Chính sách

07.01.2025

Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào năm nay sẽ cấp thị thực E-7-4 cho 35.000 lao động nước ngoài lành nghề. (Ảnh: Hyundai Heavy Industries)

Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào năm nay sẽ cấp thị thực E-7-4 cho 35.000 lao động nước ngoài lành nghề. (Ảnh: Hyundai Heavy Industries)



Bài viết từ Margareth Theresia

Bộ Tư pháp Hàn Quốc vào ngày 5/1 thông báo rằng nước này sẽ chính thức triển khai hệ thống thông báo trước về hạn ngạch cấp thị thực từ năm nay.

Theo kế hoạch cấp thị thực cho năm 2025, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 35.000 lao động nước ngoài lành nghề với thị thực E-7-4, bằng với số lượng của năm ngoái.

Đối với lao động nước ngoài không chuyên môn, hạn ngạch cấp thị thực lao động thời vụ (E-8), thị thực làm việc không chuyên nghiệp (E-9) và thị thực thuyền viên tàu cá (E-10) lần lượt được đặt ở mức 74.689 người, 130.000 người và 23.300 người.

Cũng trong năm nay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thí điểm cấp thị thực lao động có tay nghề phổ thông (E-7-3) trong 4 lĩnh vực mới bao gồm: hàn và sơn trong sản xuất máy móc xây dựng; đúc, hàn và sơn trong sản xuất phụ tùng ô tô; sửa chữa thân vỏ và sơn ô tô; giết mổ giá súc.

Đang trong quá trình thí điểm từ năm ngoái, thị thực nhân lực chuẩn chuyên môn (E-7-2) sẽ được cấp cho 400 lao động nước ngoài chăm sóc người cao tuổi, còn thị thực E-7-3 được cấp cho 300 lao động sản xuất phụ tùng máy bay và 300 người thợ truyền tải điện.

Tuy nhiên, chính phủ nước này sẽ không đặt giới hạn đối với hạn ngạch cấp các loại visa như: E-1, E-2, E-3, E-4 và E-5.

Hệ thống thông báo trước về hạn ngạch cấp thị thực nhằm mục đích thiết lập và công bố quy mô cấp thị thực bằng cách phân tích tình trạng thiếu hụt lao động theo từng loại thị thực và dòng người lao động nước ngoài đổ vào Hàn Quốc để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng một cách kịp thời.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết: “Hàng năm, chúng tôi sử dụng cách phân tích khoa học để thiết lập các ngành nghề và hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài. Chúng tôi sẽ cố gắng để việc sử dụng lao động nước ngoài thúc đẩy khả năng cạnh tranh trung và dài hạn trong các ngành và mở rộng tuyển dụng lao động người Hàn Quốc mà không gây tổn hại hoặc làm xấu đi điều kiện làm việc của lao động người Hàn Quốc”.

margareth@korea.kr