Phóng viên danh dự

17.01.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Ngày 8/1/2025, trường Đại học Sư phạm Chinju phối hợp cùng Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM đã tổ chức thành công chương trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Ngày 8/1/2025, trường Đại học Sư phạm Chinju phối hợp cùng Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM đã tổ chức thành công chương trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Phan Thị Thu Đào

Trong những năm gần đây, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội học hỏi và kết nối giữa hai quốc gia. Một trong những minh chứng rõ nét là các chương trình giao lưu văn hóa được tổ chức bởi các trường đại học Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngày 8/1 vừa qua, trường Đại học Sư phạm Chinju phối hợp cùng Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM, đã tổ chức thành công chương trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc, thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của đông đảo sinh viên Việt Nam.

Được thành lập vào năm 1940, Đại học Sư phạm Chinju là một trong những trường đào tạo sư phạm uy tín hàng đầu tại Hàn Quốc. Không chỉ chú trọng vào chất lượng giảng dạy, trường còn nổi tiếng với các hoạt động giao lưu quốc tế, giúp sinh viên nước ngoài khám phá văn hóa Hàn Quốc một cách chân thực và gần gũi. Lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, chương trình đã mang đến cho các bạn trẻ Việt Nam cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp những nét đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc thông qua hai hoạt động chính.


Hoạt động 1: Trải nghiệm làm con dấu Hàn Quốc

Hoạt động làm con dấu Hàn Quốc với chủ đề “Tên tiếng Hàn của tôi” đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người tham gia. Mở đầu, các bạn được giới thiệu các thuật ngữ cơ bản liên quan đến con dấu trong văn hóa Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn, “도장” (Dojang) có nghĩa là con dấu, còn “도장을 찍다” có nghĩa là đóng dấu.

Hình ảnh và thuật ngữ về con dấu Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Hình ảnh và thuật ngữ về con dấu Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Tiếp đó, người tham gia được phát dụng cụ và thực hành trải nghiệm với hai bước chính: thiết kế tên và khắc tên.

- Thiết kế tên

Người tham gia được hướng dẫn viết tên tiếng Hàn của mình lên giấy, nhưng thay vì viết thông thường, tên cần được viết ngược lại. Điều này nhằm đảm bảo rằng khi khắc lên con dấu và đóng dấu, chữ sẽ hiện đúng chiều. Để hỗ trợ các bạn, các giảng viên trường Đại học Sư phạm Chinju đã tận tình hướng dẫn cách viết ngược, đồng thời cung cấp nhiều mẫu chữ tham khảo.

Người tham gia nhận dụng cụ và luyện viết mẫu chữ cho con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Người tham gia nhận dụng cụ và luyện viết mẫu chữ cho con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Người tham gia được khuyến khích tập luyện viết nhiều lần để chọn ra mẫu thiết kế đẹp và cân đối nhất. Đây là bước quan trọng để đảm bảo tính thẩm mỹ cho con dấu. Không ít bạn đã thử nghiệm nhiều phong cách viết khác nhau, từ đơn giản đến cầu kỳ, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

- Khắc tên

Sau khi thiết kế hoàn chỉnh, cô Cho Min Jong - giảng viên trường Đại học Sư phạm Chinju - trực tiếp hướng dẫn các bước khắc tên lên con dấu. Theo cô, để làm một con dấu hoàn chỉnh, người tham gia cần chuẩn bị các dụng cụ như giấy nhám, bút dạ, mực đóng dấu, dao khắc và con dấu thô.

Cô Cho Min Jong - giảng viên trường Đại học Sư phạm Chinju giới thiệu các dụng cụ khi làm con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Cô Cho Min Jong - giảng viên trường Đại học Sư phạm Chinju giới thiệu các dụng cụ khi làm con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Quy trình thực hiện gồm các bước sau:
Bước 1: Sử dụng giấy nhám để làm phẳng bề mặt con dấu.
Bước 2: Chia bề mặt con dấu thành các phần, sau đó dùng bút dạ để viết tên.
Bước 3: Đeo găng tay vào tay trái, sử dụng dao để khắc theo nét bút.
Bước 4: Chấm mực vào con dấu và thử đóng lên giấy để kiểm tra.

Bốn bước thực hành khắc tên con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Bốn bước thực hành khắc tên con dấu. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Giảng viên Cho Min Jong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng dao an toàn. Theo cô, khi khắc, mũi dao cần hướng ra ngoài để tránh gây thương tích. Hoạt động này không chỉ giúp người tham gia tạo ra con dấu cá nhân mà còn hiểu thêm về vai trò của con dấu trong đời sống và văn hóa Hàn Quốc.

Người tham gia trực tiếp điêu khắc con dấu cá nhân. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Người tham gia trực tiếp điêu khắc con dấu cá nhân. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Hoạt động 2: Viết thư pháp và trang trí con dấu

Hoạt động viết thư pháp Hàn Quốc là một phần không thể thiếu trong chương trình trải nghiệm văn hóa. Người tham gia được cung cấp bút lông chuyên dụng và mực đen để thực hành viết theo mẫu chữ thư pháp in sẵn. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, các bạn đã học cách cầm bút và điều khiển nét bút sao cho đúng với phong cách thư pháp Hàn Quốc, tạo ra những tác phẩm đầy ý nghĩa.

Sau khi hoàn thành tác phẩm thư pháp, mỗi người đều ấn con dấu tên của mình lên đó, tạo nên một sản phẩm kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp và văn hóa con dấu Hàn Quốc. Các bạn tham gia đều cho biết họ rất thích thú với trải nghiệm này, đặc biệt khi lần đầu được thử sức với thư pháp, một nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc.

Bạn Nguyễn Thị Sen chia sẻ rằng: “Mình rất háo hức khi được tham gia chương trình giao lưu văn hóa với trường Đại học Sư phạm Chinju. Thông qua chương trình mình đã biết thêm nhiều hơn về trường cũng như được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. đây cũng là lần đầu tiên mình trải nghiệm làm con dấu. Trước đó khi xem phim Hàn Quốc mình đã biết đến con dấu nhưng sau khi được trực tiếp trải nghiệm và tạo ra con dấu cho riêng mình, mình thấy rất ý nghĩa”.

Bạn Nguyễn Thị Sen phấn khích khi được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)

Bạn Nguyễn Thị Sen phấn khích khi được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. (Ảnh: Phan Thị Thu Đào)



Sau khi chương trình kết thúc, giáo sư Kwon Suh Keong - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trao đổi của trường Đại học Sư phạm Chinju đã có chia sẻ ngắn với phóng viên danh dự của Korea.net rằng: “Chúng tôi tổ chức chương trình giao lưu văn hóa này với mục đích tạo cơ hội thực tập giảng dạy và tích lũy kinh nghiệm cho sinh viên, đồng thời tạo ra sân chơi để sinh viên Việt Nam có thể trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên trường Đại học Sư phạm Chinju tổ chức chương trình tại TP.HCM và chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ các bạn sinh viên”.

Giáo sư Kwon cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi rất mong muốn sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tiếp tục tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa trong tương lai. Chương trình lần này đã thành công tốt đẹp, giúp các bạn sinh viên Việt Nam có thêm trải nghiệm mới mẻ về văn hóa Hàn Quốc.

Chương trình trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc của trường Đại học Sư phạm Chinju đã mang đến một không gian giao lưu sôi động và ý nghĩa, giúp các bạn sinh viên Việt Nam hiểu thêm về các giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Qua các hoạt động như làm con dấu và viết thư pháp, người tham gia không chỉ được trải nghiệm trực tiếp mà còn tạo ra những kỷ niệm khó quên. Thành công của chương trình không chỉ thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ trong việc tìm hiểu và kết nối với những nền văn hóa khác nhau.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.