Đài tưởng niệm đồi Bạch Mã, địa điểm an nghỉ của những linh hồn đã khuất trong trận Baengmagoji. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Bài viết =
Phóng viên danh dự Korea.net Vũ Đỗ Hải Hà
Ngày nay đất nước Hàn Quốc được hưởng một nền hòa bình, dân cư an cư lạc nghiệp trong sự bảo trợ của chính phủ. Nhưng để có những ngày tháng như hiện tại, Hàn Quốc đã từng trải qua biết bao mất mát, đau đớn và hi sinh. Hãy cùng mình du ngoạn đến tỉnh Gangwon-do, nơi được biết đến như chiến trường khốc liệt suốt thời kì chiến tranh Triều Tiên bùng nổ để tìm hiểu thêm về một phần lịch sử của Hàn Quốc nhé!
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), một cuộc chiến kinh khủng với những xung đột có sức tàn phá nặng nề trong thời kì hiện đại với ba triệu người tử vong, tỉ lệ số người chết lớn hơn cả chiến tranh Thế giới thứ hai lẫn chiến tranh Việt Nam. Nhiều thành phố lớn ở Hàn Quốc bị thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt huyện Cheorwon thuộc tỉnh Gangwon-do là vị trí chiến lược quan trọng vì nằm ngay giữa bán đảo Triều Tiên, mọi người hay gọi khu vực này với cái tên ‘tam giác sắt’, đồng thời là đầu mối liên lạc trong chiến tranh.
Sau sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên vào năm 1945, huyện Cheorwon từng là một phần của Bắc Triều Tiên. Nơi đây chứng kiến nhiều cuộc chiến lớn, nổi tiếng trong đó có thể kể đến trận Baengmagoji (tiếng Hàn : 백마고지 전투) hay trận chiến đồi Bạch Mã, sau đó ngọn đồi đã bị bào mòn vì súng đạn tạo thành hình dáng tựa chú ngựa đang nằm cho dù trước đó nó từng bị Quân đoàn IX Hoa Kỳ kiểm soát. Chỉ huy trận Baengmagoji thay đổi 24 lần trong mười ngày và 12 lần ở những cuộc giao tranh quan trọng. Tuy chỉ xảy ra trong thời gian ngắn (từ ngày 6 đến 15/10/1952) nhưng thương vong và thiệt hại mà nó gây ra quá lớn với hàng ngàn người chết, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn lại và không dễ dàng tan biến. Ngày nay, đến thăm di tích ngọn đồi tưởng niệm Bạch Mã (White Horse Memorial Hill) ta sẽ thấy phảng phất chút dư âm cùng không khí mang vẻ trầm mặc như vỗ về những linh hồn đã dũng cảm chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt này.
Trụ sở văn phòng Đảng Lao Động Cheorwon bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Những công trình của Bắc Triều Tiên hiện tại đang được lưu giữ ở Cheorwon, chúng từng thuộc về lãnh thổ Bắc Triều Tiên mãi tới khi chiến tranh nổ ra thì bị phá hủy và bỏ hoang. Đến thăm Văn phòng Đảng Lao động Cheorwon, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vết súng bắn trên các bức tường nhiều như thế nào chứng tỏ sự kinh hoàng mà chiến tranh gây ra, nơi đây đã chứng kiến sự tàn bạo mà người dân Cheorwon, Gimhwa, Pyeonggang, Pocheon đã phải chịu đựng dưới sự cai trị của chính quyền Bắc Triều Tiên. Nhiều bộ xương, mảnh đạn, dây thừng được tìm thấy tại hầm đào phía sau tòa nhà.
Trước đây, dân thường không thể tiếp cận trụ sở chính của Đảng Lao Động, 30% Cheorwon nằm trong khu phi quân sự, do đó xe bus cho khách du lịch xuất hiện nhiều. Gần di tích có trạm kiểm soát quân sự có line kiểm tra dành cho dân sự (the Civilian Control Line), việc chụp ảnh tại trạm kiểm soát là bị cấm với khách du lịch.
Cầu Seungil, di tích đánh dấu kỉ niệm 2 miền Nam Bắc. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Một di tích khác có sự tham gia của Bắc Triều Tiên là cầu Seungil bắc qua sông Hantan. Bắt đầu khởi công vào năm 1948 theo bản thiết kế của Liên Xô, vốn dĩ dành cho mục đích quân sự. Khi xây xong một nửa thì bị đình chỉ do chiến tranh. Về sau phía Hàn Quốc đã hoàn thành cây cầu và đặt tên cho nó là ‘Seungil’ (có tin đồn lấy từ một từ trong tên của tổng thống Hàn Quốc thời bấy giờ là Lee Seung Man và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il Sung hoặc lấy tên của Park Seungil, người lập công lớn trong chiến tranh và bị bắt làm tù binh của Bắc Triều Tiên) kỉ niệm cho sự tham gia của cả miền Nam và Bắc. Nếu để ý kĩ sẽ thấy mái vòm của cây cầu có chút khác nhau chính bởi do kĩ thuật xây dựng đối lập. Cây cầu mang ý nghĩa trao gửi hi vọng quay về đoàn viên giữa những người chia xa bởi hai miền Nam Bắc.
Công viên Chuông Hòa Bình Thế Giới với chiếc chuông to đặc biệt làm bởi vỏ đạn được gửi từ nhiều quốc gia khác nhau. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Tới huyện Hwacheon, đừng quên đến công viên Chuông Hòa Bình Thế Giới (World Peace Bell Park). Công viên được quy hoạch trên diện tích 1000 pyong (tương đương khoảng 3305,8 m2) xây dựng với mong ước hòa bình, thống nhất. Đặc biệt, ở công viên có chiếc chuông lớn làm bởi vỏ đạn được gửi từ nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia khác nhau trên toàn cầu, chiều cao của nó là 5m, nặng 307 tấn.
Công viên cũng kỉ niệm nhiều chuyến viếng thăm từ những người nổi tiếng, chẳng hạn như Thị trưởng Domenico Papi thuộc thị trấn Cagli, Ý đã gửi một chiếc chuông đồng sử dụng để báo hiệu thời gian cầu nguyện trong tu viện Thánh Santa Kyrie, hay Tiến sĩ Sulak Sivaraksa – nhà hoạt động hòa bình đến từ Thái Lan, người được đề cử giải ‘Nobel Hòa Bình’, cũng gửi một chiếc chuông từ ngôi đền Phật giáo tại Bangkok đến đây.
Hội trường triển lãm các vật dụng, vũ khí trong chiến tranh Triều Tiên nằm trong khuôn viên đài quan sát Goseong. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Du khách dễ dàng nhìn ngắm núi Geumgang và sông Haegeum từ đài quan sát. (Ảnh: Chụp màn hình từ video của K-HERITAGE.TV)
Một trong những nơi nữa ở Gangwon-do còn lưu giữ dấu vết sau chiến tranh Triều Tiên chính là đài quan sát thống nhất ở huyện Goseong (Goseong Unification Observatory). Du khách dễ dàng quan sát phương Bắc từ vị trí địa lý của đài quan sát. Nó không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là chỗ dừng chân của những người dân tản cư, họ đến đây để trải lòng về nỗi đau chia cắt, khoảng cách đủ gần để họ hướng tầm mắt về miền Bắc.
Đài quan sát được xây cách mặt nước biển 70m, bố trí kính viễn vọng trên sân hiên. Tầng đầu tiên dành cho việc triển lãm vũ khí và các thiết bị quân sự trong chiến tranh Triều Tiên, kể cả các vật dụng hiện đại, ngoài ra còn có mô hình, những tấm ảnh về núi Geumgang. Bức tường phía Bắc của tầng hai được làm bằng kính, giúp du khách có cái nhìn toàn cảnh núi Geumgang và sông Haegeum. Đài quan sát cách núi Geumgang khoảng 20km, từ đây có thể thấy một số những đỉnh núi nổi bật. Trước khi vào đài quan sát, du khách phải tham gia khóa học hướng dẫn an ninh tại công viên an ninh Tongil (Tongil Security Park).
Chiến tranh đã qua đi, nỗi đau ngày nào dần xóa mờ theo thời gian, dòng chảy vẫn cứ tiếp nối tại Gangwon-do. Ngắm nhìn mặt biển xanh xinh đẹp, hồi tưởng một chút về quá khứ để hướng tới tương lai rực rỡ, trải nghiệm các di tích chiến tranh ở Gangwon-do phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử, ngưỡng mộ sự hi sinh to lớn của những người đã khuất cho nền hòa bình của Hàn Quốc hiện tại. Nếu bạn là người mong muốn tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc, hãy checklist những địa điểm kể trên để có thêm nhiều tích lũy thú vị nha!
(Nguồn ảnh:
K-HERITAGE.TV, Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc, Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc
http://www.k-heritage.tv/vod/embed/Mzc4LDEzMTYx)
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.