Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) Yu In Chon đã có bài phát biểu chào mừng trong buổi lễ công bố “Văn hóa Hàn Quốc 2035” - kế hoạch trung dài hạn cho việc thực hiện chính sách văn hóa tại Khu phức hợp chính phủ, quận Jongno-gu, thành phố Seoul vào ngày 6/3/2025. (Ảnh: Heo Man-jin / Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc)
Bài viết từ
Charles Audouin
Hôm thứ Năm, ngày 6/3/2025 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) đã công bố “Văn hóa Hàn Quốc 2035” - kế hoạch trung dài hạn cho việc thực hiện các chính sách ở lĩnh vực văn hóa.
Kế hoạch nhấn mạnh vào sự thay đổi chính sách cơ bản dựa trên những biến động trong kinh tế và xã hội cũng như sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác công bằng trong lĩnh vực văn hóa do khu vực tư nhân dẫn đầu.
Nhiệm vụ đầu tiên là sản xuất nội dung tập trung vào AI và thiết lập hệ thống sử dụng dữ liệu ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật, tiếp theo là áp dụng các công nghệ dựa trên AI trong ngành trò chơi, video và nghệ thuật biểu diễn, đồng thời cải thiện hệ thống bản quyền cho các nội dung AI. Các nguồn tài nguyên văn hóa kỹ thuật số do Bộ sở hữu cũng sẽ được chia sẻ với khu vực tư nhân.
Một mục tiêu khác là thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa các vùng địa phương trên toàn quốc, thành lập 4 tổ chức nghệ thuật quốc gia dành cho thanh niên trong nước vào năm nay, và di chuyển trụ sở chính của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Seoul đến Trung tâm Văn hóa Châu Á (ACC) tại thành phố Gwangju vào năm sau. Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới bằng cách tận dụng lịch sử, văn hóa và làn sóng Hallyu.
Để ứng phó với tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa và sự gia tăng của các gia đình đa văn hóa, chính phủ nước này sẽ cố gắng trong việc ra mắt các cơ sở giải trí và thể thao tùy chỉnh bao gồm: “Ngôi làng nghệ thuật dành cho trẻ em” hay “Trung tâm giải trí dành cho người cao tuổi”. Việc xây dựng không gian văn hóa dành cho người khuyết tật và tăng cường chính sách cho đa dạng văn hóa cũng được lên kế hoạch.
Đối với lĩnh vực nội dung, Bộ VHTTDL Hàn Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho từng lĩnh vực như phim điện ảnh, dịch vụ phát video trực tuyến OTT và webtoon. Để thu hút nhiều du khách quốc tế hơn, Bộ sẽ đa dạng hóa chỗ ở và đồng thời phát triển nội dung du lịch riêng biệt ở các vùng địa phương với xe đạp, địa điểm chiến trường, du thuyền,...
Trong lĩnh vực thể thao, một hệ thống dữ liệu dựa trên AI sẽ được phát triển để tận dụng trong quá trình lập các chính sách hiệu quả mới.
Ngoài ra, để nâng cao vị thế của văn hóa Hàn Quốc trên trường quốc tế, các Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) ở nước ngoài sẽ được chuyển đổi thành các không gian văn hóa phức hợp, trong khi khai trương thêm “Trung tâm Hàn Quốc” (Korea Center) ở Mexico và Việt Nam.
Không chỉ vậy, một cổng thông tin về Hàn Quốc sẽ được điều hành để hỗ trợ công dân nước ngoài và du khách quốc tế. Bộ cũng đưa ra kế hoạch phát triển các dự án sử dụng vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) ở lĩnh vực văn hóa kết nối với lĩnh vực giao thông và y tế.
Bộ VHTTDL Hàn Quốc cho biết: “Để nâng cao sức mạnh để tưởng tượng, tư duy và đặt câu hỏi được coi là cần thiết hơn trong kỷ nguyên AI, chúng tôi sẽ nỗ lực trong việc thực hiện những chính sách phản ánh thực tế xã hội”.
caudouin@korea.kr