Phóng viên danh dự

11.07.2025

Xem nội dung bằng ngôn ngữ khác
  • 한국어
  • English
  • 日本語
  • 中文
  • العربية
  • Español
  • Français
  • Deutsch
  • Pусский
  • Tiếng Việt
  • Indonesian
Phiên hội thảo thứ hai trong khuôn khổ chương trình dành cho đội ngũ phóng viên danh dự Korea.net năm 2025 đã diễn ra vào ngày 28/6. (Ảnh: Chụp màn hình trên phần mềm Zoom)

Phiên hội thảo thứ hai trong khuôn khổ chương trình dành cho đội ngũ phóng viên danh dự Korea.net năm 2025 đã diễn ra vào ngày 28/6. (Ảnh: Chụp màn hình trên phần mềm Zoom)



Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng

Sau thành công của phiên hội thảo đầu tiên, phiên hội thảo thứ hai trong chuỗi chương trình đào tạo báo chí Korea.net 2025 tiếp tục được tổ chức vào ngày 28/6 với chủ đề: “Mẹo nâng cao từ các phóng viên danh dự kỳ cựu”. Đây là dịp để các thành viên trong mạng lưới phóng viên danh dự Korea.net được trực tiếp lắng nghe, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ chính những người đi trước - những gương mặt đã có nhiều năm gắn bó với chương trình và để lại dấu ấn qua những bài viết nổi bật.

Không chỉ đơn thuần là những chia sẻ về kỹ năng, buổi hội thảo còn mở ra góc nhìn sâu sắc hơn về quá trình làm báo từ góc độ của người kể chuyện - những người mang hình ảnh Hàn Quốc đến với độc giả quốc tế thông qua các chủ đề du lịch, văn hóa, phỏng vấn nhân vật, hay câu chuyện cộng đồng người Hàn tại nước ngoài.

Đặc biệt, với phần hướng dẫn cách khai thác đề tài, đặt câu hỏi phỏng vấn, định dạng bài viết trên nền tảng HR Studio và cập nhật những chức năng mới nhất trên hệ thống, phiên hội thảo thứ hai đã cung cấp rất nhiều kiến thức thực tế, giúp đội ngũ phóng viên danh dự nâng cao tư duy biên tập và khả năng truyền tải thông tin một cách chuyên nghiệp và truyền cảm hứng hơn bao giờ hết.

Nội dung của phiên hội thảo thứ hai trong chuỗi hội thảo dành riêng cho đội ngũ phóng viên danh dự Korea.net 2025. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Nội dung của phiên hội thảo thứ hai trong chuỗi hội thảo dành riêng cho đội ngũ phóng viên danh dự Korea.net 2025. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Mở đầu buổi hội thảo, chị Kal Hong - quản lý chương trình mạng lưới phóng viên danh dự Korea.net đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các phóng viên danh dự vì đã dành thời gian tham dự sự kiện trực tuyến lần này. Chị bày tỏ niềm vui khi được gặp gỡ những gương mặt quen thuộc của mạng lưới phóng viên danh dự toàn cầu, đồng thời trân trọng giới thiệu ba vị khách mời đặc biệt tham gia chia sẻ trong buổi hội thảo: phóng viên danh dự Dayviana Díaz đến từ Cuba, phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas và Myrtle Iris Villaraza cùng đến từ Philippines.

Trong suốt hơn hai tiếng diễn ra chương trình, ba diễn giả, mỗi người với một phong cách và trải nghiệm khác nhau, đã mang đến những chia sẻ chân thực, truyền cảm hứng và đầy giá trị. Liệu bạn có đoán được những điều thú vị nào đã được chia sẻ trong phiên hội thảo lần này? Hãy cùng khám phá qua bài viết của phóng viên danh dự Korea.net dưới đây nhé!

Diễn giả 1: Phóng viên danh dự Dayviana Díaz đến từ Cuba

Những thông tin cơ bản về diễn giả Dayviana Díaz. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Những thông tin cơ bản về diễn giả Dayviana Díaz. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Dayviana Díaz là phóng viên danh dự đến từ Cuba, chuyên phụ trách các bài viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Từ khi gia nhập mạng lưới phóng viên danh dự vào năm 2020, cô đã đạt được một số thành tích ấn tượng như danh hiệu Phóng viên danh dự xuất sắc năm 2021 và Phóng viên đặc biệt năm 2023.

Tham gia phiên hội thảo lần này, cô đã mang đến phần chia sẻ xoay quanh chủ đề: “Làm thế nào để đăng bài viết lên HR Studio theo định dạng chuẩn nhất”, một nền tảng chính thức dành cho các phóng viên danh dự xuất bản bài viết của mình trên Korea.net.

Nếu nội dung được ví như “linh hồn” của một bài báo, thì cách trình bày và định dạng lại chính là “bộ mặt” thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh thần tôn trọng độc giả. Với kinh nghiệm nhiều năm cộng tác cùng Korea.net, Dayviana đã chia sẻ một lộ trình gồm 7 bước chi tiết, giúp các phóng viên danh dự, đặc biệt là những người còn lạ lẫm với nền tảng này, có thể dễ dàng làm chủ HR Studio và đảm bảo bài viết của mình đạt chuẩn cả về bố cục, định dạng và hình ảnh.

Lộ trình 7 bước giúp các phóng viên danh dự đăng bài viết lên HR Studio đúng chuẩn định dạng. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Lộ trình 7 bước giúp các phóng viên danh dự đăng bài viết lên HR Studio đúng chuẩn định dạng. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Mở đầu, cô nhấn mạnh tầm quan trọng của bố cục bài viết (article layout). Bố cục không đơn thuần là cách sắp xếp chữ và ảnh, mà là nghệ thuật tổ chức thông tin để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả và hấp dẫn. Một bài viết có bố cục hài hòa giúp người đọc dễ theo dõi, tiếp nhận thông tin và tăng khả năng được chọn đăng chính thức.

Tiếp theo, cô hướng dẫn người tham dự làm quen với hệ thống HR Studio - nền tảng trực tuyến để đăng tải bài viết, hình ảnh, video và tranh minh họa. Người viết cần biết cách sử dụng các mục như: “Article”, “Photo News”, “Video Clip” hay “Illustration & Toon” trong giao diện quản lý. Cô cung cấp hình ảnh dashboard minh họa, giúp người mới dễ hình dung từng bước thao tác.

HR Studio là nền tảng trực tuyến tiện ích, hỗ trợ đắc lực cho các phóng viên danh dự trong quá trình biên tập và xuất bản bài viết trên trang thông tin chính thức Korea.net. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

HR Studio là nền tảng trực tuyến tiện ích, hỗ trợ đắc lực cho các phóng viên danh dự trong quá trình biên tập và xuất bản bài viết trên trang thông tin chính thức Korea.net. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Bước thứ ba là cài đặt thông tin byline chính xác. “Byline” là phần ghi tên tác giả xuất hiện cùng bài viết. Người viết cần đảm bảo rằng tên trong hồ sơ cá nhân (My Profile) được cập nhật đầy đủ, đúng ngôn ngữ và định dạng. Đặc biệt, HR Studio cho phép người dùng thiết lập nhiều byline khác nhau tùy theo ngôn ngữ viết bài.

Một phần không kém quan trọng là sử dụng công cụ ngoài HR Studio để định dạng nội dung chuyên nghiệp hơn. Dayviana khuyên người viết nên chuẩn bị bản thảo trên Word hoặc Google Docs để dễ kiểm soát font chữ, màu sắc, căn chỉnh hình ảnh, kiểm tra chính tả, v.v... Trước khi sao chép nội dung sang HR Studio, ta có thể định hình bài viết hoàn chỉnh, từ đó tiết kiệm thời gian chỉnh sửa trên hệ thống.

Về mặt hình ảnh, cô nhấn mạnh việc chỉnh sửa và sử dụng ảnh đúng quy chuẩn. Ta có thể dùng Canva hoặc PowerPoint để tăng độ sáng, tương phản, tạo ảnh ghép. Trước khi chèn ảnh vào bài viết, ta cần resize (thay đổi kích thước): ảnh thumbnail cần chuẩn 800x500px; ảnh ngang 800px; ảnh dọc 500px. Hình ảnh phải rõ nét, truyền tải nội dung bài viết và quan trọng nhất - phải có chú thích rõ ràng và ghi nguồn cụ thể.

Sau đó là quy trình đăng tải bài viết. Cô hướng dẫn từng bước từ việc nhập tiêu đề, chèn ảnh, chọn byline, điền phần mô tả bài viết (Content Description dưới 500 ký tự), thêm thông tin đồng tác giả nếu có, đến chọn ngày đăng phù hợp. Đặc biệt, ta phải tick vào mục “I hereby...” - một cam kết rằng bạn có quyền sử dụng tất cả hình ảnh và nội dung video đi kèm.

Ở phần cuối buổi chia sẻ, Dayviana đưa ra một số lưu ý quan trọng trước khi đăng bài: luôn kiểm tra định dạng ảnh, tránh dùng ảnh mờ hoặc thiếu sáng, sử dụng công cụ resize để ảnh đồng nhất về kích thước, ghi rõ nguồn ảnh, và nên soạn thảo trước bằng trình xử lý văn bản để dễ kiểm soát bố cục và chính tả.

Một số mẹo cuối cùng vô cùng hữu hiệu dành cho các phóng viên danh dự trước khi hoàn tất bài viết của mình. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Một số mẹo cuối cùng vô cùng hữu hiệu dành cho các phóng viên danh dự trước khi hoàn tất bài viết của mình. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Diễn giả 2: Phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas đến từ Philippines

Những thông tin cơ bản về diễn giả Rosemarie Ann Cuevas (Ảnh: Korea.net/ Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Những thông tin cơ bản về diễn giả Rosemarie Ann Cuevas (Ảnh: Korea.net/ Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Tiếp nối chương trình, phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas đến từ Philippines đã mang đến phần chia sẻ thú vị xoay quanh cách viết bài về du lịch và sự kiện - một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm từ các phóng viên trẻ.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế khi cộng tác và xuất bản bài viết trên Korea.net, Rosemarie đã chia sẻ một loạt bí quyết giúp bài viết trở nên sinh động, cuốn hút và mang đậm dấu ấn cá nhân. Những nguyên tắc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nội dung mà còn giúp người viết gây ấn tượng với độc giả ngay từ những dòng đầu tiên.

Rosemarie Ann Cuevas đã liệt kê những ý chính khiến một bài viết về du lịch / sự kiện trở nên nổi bật. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Rosemarie Ann Cuevas đã liệt kê những ý chính khiến một bài viết về du lịch / sự kiện trở nên nổi bật. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Mở đầu phần chia sẻ, Rosemarie nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa dữ kiện khách quan và cảm nhận cá nhân. Một bài viết hay không chỉ đơn thuần liệt kê sự kiện theo thời gian mà cần lồng ghép những suy nghĩ, phản ứng và cảm xúc thật từ người viết. Ví dụ, khi viết về Hanbok Expo, cô không chỉ ghi rõ thời gian, địa điểm mà còn thể hiện sự ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp giao thoa giữa truyền thống và hiện đại của Hanbok - điều khiến trải nghiệm của cô trở nên đáng nhớ và ý nghĩa hơn.

Tiếp theo là nguyên tắc cung cấp thông tin chính xác và hữu ích, bao gồm: thời gian diễn ra, địa điểm cụ thể, đơn vị tổ chức, quy mô sự kiện và bối cảnh văn hóa hoặc lịch sử liên quan. Cô nhấn mạnh rằng, độc giả không chỉ cần biết “chuyện gì xảy ra” mà còn cần hiểu “vì sao sự kiện đó quan trọng”, từ đó làm tăng tính giá trị và chiều sâu cho nội dung bài viết.

Một yếu tố then chốt nữa là việc chia sẻ suy ngẫm và cảm nhận cá nhân một cách chân thật. Thay vì chỉ tường thuật lại các hoạt động, người viết nên tự đặt câu hỏi: Điều gì khiến mình bất ngờ? Điều gì kết nối với sở thích hoặc trải nghiệm cá nhân? Và cảm xúc để lại sau sự kiện là gì? Theo Rosemarie, chính những chi tiết nhỏ như tự tay làm đồ thủ công hay tương tác trực tiếp với văn hóa bản địa sẽ mang đến chất liệu cảm xúc độc đáo cho bài viết.

Đối với Rosemarie, việc đặt câu hỏi cho chính mình trong quá trình viết bài về du lịch hoặc sự kiện chính là cách để khai thác cảm xúc sâu sắc và tạo nên chất liệu nội dung độc đáo hơn. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Đối với Rosemarie, việc đặt câu hỏi cho chính mình trong quá trình viết bài về du lịch hoặc sự kiện chính là cách để khai thác cảm xúc sâu sắc và tạo nên chất liệu nội dung độc đáo hơn. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Song song với đó, cô cũng lưu ý người viết cần tránh các lối diễn đạt sáo rỗng hoặc quá đơn điệu như nhật ký cá nhân. Những cụm từ như “rất đẹp”, “đáng xem” mà không có lý do cụ thể sẽ khiến bài viết mất sức thuyết phục. Tương tự, liệt kê hành trình theo kiểu “đến đây, rồi đến kia” sẽ khiến nội dung trở nên rời rạc và thiếu điểm nhấn. Theo góc nhìn của cô, một bài viết tốt phải có câu chuyện và lý do để kể.

Đặc biệt, nghệ thuật kể chuyện (Storytelling) được Rosemarie coi là chìa khóa để “thổi hồn” cho bài viết. Thay vì dừng lại ở mức miêu tả, người viết nên dẫn dắt người đọc đi qua cảm xúc, từ bất ngờ, tò mò cho đến thích thú hay xúc động. Bên cạnh đó, không thể thiếu là yếu tố hình ảnh minh họa, được xem là một phần trong câu chuyện. Rosemarie nhấn mạnh: ảnh không chỉ để “trang trí” mà cần bổ trợ cho nội dung, phản ánh đúng thông điệp bài viết. Ảnh cần có bố cục tốt, rõ nét, có caption giải thích ai đang làm gì, ở đâu và tại sao lại quan trọng. Cô cũng lưu ý rằng, nên tránh dùng ảnh selfie hoặc ảnh không liên quan vì sẽ làm loãng mạch cảm xúc.

Và cuối cùng, Rosemarie chia sẻ một số mẹo từ chính trải nghiệm cá nhân: hãy đi sâu vào khía cạnh con người trong sự kiện, sử dụng trích dẫn trực tiếp từ nhân vật thật, thể hiện cảm xúc rõ nét và luôn khép lại bài viết bằng suy ngẫm cá nhân. Cô cũng không quên dặn dò các phóng viên danh dự luôn mang theo thẻ tác nghiệp, bởi bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện một câu chuyện đáng được kể.

Một vài mẹo hữu ích từ trải nghiệm cá nhân đã được Rosemarie chia sẻ cùng các phóng viên danh dự trong phiên hội thảo thứ hai. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Một vài mẹo hữu ích từ trải nghiệm cá nhân đã được Rosemarie chia sẻ cùng các phóng viên danh dự trong phiên hội thảo thứ hai. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Diễn giả 3: Phóng viên danh dự Myrtle Iris Villaraza đến từ Philippines

Những thông tin cơ bản về diễn giả Myrtle Iris Villaraza. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Những thông tin cơ bản về diễn giả Myrtle Iris Villaraza. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Sau phần chia sẻ về cách đăng bài đúng định dạng trên HR Studio từ Dayviana Díaz và kinh nghiệm viết bài du lịch/sự kiện từ Rosemarie Ann Cuevas, chương trình tiếp tục với những góc nhìn chuyên sâu đến từ Myrtle Villaraza - phóng viên danh dự kỳ cựu đến từ Philippines.

Đáng chú ý, để viết một bài phỏng vấn chuyên sâu và có giá trị thông tin, Myrtle đã giới thiệu một lộ trình gồm tám bước rõ ràng - từ khâu tìm đề tài, chuẩn bị phỏng vấn, ghi chép, biên tập, cho đến hoàn thiện bài viết và duy trì mối quan hệ với nhân vật. Quy trình này không chỉ giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp mà còn giúp các phóng viên tạo ra những bài viết nổi bật, giàu chiều sâu trên nền tảng Korea.net.

Myrtle Villaraza đã chia sẻ lộ trình viết bài phỏng vấn hiệu quả gồm 8 bước. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Myrtle Villaraza đã chia sẻ lộ trình viết bài phỏng vấn hiệu quả gồm 8 bước. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Bước đầu tiên là tìm một góc nhìn mới lạ và lựa chọn nhân vật phù hợp. Myrtle khuyến khích các phóng viên không nên chọn người phỏng vấn chỉ vì họ nổi tiếng hay có gốc Hàn Quốc. Thay vào đó, tiêu chí quan trọng là nhân vật ấy phải có sự liên kết rõ ràng với văn hóa Hàn Quốc hoặc đang đóng góp tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra quốc tế. Một lý do chọn đề tài hoặc nhân vật cần được trình bày rõ ràng trong bài để tăng tính thuyết phục.

Tiếp theo là cách tiếp cận nhân vật phỏng vấn. Myrtle gợi ý nên tìm thông tin liên hệ qua website chính thức hoặc mạng xã hội như Instagram, Facebook. Trong trường hợp đối tượng thuộc tổ chức lớn, người viết cần liên hệ qua bộ phận truyền thông. Email xin phỏng vấn cần được viết lịch sự, chuyên nghiệp, giới thiệu rõ vai trò phóng viên danh dự và dẫn link bài viết đã xuất bản nếu có. Một hình ảnh chỉn chu và uy tín sẽ tạo ấn tượng tích cực ngay từ đầu.

Sau khi có được sự đồng ý, người viết cần lựa chọn hình thức phỏng vấn phù hợp. Myrtle liệt kê 5 hình thức phổ biến: trực tiếp, gọi video, gọi điện, qua email hoặc tin nhắn mạng xã hội. Dù phỏng vấn trực tiếp được khuyến khích, nhưng yếu tố then chốt vẫn là chất lượng nội dung. Việc cân nhắc múi giờ, rào cản ngôn ngữ hay sự linh hoạt về thời gian là cần thiết để lựa chọn phương thức hiệu quả nhất.

Để lựa chọn được hình thức phỏng vấn phù hợp và hiệu quả, phóng viên cần cân nhắc đến các yếu tố như múi giờ, rào cản ngôn ngữ và sự linh hoạt về mặt thời gian của cả hai bên. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Để lựa chọn được hình thức phỏng vấn phù hợp và hiệu quả, phóng viên cần cân nhắc đến các yếu tố như múi giờ, rào cản ngôn ngữ và sự linh hoạt về mặt thời gian của cả hai bên. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Đến bước thứ tư, Myrtle nhấn mạnh vào việc chuẩn bị câu hỏi thật kỹ lưỡng. Cô cảnh báo người viết nên tránh những câu hỏi sáo rỗng, trùng lặp như “Tại sao bạn chọn nghề này?” mà thay vào đó là những câu hỏi cụ thể, liên quan đến nghiên cứu về nhân vật. Những câu hỏi càng mang tính cá nhân và đi vào chiều sâu nghề nghiệp của nhân vật thì càng cho ra câu trả lời đặc sắc. Đặt mình vào vị trí độc giả là một cách tốt để chọn lọc nội dung phù hợp.

Một khía cạnh quan trọng khác là xây dựng sự tin tưởng và chuyên nghiệp trong suốt quá trình phỏng vấn. Myrtle nhấn mạnh việc tôn trọng những điều nhân vật không muốn chia sẻ, tránh gây áp lực hoặc khiến họ cảm thấy không thoải mái. Từ đó, không chỉ tạo nên cuộc phỏng vấn suôn sẻ mà còn góp phần xây dựng uy tín cho phóng viên.

Sau khi có nội dung, người viết bước vào giai đoạn hoàn thiện bài phỏng vấn. Có hai cách trình bày phổ biến: dạng bài tường thuật (narrative / essay) và dạng Hỏi - Đáp (Q&A). Nếu bài viết cần giới thiệu sự kiện hoặc nhân vật với bối cảnh phức tạp, dạng tường thuật sẽ hiệu quả hơn, giúp dẫn dắt người đọc và lồng ghép trích dẫn một cách tự nhiên. Ngược lại, nếu nội dung tập trung vào các câu trả lời cụ thể, thì dạng Q&A giúp thể hiện rõ quan điểm người được phỏng vấn. Myrtle lưu ý cần ghi rõ thời gian, địa điểm phỏng vấn và xác minh thông tin, đồng thời tránh xuyên tạc hay hiểu sai ý người trả lời, nhất là khi sử dụng công cụ dịch thuật.

Một bước rất đáng chú ý mà nhiều người thường bỏ qua là duy trì mối quan hệ sau phỏng vấn. Myrtle khuyến khích gửi đường link bài viết kèm lời cảm ơn tới nhân vật, chúc mừng họ trong các dịp đặc biệt và duy trì kết nối để mở ra cơ hội cộng tác trong tương lai. Đây cũng là cách mở rộng mạng lưới giữa phóng viên và nhân vật một cách tự nhiên và hiệu quả.

Duy trì mối quan hệ sau buổi phỏng vấn là một trong những bước cực kỳ quan trọng khi tiến hành viết bài phỏng vấn đăng tải trên Korea.net. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)

Duy trì mối quan hệ sau buổi phỏng vấn là một trong những bước cực kỳ quan trọng khi tiến hành viết bài phỏng vấn đăng tải trên Korea.net. (Ảnh: Korea.net, Biên dịch: Hoàng Xuân Tùng)



Cuối cùng, trong phần mẹo bổ sung, Myrtle đưa ra nhiều lời khuyên thực tế: nên gửi bài đúng thời điểm (trước hoặc ngay sau sự kiện), đọc kỹ các bài phỏng vấn mẫu để học hỏi phong cách Korea.net, sử dụng máy ghi âm có sự cho phép khi phỏng vấn trực tiếp, và luôn kiểm tra đạo văn, ngữ pháp, định dạng bài trước khi đăng. Đặc biệt, cô nhấn mạnh rằng sự tò mò và chân thành trong việc lựa chọn nhân vật chính là động lực mạnh mẽ giúp người viết chạm đến những câu chuyện thực sự giá trị.

Cảm nhận của các phóng viên danh dự Korea.net trên toàn thế giới về phiên hội thảo

Trong phiên hội thảo lần thứ hai, phóng viên danh dự Korea.net đã tiếp tục có dịp giao lưu, học hỏi và lắng nghe cảm nhận từ một số phóng viên danh dự Korea.net trên toàn thế giới đã tham gia trực tiếp phiên hội thảo lần này.

Đầu tiên là phóng viên danh dự Stephanny Sophia Moralé González đến từ Colombia - một thành viên mới của đại gia đình Korea.net trong năm nay. Lần đầu tiên tham gia workshop với vai trò phóng viên danh dự, Stephanny cho biết: “Tôi thật sự rất thích phiên thứ hai của workshop. Thông qua đó, tôi học được nhiều điều mới mẻ, gặp được những người bạn mới và kết nối qua Instagram nữa”.

Tuy nhiên, Stephanny cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn rất thật mà cô gặp phải. “Thú thật, tôi đã hơi nản trong buổi học vì ở Colombia lúc đó đã là 1 giờ sáng, và tôi bắt đầu bị cơn buồn ngủ ‘đánh gục’. Nhưng nhìn lại, tôi vẫn cảm thấy xứng đáng khi dành ra thời gian để theo dõi phiên hội thảo ngày hôm ấy” - Stephanny chia sẻ.

Phóng viên danh dự Stephanny Sophia Moralé González đến từ Colombia bày tỏ sự hài lòng với phiên hội thảo thứ hai, nơi cô không chỉ có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn kết nối với những người bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: Stephanny Sophia Moralé González)

Phóng viên danh dự Stephanny Sophia Moralé González đến từ Colombia bày tỏ sự hài lòng với phiên hội thảo thứ hai, nơi cô không chỉ có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn kết nối với những người bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh: Stephanny Sophia Moralé González)



Tiếp theo, cũng là một thành viên mới gia nhập đại gia đình Korea.net năm nay là phóng viên danh dự Khyati Negi đến từ Ấn Độ. Khyati cho biết: “Tôi rất háo hức chờ đợi buổi học này, và đúng như kỳ vọng, workshop thực sự rất bổ ích”. Cô ấn tượng với cách chương trình được chia thành ba phần rõ ràng: phần đầu hướng dẫn chi tiết cách đăng bài lên HR Studio một cách chuẩn chỉnh và hiệu quả; phần hai tập trung vào bí quyết tạo nên một bài viết du lịch hoặc sự kiện nổi bật; và phần ba là hướng dẫn cách viết bài phỏng vấn sao cho hấp dẫn, chỉn chu.

Ở cuối mỗi phần, các diễn giả đều dành thời gian trả lời câu hỏi, giúp giải đáp thắc mắc và làm rõ những nội dung mà các phóng viên còn băn khoăn. “Tôi thực sự biết ơn các anh chị phóng viên kỳ cựu đã dành thời gian chuẩn bị bài giảng. Dù bận rộn, họ vẫn rất nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế quý báu với chúng tôi,” Khyati nói thêm. Và cuối cùng, Khyati bày tỏ rằng: “Tôi đã rất thích workshop lần này và thật sự mong chờ những buổi tiếp theo trong tương lai gần”.

Phóng viên danh dự Khyati Negi bày tỏ lòng biết ơn tới các anh chị phóng viên kỳ cựu vì đã dành thời gian chuẩn bị nội dung chu đáo, góp phần mang đến một buổi hội thảo chất lượng và bổ ích. (Ảnh: Khyati Negi)

Phóng viên danh dự Khyati Negi bày tỏ lòng biết ơn tới các anh chị phóng viên kỳ cựu vì đã dành thời gian chuẩn bị nội dung chu đáo, góp phần mang đến một buổi hội thảo chất lượng và bổ ích. (Ảnh: Khyati Negi)



Đáng chú ý, phóng viên danh dự Andrea Estefania Quiroz đến từ Ecuador - một đại diện đến từ Nam Mỹ với tinh thần học hỏi và quyết tâm cao, đã chia sẻ rằng cô đã vô cùng háo hức và tò mò trước thềm phiên hội thảo thứ hai, bởi các chủ đề lần này đều rất thiết thực đối với việc viết bài. “Tôi kỳ vọng rất nhiều, nhất là về phần hướng dẫn cách thực hiện một bài phỏng vấn hiệu quả. Là một kỹ sư công nghiệp, tôi không có nền tảng báo chí, nên tôi xem đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi một kỹ năng hoàn toàn mới”, cô Andrea bày tỏ.

Với Andrea, phần chia sẻ từ ba phóng viên danh dự kỳ cựu trong vai trò diễn giả thực sự đã mang lại giá trị lớn. Không chỉ truyền đạt nội dung một cách rõ ràng, họ còn khéo léo chạm đến những vấn đề cốt lõi, đặc biệt hữu ích cho các thành viên mới như cô. Andrea cũng đặc biệt đánh giá cao cách trình bày của các diễn giả: “Dù khả năng tiếng Anh của tôi còn hạn chế, nhưng họ đã diễn đạt rất dễ hiểu và thân thiện, khiến tôi có thể tiếp thu được phần lớn nội dung”.

Sau buổi hội thảo, Andrea cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng áp dụng những gì vừa học vào các bài viết sắp tới, đặc biệt là những bài viết phỏng vấn mà cô đang lên kế hoạch thực hiện.

Andrea Estefania Quiroz chia sẻ rằng cô ấn tượng nhất với phần hướng dẫn về cách thực hiện một bài phỏng vấn hiệu quả do diễn giả Myrtle Iris Villaraza trình bày. (Ảnh: Andrea Estefania Quiroz)

Andrea Estefania Quiroz chia sẻ rằng cô ấn tượng nhất với phần hướng dẫn về cách thực hiện một bài phỏng vấn hiệu quả do diễn giả Myrtle Iris Villaraza trình bày. (Ảnh: Andrea Estefania Quiroz)



Đặc biệt, một trong những gương mặt để lại nhiều ấn tượng với mình là phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas đến từ Philippines, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Chia sẻ với sự chân thành, Rosemarie kể lại khoảnh khắc đầy hồi hộp trước khi bắt đầu phần trình bày của mình: “Tim mình đập thình thịch và cứ lo sẽ làm sai điều gì đó. Nhưng rồi mình tự nhủ rằng, đây không phải là một bài kiểm tra, mà là cơ hội để kể câu chuyện của chính mình”. Khi bắt đầu cất tiếng nói, sự lo lắng dần tan biến, nhường chỗ cho niềm vui và cảm giác tự tin.

Dù chỉ mới bước sang năm thứ hai với vai trò phóng viên danh dự và tự nhận mình chưa phải là người có nhiều kinh nghiệm, việc được chọn để phát biểu trước toàn thể hội thảo đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho Rosemarie. Cô bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thành viên trong đội ngũ Korea.net vì đã tận tình hướng dẫn, giúp cô chỉnh sửa nội dung và nâng cao chất lượng bài trình bày.

Rosemarie cũng không quên chia sẻ một mẹo nhỏ nhưng hữu ích với các phóng viên đồng nghiệp: luôn mang theo thẻ phóng viên danh dự. “Bạn sẽ không biết khi nào mình bắt gặp một sự kiện, một cơ hội phỏng vấn, hay một khung cảnh đẹp đáng để đưa tin. Có thẻ bên mình sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận ban tổ chức và tạo dựng uy tín như một phóng viên chính thức”, cô nhấn mạnh.

Bằng sự chân thành và tinh thần cầu thị, Rosemarie đã lan toả năng lượng tích cực đến những người tham dự hội thảo. Hành trình của cô từ những phút bối rối ban đầu đến sự trưởng thành trong kỹ năng và bản lĩnh là minh chứng sống động cho sự phát triển mà chương trình phóng viên danh dự Korea.net mang lại cho mỗi cá nhân.

Phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas cảm thấy hạnh phúc khi được góp mặt trong phiên hội thảo lần thứ hai với vai trò diễn giả. (Ảnh: Rosemarie Ann Cuevas)

Phóng viên danh dự Rosemarie Ann Cuevas cảm thấy hạnh phúc khi được góp mặt trong phiên hội thảo lần thứ hai với vai trò diễn giả. (Ảnh: Rosemarie Ann Cuevas)



Về phần mình, nếu như ở phiên hội thảo đầu tiên mình có cơ hội học hỏi những kiến thức nền tảng từ diễn giả Chang Jaewoong - người giúp mình củng cố kỹ năng viết báo cơ bản qua các nguyên tắc như 6W1H và thực hành trực tiếp, thì ở phiên hội thảo thứ hai, mình lại được tiếp cận với nội dung chuyên sâu, thực tiễn và phong phú hơn.

Phiên đầu tiên giống như một “lớp học nhập môn” giúp mình nắm chắc kỹ năng cốt lõi, còn phiên thứ hai thì mở ra góc nhìn rộng hơn về cách triển khai các thể loại bài viết cụ thể như bài phỏng vấn, bài du lịch/sự kiện và cách xuất bản bài hiệu quả trên hệ thống HR Studio. Cả hai phiên đều bổ trợ cho nhau, tạo nên một hành trình học tập trọn vẹn và rất sát với nhu cầu thực tế của phóng viên danh dự hiện nay. Mình thật sự biết ơn ban tổ chức cùng ba diễn giả của phiên thứ hai vì đã mang đến một không gian học tập chuyên nghiệp, gần gũi và đầy cảm hứng. Chắc chắn rằng ở phiên hội thảo cuối cùng sắp tới trong chuỗi hội thảo báo chí Korea.net 2025 sẽ còn nhiều điều thú vị nữa đang chờ mình và các bạn phóng viên danh dự khác khám phá!

Phiên hội thảo lần thứ hai đã mang đến cho phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng cơ hội tiếp thu kiến thức toàn diện về cách sử dụng hiệu quả hệ thống HR Studio, đồng thời nâng cao kỹ năng xử lý một số thể loại bài viết dành cho Korea.net. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)

Phiên hội thảo lần thứ hai đã mang đến cho phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng cơ hội tiếp thu kiến thức toàn diện về cách sử dụng hiệu quả hệ thống HR Studio, đồng thời nâng cao kỹ năng xử lý một số thể loại bài viết dành cho Korea.net. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)



Tổng kết


Vậy là phiên hội thảo thứ hai trong chuỗi chương trình nâng cao nghiệp vụ báo chí dành cho đội ngũ phóng viên danh dự Korea.net 2025 đã chính thức khép lại, đánh dấu thêm một chặng hành trình học tập đầy cảm hứng và thực tiễn dành cho những người tham gia. Thông qua những chia sẻ thực tế từ các diễn giả, các phóng viên không chỉ trau dồi kỹ năng viết báo chuyên sâu, mà còn hiểu rõ hơn về quy trình xuất bản bài viết, cách xây dựng hình ảnh cá nhân và kết nối hiệu quả với độc giả toàn cầu.

Tính đến nay, chuỗi hội thảo Korea.net 2025 đã đi được hai phần ba chặng đường. Đừng bỏ lỡ phiên hội thảo cuối cùng, dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tới và hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến nhiều kiến thức và trải nghiệm đáng quý!

hrhr@korea.kr

* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.