa diễn xuất trực thuộc Đại học Daekyung đã làm toát lên sự trang trọng và vẻ đẹp nền nã của loại trang phục này. (Ảnh: Vũ Đỗ Hải Hà)
Bên cạnh đó, ngoài việc thưởng thức những màn ca múa nhạc tuyệt vời, mình còn may mắn đón xem phần catwalk thần thái do dàn người mẫu đào tạo bài bản từ khoa K-model, khoa diễn xuất trực thuộc Đại học Daekyung thể hiện. Từng bước đi uyển chuyển, chậm rãi và mềm mại của họ đã toát lên vẻ đẹp lộng lẫy của loạt Hanbok hoàng gia và nét nhã nhặn của loại Hanbok cổ điển. Mình đánh giá cao khâu chọn nhạc lẫn thiết kế phông nền hợp lý từ ban tổ chức – chúng khiến phần catwalk thêm lãng mạn, đồng thời truyền tải sâu sắc hơn ý nghĩa mà Hanbok sở hữu.
(Nguồn: Kênh YouTube haiha vudo)
“Lễ hội văn hóa và du lịch TP. Hồ Chí Minh – Gyeongsangbuk-do” tuy kết thúc, nhưng dư âm và sức hấp dẫn đầy hoài niệm của nó vẫn làm mình bồi hồi khó quên. Mình hi vọng, chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk-do sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện tương tự để bản thân mình hay bất kì ai yêu mến văn hóa Hàn Quốc sinh sống ở khu vực phía Nam có cơ hội thu thập thêm trải nghiệm bổ ích liên quan đến Gyeongsangbuk-do nói riêng và Hàn Quốc nói chung.
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.