Phóng viên danh dự

10.10.2024

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Nghệ nhân Choi Lucia với 37 năm trong lĩnh vực nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc, là tác giả chữ viết trên chai rượu Soju “Good day” phiên bản đầu tiên. (Ảnh: Choi Lucia)

Nghệ nhân Choi Lucia với 37 năm trong lĩnh vực nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc, là tác giả chữ viết trên chai rượu Soju “Good day” phiên bản đầu tiên. (Ảnh: Choi Lucia)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Lê Thị Yến

Nghệ nhân thư pháp Choi Lucia là bậc thầy thư pháp nổi tiếng của Hàn Quốc với 37 năm hoạt động trong lĩnh vực thư pháp. Bén duyên với thư pháp từ khi còn là sinh viên đại học, nghệ nhân Choi Lucia đã và đang giữ gìn và phát triển nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc tới bạn bè quốc tế.

Cô Choi Lucia được biết đến khi là tác giả chữ viết trên chai rượu Soju “Good Day” (좋은데이) ở phiên bản đầu tiên. Hiện tại, cô Choi Lucia tham gia nhiều triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Seoul và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc. Nghệ nhân thư pháp cũng đang ấp ủ nhiều dự án và tham gia nhiều hoạt động với mong muốn giúp mọi người tìm được niềm vui, năng lượng trong cuộc sống khi viết thư pháp và có thể cảm nhận thư pháp chữ Hàn một cách gần gũi hơn trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Thông qua cuộc phỏng vấn với phóng viên danh dự Korea.net đến từ Việt Nam, bậc thầy thư pháp Choi Lucia đã chia sẻ về hành trình hoạt động thư pháp của mình cùng những mong muốn đưa thư pháp Hàn Quốc đến gần hơn với công chúng quốc tế, đặc biệt là bạn bè Việt Nam.

PV: Xin chào nghệ nhân Choi Lucia, cô có thể giới thiệu đôi nét về bản thân được không?

Xin chào các bạn, tôi là Choi Lucia, một nghệ nhân thư pháp kết nối thế giới bằng chữ Hàn. Với nền tảng thư pháp chữ Hàn truyền thống, tôi luôn quan tâm đến việc ứng dụng chữ viết vào cuộc sống hàng ngày và cũng đã dành nhiều năm để giới thiệu thư pháp Hàn Quốc đến với những người nước ngoài yêu thích văn hóa Hàn Quốc.

PV: Cô đã hoạt động trong lĩnh vực thư pháp được bao lâu rồi?

Tôi bắt đầu bén duyên với thư pháp từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học, khi tham gia câu lạc bộ thư pháp. Tôi đã cầm bút được 37 năm và nếu tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp với tư cách một nghệ sĩ thư pháp thì đã được 27 năm.

Cô Choi luôn biểu diễn nghệ thuật thư pháp với sự tập trung cao độ để thể hiện tất cả những cảm xúc thông qua nét chữ. (Ảnh: Choi Lucia)

Cô Choi luôn biểu diễn nghệ thuật thư pháp với sự tập trung cao độ để thể hiện tất cả những cảm xúc thông qua nét chữ. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Cô có thể chia sẻ hành trình bén duyên với nghệ thuật thư pháp?

Từ nhỏ, bố tôi luôn nói rằng ông muốn tôi trở thành một đứa trẻ viết chữ đẹp hơn là một đứa trẻ học giỏi. Và khi đang là học sinh trung học, tôi đã tham gia câu lạc bộ viết chữ đẹp và lúc đó mỗi ngày tôi đều cố gắng và chăm chỉ luyện viết chữ. Khi lên đại học, tôi suy nghĩ về việc nên làm gì để có thể sống vui vẻ và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn và đã bén duyên với câu lạc bộ thư pháp. Khi đó tôi đã học thư pháp trong 4 năm.

PV: Thành tựu cô đã đạt được trong quá trình hoạt động thư pháp?

Ngoài thư pháp chữ Hàn truyền thống, tôi còn quan tâm đến việc ứng dụng chữ viết vào cuộc sống hàng ngày. Tôi rất vinh dự là tác giả chữ viết trên chai rượu Soju “Good Day” ở phiên bản đầu tiên. Ngoài ra tôi cũng từng là diễn viên đóng thế phần tay cho diễn viên Jeon Do Yeon trong phim “Scandal” và cho diễn viên Na Young Hee trong bộ phim truyền hình “Cám dỗ nghiệt ngã” của đài truyền hình MBC. Trong quá trình hoạt động của mình, tôi đã tổ chức các lớp học thư pháp chữ Hàn tại Viện Văn hóa Hàn Quốc ở Hà Nội, Hồng Kông và Osaka, gặp gỡ rất nhiều nghệ nhân thư pháp khác cũng như những người yêu mến thư pháp. Mang trên mình chiếc balo và khẩu hiệu “Gặp gỡ Lucia” (Meet Lucia), tôi đã đi du lịch khắp thế giới (Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Úc) và vừa mới đây, tôi cũng đã đến thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 vừa rồi. Đây là chuyến đi thứ 46 trong cuộc đời của tôi.

Cô Choi Lucia chính là tác giả của những nét chữ trên chai rượu Soju “Good day” ở phiên bản đầu tiên. (Ảnh: Choi Lucia)

Cô Choi Lucia chính là tác giả của những nét chữ trên chai rượu Soju “Good day” ở phiên bản đầu tiên. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Cô có thể chia sẻ chi tiết hơn về thư pháp Hàn Quốc được không?

Thư pháp Hàn Quốc là nghệ thuật sáng tạo tác phẩm thư pháp bằng chữ Hàn. Cùng với thư pháp chữ Hán, thư pháp chữ Hàn cũng phát triển thành nhiều thể loại khác nhau và đến thời hiện đại, thư pháp được luôn được đông đảo mọi người yêu thích. Trong các tác phẩm thư pháp chữ Hàn, sự cân bằng giữa âm và vần của chữ Hàn tạo nên vẻ đẹp thị giác rất quan trọng, và cách thể hiện sẽ khác nhau tùy thuộc vào hình dạng của chữ và cách viết. Việc sắp xếp chữ, độ dày của nét, sự chuyển động của nét chữ giúp truyền tải cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc của từ và câu. Thư pháp chữ Hàn truyền thống có hình dạng chữ quy tắc, nhưng đôi khi chữ có thể được viết theo hình dạng tự do, phóng khoáng, tạo ra sự sáng tạo và độc đáo trong thư pháp.

PV: Theo nghệ nhân, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một tác phẩm thư pháp tuyệt vời mà vẫn giữ được nét đẹp của thư pháp truyền thống?

Mặc dù tôi cũng viết những bài thơ và câu đối của người lớn tuổi nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn hết là thể hiện những cảm xúc trong cuộc sống của mình bằng chính chữ viết mình tạo ra. Khi đó tác phẩm của mình mới chạm được đến trái tim của khán giả. Khi viết thư pháp chữ Hàn truyền thống, tôi thường chọn giấy Hwaseonji làm giấy tạo nên tác phẩm, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng không phải là chất liệu mà là việc phải thể hiện tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ vào tác phẩm và thể hiện vẻ đẹp của chữ Hangeul một cách hài hòa về cân đối không gian giữa các nét chữ.

Với cô Choi, điều tạo nên một tác phẩm xuất sắc là thể hiện những cảm xúc của bản thân vào trong tác phẩm để người thưởng thức cảm nhận được. (Ảnh: Choi Lucia)

Với cô Choi, điều tạo nên một tác phẩm xuất sắc là thể hiện những cảm xúc của bản thân vào trong tác phẩm để người thưởng thức cảm nhận được. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Với vai trò là một nghệ nhân thư pháp, cô đã có những hoạt động gì để góp phần vào việc giữ gìn và truyền bá nét đẹp của thư pháp Hàn Quốc đến thế hệ trẻ?

Hiện tại tôi tham gia nhiều triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Seoul và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc. Trong suốt thời gian tham gia triển lãm, tôi giải thích về tác phẩm thư pháp cho những người đến thưởng thức và tổ chức các lớp học thư pháp chữ Hàn để mọi người nhận ra rằng việc viết chữ trong cuộc sống hàng ngày có thể mang lại niềm hạnh phúc rất lớn. Ngoài ra, tôi còn tổ chức lớp học trực tuyến vào mỗi thứ Tư kết nối với Nhật Bản. Và khi có lịch trình ở nước ngoài, tôi tổ chức triển lãm và giảng dạy tại nhiều quốc gia khác nhau. Đồng thời, tôi cũng đang lên kế hoạch tạo ra các sản phẩm liên quan đến thư pháp chữ Hàn, bao gồm cả thẻ giao thông để mọi người có thể cảm nhận thư pháp chữ Hàn một cách gần gũi hơn trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

PV: Trong quá trình hoạt động thư pháp, cô gặp phải những khó khăn gì?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy quá khó khăn khi hoạt động với tư cách một nghệ sĩ thư pháp Hàn Quốc. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để nhiều người có thể cảm nhận được niềm vui khi viết chữ và tôi vẫn luôn nỗ lực cho hoạt động quảng bá chữ thư pháp như vậy. Tôi muốn mọi người biết rằng, thông qua việc viết chữ thư pháp, họ có thể có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và từ đó có được thật nhiều năng lượng tươi mới, tiếp tục sống một cuộc sống ý nghĩa hơn cho ngày mai.

Thông qua thư pháp, cô Choi mong muốn mọi người có thể thưởng thức và có thời gian nghỉ ngơi tràn đầy năng lượng. (Ảnh: Choi Lucia)

Thông qua thư pháp, cô Choi mong muốn mọi người có thể thưởng thức và có thời gian nghỉ ngơi tràn đầy năng lượng. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Cô có thể chia sẻ về hành trình quảng bá thư pháp ra quốc tế, đặc biệt với các chương trình tổ chức ở Việt Nam?

Tôi cũng có cơ hội tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn thư pháp tại quốc tế và Việt Nam. Năm 2018, tôi đã tổ chức lớp học thư pháp chữ Hàn ở Viện Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, gặp gỡ sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thánh Giuse Hà Nội, Đại học Thăng Long và Đại học Đông Đô cùng 4 trường đại học khác. Sau đó, năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam, tôi cũng rất tự hào với việc tham gia một sự kiện ý nghĩa, đó là gặp gỡ trực tuyến với sinh viên của 15 trường đại học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 567 năm ngày Hangeul. Chúng tôi đã cùng nhau tạo ra một video ghi lại những từ ngữ yêu thích của sinh viên để gửi lời chúc mừng cho nhau. Đối với bản thân tôi, mỗi khi gặp gỡ sinh viên Việt Nam, tôi đều rất cảm động trước niềm say mê học tiếng Hàn của các bạn và tôi cũng luôn suy nghĩ làm thế nào để thư pháp Hàn Quốc có thể giúp các bạn trong việc học tiếng Hàn và sử dụng tiếng Hàn tốt hơn trong tương lai.

Cô Choi Lucia cũng đồng hành với các bạn sinh viên Việt Nam trong Ngày hội Hangeul 2022. (Ảnh: Choi Lucia)

Cô Choi Lucia cũng đồng hành với các bạn sinh viên Việt Nam trong Ngày hội Hangeul 2022. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Cảm xúc của sinh viên Việt Nam khi tham gia các chương trình quảng bá thư pháp Hàn Quốc mà cô tham dự?

Khi tham gia các chương trình về thư pháp Hàn Quốc, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm thú vị với các bạn sinh viên Việt Nam. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng trước đây khi học tiếng Hàn, các bạn không biết phải viết chữ Hàn như thế nào cho cân đối, nhưng qua buổi học với tôi thì đã hiểu rõ hơn về cách viết chữ đẹp và dần cảm nhận được nét độc đáo của chữ Hangeul. Các bạn cũng chia sẻ rằng mình muốn học tiếng Hàn thật giỏi để sau này có thể gặp lại cô Lucia và trò chuyện một cách thoải mái mà không gặp rào cản về ngôn ngữ.

Tôi nghĩ rằng những chương trình quảng bá về thư pháp Hàn Quốc là chương trình rất ý nghĩa để giúp mọi người cảm thấy hứng thú hơn trong việc học tiếng Hàn và cảm nhận sâu sắc nét đẹp trong nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc.

Cô Choi và các bạn sinh viên trong một buổi chia sẻ về thư pháp Hàn Quốc đầy ý nghĩa. (Ảnh: Choi Lucia)

Cô Choi và các bạn sinh viên trong một buổi chia sẻ về thư pháp Hàn Quốc đầy ý nghĩa. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Hiện nay, giới trẻ Hàn Quốc và các nước khác có quan tâm nhiều đến thư pháp Hàn Quốc không?

Trong xã hội Hàn Quốc đang thay đổi nhanh chóng, những người có sở thích viết thư pháp ít dần đi và cũng không có nhiều người ngồi xuống và viết thư pháp Hàn Quốc như một sở thích nữa. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thư pháp được sử dụng để truyền tải cảm xúc, tình cảm đến bạn bè, người thân trong cuộc sống hàng ngày và ngày càng có nhiều người muốn tìm hiểu và học sâu hơn. Đối với người nước ngoài mà cũng đã và đang viết chữ Hàn, chính họ cũng quan tâm đến việc học thư pháp chữ Hàn viết bằng bút lông. Đặc biệt, người Nhật Bản từ nhỏ họ đã có nhiều kinh nghiệm viết chữ bằng bút lông nên khi học tiếng Hàn, họ thường có xu hướng vừa học tiếng Hàn vừa học cả thư pháp chữ Hàn. Vì vậy, tôi đã tổ chức lớp học trực tuyến “9 giờ tối thứ Tư” ba lần một tháng vào tối thứ Tư hàng tuần để dạy về các thể loại chữ truyền thống của Hàn Quốc như chữ Panbonche (판본체) và chữ Gungche (궁체), cũng như thư pháp.

Và hiện tại cô Choi Lucia cũng đã và đang có rất chương trình lan tỏa nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. (Ảnh: Choi Lucia)

Và hiện tại cô Choi Lucia cũng đã và đang có rất nhiều chương trình lan tỏa nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. (Ảnh: Choi Lucia)



PV: Theo nghệ nhân, sự khác biệt giữa thư pháp Hàn Quốc và thư pháp Việt Nam là gì?

Thư pháp Hàn Quốc và thư pháp Việt Nam đều phát triển dựa trên nền tảng lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia. Thư pháp Hàn Quốc phát triển từ các thể loại chữ truyền thống (Panbonche và Gungche) và hiện đại hóa để trở thành thư pháp được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng nhận thấy thư pháp Việt Nam cũng đang phát triển từ thư pháp truyền thống sang phong cách hiện đại hơn. Tôi cũng đã có cơ hội trò chuyện với một nghệ sĩ thư pháp Việt Nam tại Hà Nội và quan sát cách họ sử dụng mực và bút, tôi nhận thấy mực của họ đậm hơn và cách sử dụng bút rất đẹp, tạo cảm giác như có nhiều yếu tố thiết kế hơn.

Giống như thư pháp Hàn Quốc mang lại cảm giác cân bằng tuyệt vời giữa các phụ âm và nguyên âm tiếng Hàn, tôi tin rằng thư pháp Việt Nam cũng thể hiện vẻ đẹp dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như sự thay đổi về kích thước chữ và độ dày của dòng chữ. Nếu có cơ hội, tôi mong muốn được tham gia vào hoạt động trao đổi văn hóa thư pháp giữa hai nước thông qua giao lưu với nhiều nhà thư pháp Việt Nam.

PV: Cảm ơn nghệ nhân thư pháp Choi Lucia về buổi chia sẻ ngày hôm nay với độc giả Korea.net. Chúc cô Lucia thật nhiều sức khỏe, luôn tràn đầy năng lượng tích cực như vậy để tạo nên những tác phẩm thư pháp độc đáo và ấn tượng, chạm đến trái tim của người thưởng thức. Đặc biệt hy vọng rằng trong tương lai cô vẫn sẽ là cầu nối mang đến những giá trị sâu sắc về nét chữ thư pháp Hàn Quốc đến với nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.