Có một người Tây phương đã trực tiếp trải nghiệm sự biến đổi lớn lao của xã hội Hàn Quốc, từ khi toàn đất nước rung chuyển bởi bom đạn chiến tranh những năm 1950 cho tới ngày nay, khi thu nhập quốc dân vượt 25.000 USD. Nhân vật đó chính là Mcglinchey - vị linh mục người Ai-len đã yêu mến và ấp ủ tấm lòng với người dân Hàn Quốc kể từ lần đầu ông đặt chân lên mảnh đất này. Từ khi được bổ nhiệm công việc ở đảo Jeju năm 1954, ông đã sống gần 60 năm tại đây. Ông lấy tên thánh Mcglinchey và dùng chữ đầu trong tên mình là Patrick James để làm tên tiếng Hàn là 'Im Pi Je' và cùng trải qua cuộc sống buồn vui sướng khổ ở Jeju.
Trang trại Thánh Isidore nằm ở thôn Hallim, thành phố Jeju. Trên diện tích 160 nghìn m2, thảo nguyên hiện đang chăn nuôi khoảng 900 bò sữa, 350 bò thịt và 100 ngựa đua. Đây được coi là nơi bắt nguồn cho ngành nông nghiệp bò sữa ở Jeju.
Khi người thanh niên Ai-len 25 tuổi đặt chân đến Jeju, nơi đó chỉ là một vùng hoang hóa với cư dân đang khổ sở trong cảnh nghèo khổ tận cùng. Bước đầu cho công tác đẩy lùi đói nghèo là việc ông bắt tay vào việc khai khẩn những vùng đất hoang ở làng Geumak, xã Hallim.Trang trại Thánh Isidore bắt đầu từ đây. Ông dạy cho người nông dân phương pháp cải tạo đất đồng cỏ, chăn nuôi gia súc... và giúp đỡ để họ có thể tự lập. Bằng việc hướng dẫn người nông dân khai khẩn đất hoang, tạo nên những đồng cỏ chăn nuôi và áp dụng ngành nông nghiệp chăn nuôi lấy thịt-sữa, ông đã tạo dựng nền móng để nền nông nghiệp địa phương có thể tự phát triển. Ngoài ra, ông cũng tổ chức câu lạc bộ 4H, xây dựng tổ chức hợp tác tín dụng đầu tiên ở Jeju.
Linh mục Im Pi Je đã cùng trải qua sướng khổ với người dân Jeju trong gần 60 sau khi được bổ nhiệm năm 1954
Giờ đây, với linh mục Im, đảo Jeju đã trở thành quê hương thân thương còn hơn cố quốc Ai-len. Chúng tôi đã được nghe ông chia sẻ về cuộc sống 60 năm trên đảo Jeju, những hành trình ông đã trải qua từ khi đặt chân lần đầu tiên lên mảnh đất Hàn Quốc cho đến nay.
- Hoàn cảnh mà ông đến đảo Jeju, nơi nằm ở cực Nam của một đất nước đang hỗn loạn vì chiến tranh là gì?"Tháng 12 năm 1951, tôi nhận được quyết định cử đi Hàn Quốc sau khi được thụ phong linh mục. Khi đó Hàn Quốc còn đang trong chiến tranh. Những tin tức về Hàn Quốc mà tôi nghe được qua đài báo chỉ toàn là nội dung mỗi ngày có bao nhiêu người chết. Tôi đã sợ hãi nghĩ rằng: chắc chỉ một tháng thôi rồi mình cũng chết".
Hình ảnh người thanh niên Ai-len 25 tuổi Mcglinchey khi lần đầu tiên đặt chân đến đất Hàn Quốc
Ông phải trải qua một hành trình dài để đến Hàn Quốc. Từ Ai-len qua New York, từ New York qua Sanfrancisco, rồi kinh qua Yokohama Nhật Bản trước khi cập cảng Busan ngày 11 tháng 4 năm 1953. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh đất nước Hàn Quốc vừa trải qua cuộc chiến tranh.
"Cả nước hỗn loạn vì người đi lánh nạn. Khi thấy người nước ngoài, lũ trẻ chạy theo, với tay cầu xin. Đường phố đầy những người lang thang tìm việc và những ngôi nhà xiêu vẹo dựng bằng rơm, gỗ ván san sát nhau."
Một năm sau đó, tháng 4 năm 1954, linh mục Im được cử đi đảo Jeju. Đó thực là một ngôi làng hoang vắng. Không có nhà thờ hay chức sắc tôn giáo nào. Số tín đồ cũng chỉ vỏn vẹn 25 người.
Khi mới đến Jeju, linh mục Im đã cảm thấy sự bình an ở những ngôi làng nhỏ, có nhiều nét giống với quê hương ông. Những nét tương đồng là đảo nhiều gió, nhiều đá và cả cách dựng nhà tranh. Những phong tục như tang ma, cưới hỏi cũng không khác biệt nhiều. Tuy nhiên có một điểm khác, đó là ngành chăn nuôi ở Jeju quá yếu ớt nếu so với Ai-len. Ông đã không kìm nén nổi sự kinh ngạc khi nhìn thấy biểu tượng của đảo Jeju, 'Những con lợn phân' được nuôi ở nhà vệ sinh. Từ nhỏ, linh mục Im đã sống ở nông thôn và quen với việc chăn nuôi gia súc như bò, lợn.... Bởi vậy, ông bắt đầu nuôi giấc mơ có thể giúp người dân địa phương được no ấm bằng ngành chăn nuôi.
Thử thách trên miền đất lạ, thất bại nối tiếp thất bại Linh mục Im bắt đầu thuyết phục người dân trên đảo song việc này không hề dễ dàng. "Dù tôi có nói cách nào đi nữa, các cụ ông cũng phản đối quyết liệt. Suốt 5 năm liền, tôi chắc nghe thấy nhiều nhất là câu "Không được". Họ lặp đi lặp lại rằng người Nhật cũng đã thử và đã thất bại, và nói chắc như đinh đóng cột là không được."
Linh mục Im chọn phương án khác và bắt đầu hoạt động của câu lạc bộ 4H với các bạn thanh thiếu niên tuổi từ 16~20. 4H là một phong trào thức tỉnh thanh thiếu niên quốc tế, được ghép bằng những chữ cái đầu của 4 từ là Cái đầu(Head), Trái tim (Heart), Sức khỏe(Health) và Đôi tay(Hands). Linh mục quyết tâm giáo dục phương pháp để có thể tự lập về kinh tế cho những người trẻ tuổi. Các hình thức phân phối miễn phí lợn hay gà con qua Ngân hàng gia súc cũng được thực hiện song vì quy mô nhỏ nên những người lớn tuổi khó có thể hiểu được.
- Phong trào 4H đã được triển khai như thế nào?"Sau nhiều thất bại và cân nhắc, cuối cùng tôi quyết tâm phải nuôi lợn ở trên núi và chuyển đến thôn Geum Ak. Tôi đã nghĩ rằng, chỉ cần khai khẩn được vùng đất đồi ở núi Halla thì có thể tạo ra những đồng cỏ lớn và tiến hành việc chăn nuôi gia súc. Tôi cũng dùng gỗ ván và bao tải lợp lên trại quân Nhật từng đóng quân và đưa lợn vào đó."
Tháng 11 năm 1961, tấm biển 'Trang trại thực nghiệm trung ương Thánh Isidore' được gắn lên. Tên gọi này lấy theo tên một vị Thánh trong Thiên Chúa Giáo là Isidore, người xuất thân là nông dân, sống ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 12.
Linh mục Mcglinchey (ở giữa) đến thăm Houston Texas để vận động quyên góp
Hình ảnh chăn nuôi cừu ở trang trại Isidore những năm 70
Phong trào 4H là khởi đầu cho việc xây dựng nông trường Isidore tại thôn Geum Ak. Sau này, nông trường Isidore được đánh giá là hạt giống cho việc phát triển ngành nông nghiệp chăn nuôi lấy thịt và lấy sữa ở đảo Jeju.
- Có duyên cớ đặc biệt nào khiến ông vừa truyền giáo vừa điều hành nông trường Isidore không? "Tôi muốn bày tỏ tình yêu Chúa của mình, không phải bằng lời nói mà là hành động. Tôi tin rằng giúp đỡ những người lân cận đang gặp cảnh khó khăn mới thực sự là thực hiện tình yêu thương. Vì lúc đó vấn đề cấp bách nhất với người dân là cái ăn, là phương pháp để có thể sinh tồn chứ không phải truyền giáo.
- Trong nông trường Isidore không chỉ có trang trại mà cả viện dưỡng lão, nhà thờ, tu viện, nhà trẻ, bệnh viện nữa. Rõ ràng phải cần rất nhiều tâm huyết và nỗ lực để có thể điều hành tất cả. Vậy lý do nào khiến ông gắn bó với công việc này như vậy?"Tôi có lòng tin rằng tất cả mọi thứ đều đã được Chúa định sẵn. Hồi đầu tôi cùng các hội viên câu lạc bộ 4H lên vùng núi này mở trang trại thử nghiệm, chúng tôi cũng dựng một văn phòng nhỏ. Vừa hay có một cụ bà sống một mình đang gần chết đói. Chúng tôi đã dành một gian trong văn phòng để bà sinh sống. Đó là khởi đầu của viện dưỡng lão."
- - Ông cũng từng kinh nghiệm thất bại nhiều như số dự án đang điều hành. Có khi nào ông muốn bỏ cuộc không? "Hiển nhiên có nhiều lúc khó khăn. Do phán đoán sai, do thiếu hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc, hay bị những người mình tin tưởng phản bội... Thế nhưng tôi chưa từng có suy nghĩ muốn bỏ cuộc. Vì tôi tin rằng mọi việc mình đang làm không phải là kế hoạch của cá nhân tôi mà là kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Thêm nữa, tôi cũng rất cảm động trước sự hy sinh của các hội viên 4H, những người đã cùng sinh tử, sướng khổ với tôi. Nếu không có họ, tôi không thể làm gì được. Họ lúc nào cũng tràn đầy hy vọng. Dù làm việc quần quật từ sáng đến đêm, họ cũng không một lời phàn nàn. Họ luôn an ủi lẫn nhau, vui mừng khi cùng làm việc, cùng sinh hoạt và hợp tác. Họ sống nhiệt thành một cách kì lạ, với tấm lòng ngay thẳng. Phần đông bọn họ đã dâng cuộc đời mình cho sự phát triển của Isidore. Tôi hết sức biết ơn họ. Làm sao tôi có thể từ bỏ khi được cùng làm việc với những con người như vậy?"
Tuy nhiên, những nỗ lực của ông để người dân đảo có thể tự lập về kinh tế không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những cơ sở phúc lợi. Vì không có một cơ quan tín dụng chuẩn mực nên đương nhiên người dân phải vay nợ. Bởi vậy, ông đã lập nên quỹ tín dụng hợp tác đầu tiên ở Jeju. Ngoài ra, ông cũng tiến hành dự án dệt sợi dùng lông cừu để tạo cơ hội cho phụ nữa địa phương không tìm được việc làm phải rời bỏ quê hương. Ông đã mời chuyên gia về ngành dệt ở Ai-len đến để dạy kĩ thuật cho phụ nữ Jeju và sản xuất ra sản phẩm sợi chất lượng tốt. Đó là câu chuyện về 'nghề dệt ở Hallim", trong một lúc tạo ra việc làm cho gần 1300
Công nhân dệt Hallim đang làm áo từ lông cừu
- Nghe nói có nhiều người nhận được lợi ích từ đó và đã rất cảm động. Có người nào đọng lại trong trí nhớ ông không?"Dù đã lâu rồi song những người tôi nhớ nhất là các hội viên 4H. Đặc biệt, tôi nhớ đến đại diện Sin Bu Sam (73) đang điều hành hai trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất ở Jeju. Đại diện Sin phải bỏ dở việc học hành do gia cảnh khó khăn và lăn lội trong trường đời từ những năm học trung học. Sau này, ông được nhận một con lợn đực từ ngân hàng gia súc, mẫu chương trình hoạt động đầu tiên của câu lạc bộ 4H. Ngành chăn nuôi lợn khởi sắc vào giai đoạn 1960~70 nhưng sau đó phải trải qua một cú sốc lớn do biến động năm 1980. Trang trại Isidore phải đóng cửa, và chia lợn cho các thành viên. Chính đại diện Sin và gần 10 nhân viên đã bắt đầu ngành chế biến thịt gia súc.
Ngày đó, khi nghe linh mục Im nói rằng: "Nếu nuôi lợn tốt thì chỉ sau 10 năm, chúng ta có thể lái ô tô đi đường như ở nước ngoài", đại diện Sin đã cười thầm trong bụng rằng "Linh mục nói dối rồi". Bây giờ, chính ông cũng đang lái chiếc SUV. Linh mục Im còn được gọi là "giám đốc công ty chăn nuôi 4500 con lợn".
Linh mục Im đã trải qua 60 năm ở đảo Jeju. Trong suốt những năm tháng đó, ông đã gặp biết bao người, trải qua vô số thử thách và thất bại. - Có khi nào ông cảm thấy nhớ nhà và muốn rời bỏ nơi này không? Tôi chưa từng có suy nghĩ đó. Lúc còn trẻ, tôi có quá nhiều việc phải làm nên không còn thời gian nghĩ tới điều đó. Bây giờ, khi đã trải qua cả cuộc đời ở đây, tôi càng thấy nơi này thân thuộc hơn. Jeju là quê hương của tôi.
- Nghe nói điều hành cơ sở chăm sóc cuối đời là mục tiêu cuối cùng của ông. Xin ông nói về kế hoạch này.Bây giờ tôi đã thôi làm giám đốc mà tận hưởng những ngày tháng thư thái. Tuy nhiên, có một việc tôi thực sự muốn làm là dự án về cơ sở chăm sóc cuối đời. Ở nước ngoài, người ta quan tâm nhiều đến loại hình này song đáng tiếc ở Hàn Quốc, khái niệm này còn chưa được rõ ràng. Sự quan tâm tới việc chúng ta phải có thái độ ra sao với những người sắp qua đời là rất quan trọng.
Năm 2007, 'Bệnh viện phúc lợi Isidore' chuyên về chăm sóc người sắp qua đời được xây dựng trong trang trại Thánh Isidore. Đó là nơi để những bệnh nhân không còn hy vọng chữa trị có thể trải qua những ngày cuối đời trong thanh thản. Tôi đầu tư khoản tiền lãi từ việc sản xuất thức ăn gia súc và nuôi ngựa giống bắt đầu từ 10 năm trước vào dự án này. Người bệnh sẽ không phải trả tiền. Hy vọng mọi người đều hiểu rằng, ai cũng có quyền kế thúc cuộc sống của mình một cách tôn nghiêm.
- Ông thấy như thế nào về tấm lòng con người Hàn Quốc và văn hóa Hàn Quốc mà ông đã quan sát trong 60 năm qua?Người dân Jeju rất vĩ đại. Họ giàu tình cảm đến độ dù bụng đói vẫn sẵn sàng chia nhau cùng ăn một quả trứng. Tôi không thể nào quên lúc xây dựng nhà thờ. Đang khi không có gỗ để xây dựng nhà thờ, chúng tôi được tin có một con tàu lớn bị đắm do mắc cạn ở bãi san hô ở vùng biển trước Hallim. Vị thuyền trưởng cũng là người Ai-len nói rằng: "Đoàn điều tra dự kiến sẽ tới trong 3 ngày nữa. Từ giờ tới lúc đó hãy mau lấy gỗ từ con tàu đắm mà dựng nhà thờ". Lượng gỗ đủ để xây dựng song lại thiếu người vận chuyển. Các tín đồ, tính cả trẻ em chỉ có 25 người. Sáng sớm hôm sau, sau khi đã vắt óc suy nghĩ, tôi ra ngoài biển với suy nghĩ: "Dù sao cũng cứ đi xem sao". Trong khoảnh khắc, tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Có độ 400 người đang ở đó. Họ cười nói với tôi: "Cha đến đảo Jeju này khổ sở như vậy, lẽ nào chúng tôi chỉ biết đứng nhìn thôi? Có một ngôi nhà đẹp được xây lên cũng là việc tốt với làng chúng tôi rồi". Tôi vẫn không biết rõ lý do những người không phải tín đồ ra biển sáng ngày hôm đó là gì. Dù vậy, tôi vẫn thấy cảm động vì tấm lòng muốn giúp đỡ người khác của họ. Có lẽ đó là nguồn động lực khiến tôi bắt đầu những dự án giúp đỡ cho người dân địa phương sau này.
Cuối cùng, xin ông có một lời nhắn gửi tới độc giả korea.net. Linh mục Im Pi Je trả lời ngắn gọn nhưng mạnh mẽ rằng: "Xin hãy yêu thương lẫn nhau. Hãy bày tỏ điều đó bằng hành động chứ không phải lời nói."
Phóng viên Lee Seung Ah
korea.net-Lee Seung A
slee27@korea.kr