Phóng viên danh dự

16.05.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Xuất sắc giành được thành tích tốt tại 2 hạng mục đồng đội và cá nhân của cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, 2 sinh viên Đại học Lạc Hồng là Bùi Ngọc Tường Vy (đeo kính, áo xanh ngoài cùng bên phải) và Dương Huỳnh Bảo Trân (tóc dài, áo xanh ngoài cùng bên phải) đã cho phóng viên danh dự biết nhiều hơn về ý nghĩa thiết thực trong hành trình học tiếng Hàn, bên cạnh việc rèn luyện và tranh tài khả năng ngôn ngữ. (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Xuất sắc giành được thành tích tốt tại 2 hạng mục đồng đội và cá nhân của cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, 2 sinh viên Đại học Lạc Hồng là Bùi Ngọc Tường Vy (đeo kính, áo xanh ngoài cùng bên phải) và Dương Huỳnh Bảo Trân (tóc dài, áo xanh ngoài cùng bên phải) đã cho phóng viên danh dự biết nhiều hơn về ý nghĩa thiết thực trong hành trình học tiếng Hàn, bên cạnh việc rèn luyện và tranh tài khả năng ngôn ngữ. (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng Hallyu tại Việt Nam, thì tiếng Hàn cũng trở thành một ngoại ngữ phổ biến mà các bạn trẻ chọn lựa theo đuổi, nhằm mục đích lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho xã hội nước nhà, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng mở rộng hơn về nhiều mặt. Tuy nhiên, sử dụng thành thạo, linh động tiếng Hàn vào thực tế là việc không hề dễ. Vì vậy, để khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam trau dồi, đồng thời có khả năng tỏa sáng khi sử dụng thứ ngôn ngữ này, phía chính phủ lẫn các đơn vị, cơ quan cá nhân Hàn Quốc rất tích cực sáng tạo nên nhiều cuộc thi nói và hùng biện tiếng Hàn, với nỗ lực kết nối văn hóa giữa 2 quốc gia.

Trong đó, cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025 do Hiệp hội Hùng biện tiếng Hàn K-SPEECH Việt Nam, Hiệp hội Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, Tạp chí Hàn Quốc Life Plaza phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM tổ chức vào ngày 10/5/2025 là sự kiện lớn đáng chú ý thu hút đối tượng học sinh THCS, THPT, sinh viên Đại học Việt Nam quan tâm tham gia.

Tuy bản thân mình không trực tiếp thưởng thức sự kiện, nhưng nhờ thông cáo báo chí từ phía cô Đỗ Thị Thùy - trưởng khoa ngành Hàn Quốc học, Đại học Lạc Hồng cho biết, toàn bộ sinh viên trường gửi đi dự thi đã giành giải cao ở cuộc thi này, với 1 giải nhất đồng đội và 1 giải ba cá nhân. Đặc biệt, team đoạt giải nhất còn có cơ hội dự thi quốc tế vào tháng 8 sắp tới. Là một công dân sinh sống tại Đồng Nai, mình rất ấn tượng trước thành tích các bạn đạt được làm rạng rỡ tỉnh nhà; do vậy, mình quyết định kết nối cùng 2 thí sinh xuất sắc là Bùi Ngọc Tường Vy (trưởng nhóm team giải nhất đồng đội) và Dương Huỳnh Bảo Trân (giải 3 cá nhân) để hiểu rõ hơn hành trình, suy nghĩ, phương hướng của các bạn sau cuộc thi. Bằng câu chuyện mang đầy sự đam mê, 2 bạn chân thành bày tỏ nhiều quan điểm bổ ích xoay quanh ý nghĩa của việc rèn luyện nói tiếng Hàn thông qua sự kiện, bên cạnh nỗ lực, ước mơ làm thế nào giúp tiếng Hàn áp dụng hiệu quả trong môi trường thực tiễn ở tỉnh Đồng Nai hiện nay.

◌ Hùng biện tiếng Hàn - bước đệm ngoạn mục thay đổi bản thân

Dù dự thi 2 hạng mục khác nhau, nhưng thông qua sự kiện hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, cả Tường Vy (trái) và Bảo Trân (phải) đều nhận định đây là bước đệm giúp cả 2 bứt phá bản thân tốt hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp, Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Dù dự thi 2 hạng mục khác nhau, nhưng thông qua sự kiện hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, cả Tường Vy (trái) và Bảo Trân (phải) đều nhận định đây là bước đệm giúp cả 2 bứt phá bản thân tốt hơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp, Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Chia sẻ cùng phóng viên danh dự Korea.net, nguyên nhân chính khiến Tường Vy lẫn Bảo Trân mạnh dạn đăng kí cuộc thi là bởi lẽ cả 2 muốn bứt phá giới hạn, vượt qua ranh giới tự ti, sợ nói sai, vì hùng biện tiếng Hàn trước đám đông là kĩ năng 2 bạn đều mong muốn cải thiện khi bước chân vào giảng đường Đại học. Tường Vy cho biết: “Ban đầu em thật sự không có tự tin, lại đôi chút sợ hãi, nhưng lúc nghe về hạng mục thi tập thể, em đã bớt đi phần hồi hộp, thêm vào đó là sự cổ vũ của cô Lim Da Jung - giáo viên phái cử từ Học viện King Sejong Hàn Quốc và cô Đỗ Thị Thùy - trưởng khoa ngành Hàn Quốc học, thì em ngay lập tức đồng ý tham dự. Em tin rằng các thành viên trong đội cũng có cùng lí do giống em”.

Trái ngược Tường Vy, Bảo Trân quyết định tranh tài hùng biện ở hạng mục cá nhân với hi vọng thử thách chính mình. Trân bộc bạch chân thành: “Em đã luyện tập mỗi ngày, từ việc sửa nội dung theo góp ý của cô giáo, cho đến việc luyện nói trước gương để điều chỉnh biểu cảm và ngữ điệu”. Qua đây, có thể thấy thái độ nghiêm túc, nỗ lực đáng ngưỡng mộ mà cả Trân lẫn Vy gửi gắm và truyền cảm hứng tới những ai còn đang e sợ bày tỏ quan điểm bằng tiếng Hàn trước đám đông.

◌ Hùng biện tiếng Hàn - thử thách và bí quyết chinh phục tốt nhất

Tham dự cuộc thi dựa trên 2 hạng mục khác nhau, Tường Vy và Bảo Trân đều tích cóp cho mình bí quyết chinh phục riêng biệt.

Tường Vy chia sẻ dưới vai trò trưởng nhóm rằng bài hùng biện đồng đội tốt cần phối hợp chặt chẽ tinh thần teamwork và điều phối nhịp nhàng ngữ điệu, tone giọng của từng thành viên sao cho hài hòa nhất (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Tường Vy chia sẻ dưới vai trò trưởng nhóm rằng bài hùng biện đồng đội tốt cần phối hợp chặt chẽ tinh thần teamwork và điều phối nhịp nhàng ngữ điệu, tone giọng của từng thành viên sao cho hài hòa nhất (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Tường Vy nói ở hạng mục đồng đội, muốn tạo nên một bài hùng biện hay trước hết cần liên kết tập thể, điều phối nhịp độ từng thành viên thật tốt. Vy nghĩ, đây cũng là tiêu chí đánh giá giúp Vy cùng các bạn khác trong team thực hiện thuận lợi bài hùng biện. Thử thách cam go mà team bạn phải đối mặt là đồng thanh đọc bởi khá khó để điều chỉnh tone giọng đều nhau. Vy chia sẻ thêm rằng còn một thử thách khác khiến team đau đầu là nhớ bài và động tác đi kèm. Trước áp lực đó, cả nhóm vẫn miệt mài luyện tập không ngừng nghỉ, vì vậy, các bạn đã nhận lại kết quả hết sức xứng đáng.

Về phần Bảo Trân, bạn cho rằng muốn bài hùng biện tiếng Hàn thuyết phục thì yếu tố cần thiết là chân thành chia sẻ suy nghĩ một cách thật lòng, để chạm tới xúc cảm của người nghe (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Về phần Bảo Trân, bạn cho rằng muốn bài hùng biện tiếng Hàn thuyết phục thì yếu tố cần thiết là chân thành chia sẻ suy nghĩ một cách thật lòng, để chạm tới xúc cảm của người nghe (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Đối với Bảo Trân, quan điểm về một bài hùng biện thuyết phục, có chiều sâu nên là một bài hùng biện thật lòng. Trân nhẹ nhàng bày tỏ: “Em không cố làm cho bài hoàn hảo, chỉ mong người nghe cảm được câu chuyện của mình”. Trân tiếp lời khi nói đến thử thách trong quá trình thi: “Khó khăn lớn nhất là vượt qua nỗi sợ - sợ nói sai, sợ không ai lắng nghe”. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm và sự cổ vũ từ bạn bè, thầy cô, Trân đã tìm thấy tự tin và trân trọng cơ hội quý giá khi gửi đơn đăng kí tham dự cuộc thi này.

Hùng biện tiếng Hàn - cơ hội khám phá và kết nối văn hóa đầy lôi cuốn

Mặc dù chọn lựa dự thi 2 hạng mục cùng chủ đề khác nhau, nhưng cả Vy và Trân đều hiểu rõ rằng đây là cơ hội giúp các bạn khám phá, học hỏi và kết nối những kiến thức văn hóa thú vị và rất đáng lưu giữ, phát huy.

Vy hứng khởi cho biết: “Chủ đề của nhóm em là ‘Sự liên kết của dòng họ Lý với lịch sử Hàn Quốc’ dưới sự giúp đỡ của cô Lim Da Jung. Từ đấy, em mới biết được thì ra Việt Nam và Hàn Quốc đã có sự liên kết lâu đến như vậy. Dòng họ Lý, cụ thể là Lý Long Tường - hoàng tử triều Lý của Việt Nam, sau khi sang Hàn Quốc đã trở thành một phần trong lịch sử Hàn Quốc. Ông từng có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ đất nước này khỏi các cuộc xâm lược, đồng thời hậu duệ của ông hiện nay vẫn sinh sống, phát triển, giữ gìn truyền thống ấy”. Vy bày tỏ nhờ tìm hiểu chủ đề hùng biện vừa nêu, bạn nhận ra ý nghĩa của việc “tiếp nối văn hóa”, cũng như cảm nhận sâu sắc sự gần gũi hơn khi học tiếng Hàn.

Cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025 đã mở ra cơ hội khám phá và kết nối văn hóa giữa 2 quốc gia Hàn - Việt, từ đó giúp Tường Vy và Bảo Trân tích cóp thêm nhiều tri thức bổ ích, phục vụ định hướng tương lai sắp tới với tiếng Hàn (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025 đã mở ra cơ hội khám phá và kết nối văn hóa giữa 2 quốc gia Hàn - Việt, từ đó giúp Tường Vy và Bảo Trân tích cóp thêm nhiều tri thức bổ ích, phục vụ định hướng tương lai sắp tới với tiếng Hàn (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Không xuôi dòng lịch sử liên kết giữa 2 quốc gia như nhóm của Vy, đề tài Bảo Trân chọn mang tên “Hallyu và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” lại thể hiện tính đương đại và sức lan tỏa của “làn sóng Hàn” mạnh mẽ như thế nào. Trân nhận định: “Em tin văn hóa có sức mạnh gắn kết con người vượt qua biên giới, thậm chí là cả xung đột. Trong quá trình học tiếng Hàn, em dần hiểu rằng Hallyu không chỉ là làn sóng văn hóa, mà còn là nhịp cầu kết nối, lan tỏa hy vọng về một tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chủ đề này giúp em thấy rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của việc học ngôn ngữ gắn liền với văn hóa và lịch sử”.

◌ Hùng biện tiếng Hàn - bồi đắp giá trị từ điều tốt đẹp

Thông qua cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, Vy và Trân đều cho rằng bản thân đã được bồi đắp thêm nhiều giá trị hữu ích. Trong khi Vy tự tin cùng quyết tâm “động lực cần đi đôi với nhiệt huyết”, thì Trân nhận ra điều quý giá nhất chính là sự kiên nhẫn - bởi có như vậy mới duy trì đam mê, kết nối con đường học tập tiếng Hàn lâu bền, chứ không chỉ đơn giản là hoàn thiện kĩ năng ngôn ngữ.

◌ Hùng biện tiếng Hàn - chắp cánh ước mơ xây dựng một Đồng Nai phát triển

Mang trên mình hành trang và đam mê tiếng Hàn, Tường Vy (cầm bảng, đeo kính ở giữa) mong muốn có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Hàn tại các trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhằm mục đích lan tỏa vẻ đẹp và những giá trị thiết thực đến những mầm non của tỉnh nhà (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Mang trên mình hành trang và đam mê tiếng Hàn, Tường Vy (cầm bảng, đeo kính ở giữa) mong muốn có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Hàn tại các trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhằm mục đích lan tỏa vẻ đẹp và những giá trị thiết thực đến những mầm non của tỉnh nhà (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Nhờ cơ hội tỏa sáng tại cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025, Tường Vy và Bảo Trân còn chia sẻ nhiều hơn về kế hoạch sau khi rời ghế nhà trường, đặc biệt là ứng dụng tiếng Hàn trong tình hình xã hội thực tế tại tỉnh Đồng Nai - nơi đang là tâm điểm chú ý của nhiều doanh nghiệp phía Hàn Quốc tìm tới để phát triển kinh tế, tạo điều kiện nâng cao tiềm lực địa phương.

Vy vui vẻ cho biết: “Trong bài Khóa luận tốt nghiệp em đang làm, em cũng nói rõ mình muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Hàn cho các trường cấp 3. Và Biên Hòa, Đồng Nai hiện dần bắt đầu cho tiếng Hàn vào chương trình dạy nên đấy chính là lý do khiến em cố gắng ạ”.

Đối với Bảo Trân (áo xanh bên trái), bạn hi vọng sau khi rời ghế nhà trường sẽ tiếp tục thử thách trong nhiều môi trường mang yếu tố Hàn thuộc phạm vi tỉnh Đồng Nai, đồng thời vận dụng khả năng tiếng Hàn bản thân Trân tích cóp được nhằm nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa của địa phương (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)

Đối với Bảo Trân (áo xanh bên trái), bạn hi vọng sau khi rời ghế nhà trường sẽ tiếp tục thử thách trong nhiều môi trường mang yếu tố Hàn thuộc phạm vi tỉnh Đồng Nai, đồng thời vận dụng khả năng tiếng Hàn bản thân Trân tích cóp được nhằm nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa của địa phương (Ảnh: Trang Facebook Ngành Hàn Quốc Học - ĐH Lạc Hồng)



Ngược lại, Trân bày tỏ nguyện vọng: “Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được làm việc trong môi trường có yếu tố Hàn - như các công ty FDI, trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoặc tham dự những chương trình giao lưu văn hóa. Em tin rằng nếu sử dụng tiếng Hàn đúng cách, không chỉ em mà nhiều bạn trẻ khác sẽ dễ dàng tìm được cơ hội nghề nghiệp tốt ngay ở địa phương”.

Từ câu chuyện phấn đấu và nỗ lực trong quá trình học và luyện nói tiếng Hàn của 2 sinh viên Đại học Lạc Hồng giành thành tích xuất sắc tại cuộc thi hùng biện tiếng Hàn K-Speech 2025 là Tường Vy và Bảo Trân, ta có thể thấy nhiều ý nghĩa thiết thực bên cạnh nhiệt huyết tranh tài ngôn ngữ. Để kết thúc bài viết, mình xin mượn lời của Bảo Trân nhắn nhủ đến bất kì ai còn đang băn khoăn khi theo đuổi tiếng Hàn rằng: “Hãy kiên trì, vì dù đi chậm cũng không sao, miễn là bạn không dừng lại. Biết đâu ngày nào đó, tiếng Hàn sẽ đưa bạn đến những cơ hội không ngờ tới, ngay trên lãnh thổ Việt Nam thân yêu”.

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.