Khoa học - Công nghệ

11.07.2025

Vắc xin phòng bệnh than Barythrax được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và công ty dược phẩm GC Biopharma hợp tác phát triển. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)

Vắc xin phòng bệnh than Barythrax được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và công ty dược phẩm GC Biopharma hợp tác phát triển. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)



Bài viết từ Charles Audouin

Các nhà khoa học Hàn Quốc đã thành công trong việc phát triển vắc xin phòng bệnh than đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tái tổ hợp gen, thiết lập mạng lưới an toàn quốc gia cho y tế công cộng để ứng phó với khủng bố sinh học thông qua công nghệ của riêng mình.

Tháng 4 năm nay, vắc xin Barythrax, do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) và công ty dược phẩm GC Biopharma hợp tác phát triển, đã được Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) phê duyệt để sử dụng như một loại dược phẩm phòng chống bệnh than.

Khoảng 3 tháng sau đó, bà Kim Gab Jung - Tổng Giám đốc Cục Chẩn đoán và Phân tích Bệnh tật thuộc KDCA, đã tổ chức một buổi họp báo vào ngày 1/7 về vắc xin Barythrax tại nhà máy của GC Biopharma ở huyện Hwasun-gun, tỉnh Jeollanam-do và cho biết: “Với quyết định phê duyệt sử dụng loại vắc xin này, việc tự cung cấp vắc xin phòng bệnh than trong nước là hoàn toàn khả thi, mặc dù trước đây chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Bà cũng nhấn mạnh rằng Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ có thể chủ động ứng phó và đảm bảo nguồn cung vắc xin ổn định khi xảy ra khủng hoảng quốc gia.

Bệnh than là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Vi khuẩn Bacillus anthracis có thể tồn tại rất lâu trong điều kiện khắc nghiệt và được sử dụng làm vũ khí sinh học. Năm 2001, 5 người ở Mỹ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố sử dụng bột trắng chứa vi khuẩn Bacillus anthracis.

Hiện tại, các trường hợp mắc bệnh than vẫn tiếp tục xảy ra ở các quốc gia như Zambia, Uganda, Lào, Thái Lan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Hàn Quốc chưa có trường hợp nào mắc bệnh than kể từ khi bệnh than được chỉ định là một bệnh truyền nhiễm theo luật định vào tháng 8 năm 2000.

Bà Kim Gab Jung - Tổng Giám đốc Cục Chẩn đoán và Phân tích Bệnh tật thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) trong buổi họp báo tại nhà máy của GC Biopharma ở huyện Hwasun-gun, tỉnh Jeollanam-do vào ngày 1/7/2025. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)

Bà Kim Gab Jung - Tổng Giám đốc Cục Chẩn đoán và Phân tích Bệnh tật thuộc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) trong buổi họp báo tại nhà máy của GC Biopharma ở huyện Hwasun-gun, tỉnh Jeollanam-do vào ngày 1/7/2025. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)



Các loại vắc xin phòng bệnh than được sản xuất tại Mỹ, Anh, Nga và Trung Quốc được cho là gây ra tác dụng phụ vì chúng sử dụng vi khuẩn Bacillus anthracis đã bị làm yếu hoặc chứa một lượng nhỏ độc tố.

Tuy nhiên, vắc xin Barythrax của Hàn Quốc được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp gen với protein kháng nguyên phòng vệ của vi khuẩn Bacillus anthracis làm thành phần hoạt chất. Vắc xin nội địa này không chứa độc tố và đồng thời kích thích phản ứng miễn dịch để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa.

Theo KDCA cho biết, đây là lần đầu tiên trên thế giới một loại vắc xin phòng bệnh than sử dụng công nghệ tái tổ hợp gen được phê duyệt để sử dụng như dược phẩm chính thức.

Một nhân viên từ GC Biopharma, ông Kim Gwanglok, đã bày tỏ kỳ vọng cao về tiềm năng xuất khẩu của vắc xin Barythrax vì khả năng cạnh tranh về độ an toàn nhờ không chứa độc tố. Dự kiến, KDCA sẽ cung cấp loại vắc xin này cho kho dự trữ quốc gia trong năm nay.

Phòng lên men tại cơ sở sản xuất nguyên liệu thô cho vắc xin phòng bệnh than tại nhà máy của công ty dược phẩm GC Biopharm ở huyện Hwasun-gun, tỉnh Jeollanam-do. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)

Phòng lên men tại cơ sở sản xuất nguyên liệu thô cho vắc xin phòng bệnh than tại nhà máy của công ty dược phẩm GC Biopharm ở huyện Hwasun-gun, tỉnh Jeollanam-do. (Ảnh: Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc)



caudouin@korea.kr