Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại” đã chính thức khai mạc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội vào sáng ngày 15/7 vừa qua. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Bài viết từ Phóng viên danh dự Korea.net Hoàng Xuân Tùng
Trưa 12 giờ ngày 15/7, Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại” đã chính thức được khai mạc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Triển lãm này được đồng tổ chức bởi Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (KCC) tại Việt Nam và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc tổ chức triển lãm tại đất nước Việt Nam. Là một người yêu thích văn hóa Hàn Quốc cũng như nghệ thuật, mình rất háo hức và tự hào khi những giá trị đặc sắc của văn hóa Hàn Quốc được truyền tải thông qua những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa tại buổi triển lãm.
Dự án thí nghiệm Hangeul là một dự án diễn giải lại Hangeul, một loạt văn tự vốn có của Hàn Quốc, từ góc độ thiết kế và làm sáng tỏ giá trị có tính nghệ thuật và công nghiệp của nó. Hangeul được vua Thế Tông (Sejong, năm 1397-1450), vị vua thứ tư của vương triều Triều Tiên (Joseon) tạo ra vào năm 1443, đã hình thành nên nền tảng văn hóa Hàn Quốc trong hơn 580 năm và trải qua nhiều thay đổi cùng với cuộc sống của người Hàn Quốc. Chính vì vậy mà triển lãm lần này được lên kế hoạch nhằm cung cấp sự hiểu biết dễ dàng và trực quan về giá trị có tính chất văn tự của Hangeul, tập trung vào Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại.
Trong những năm gần đây, Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành triển khai Dự án thí nghiệm Hangeul đối với một số quốc gia, và nhận được phản hồi tích cực từ khách tham quan quốc tế. Đối với Việt Nam, triển lãm này được Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc tiến hành tổ chức lần thứ tư nhưng là lần đầu tiên về chủ đề “Hangeul - chữ viết tiếng Hàn”. Triển lãm này được tổ chức với mục đích giúp công chúng có cái nhìn trực quan hơn về giá trị của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ đang hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm làm nổi bật giá trị của Hangeul như một nội dung nghệ thuật và công nghiệp, từ đó giới thiệu giá trị của văn hóa Hangeul trên toàn cầu.
Trước đó tại Việt Nam, ban tổ chức đã thi hành lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày. Đây là một trong những chuỗi sự kiện mà trong đó có KCC tại Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, nhằm truyền tải giá trị văn hóa Hàn Quốc đến thế hệ trẻ tại Hà Nội. Ngoài lễ ký kết biên bản và buổi triển lãm, ban tổ chức cũng sẽ tiến hành tổ chức hoạt động trải nghiệm nghệ thư Hàn Quốc đến các bạn trẻ.
Mặc dù mình không tham gia được trọn vẹn lễ ký kết, nhưng mình đã cảm nhận được phần nào không khí trang trọng, uy nghiêm và đầy tự hào giữa Việt Nam và Hàn Quốc về nét di sản văn hóa đặc biệt này. Lễ ký kết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã gây ấn tượng cho mình bởi những khoảnh khắc đầy ý nghĩa, sâu sắc giữa hai quốc gia, từ đó hé mở những điều kỳ diệu sẽ được các bạn trẻ khám phá tại triển lãm “Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại”.
Nghệ nhân Byeol Ha - Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế Thư pháp Hàn Quốc (KCDIA) đã có màn trình diễn công phu và đẹp mắt đối với các vị đại biểu và khách quý trong lễ ký kết ngày 15/7. (Ảnh: Lê Phương Dung)
Ông Choi Young Sam - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định sự phổ biến mạnh mẽ của làn sóng Hallyu tại Việt Nam, đồng thời hy vọng việc tổ chức triển lãm sẽ là một cơ hội tốt để giới thiệu vẻ đẹp và tính khoa học của Hangeul đến với người dân Việt Nam. (Ảnh: Lê Phương Dung)
Ông Kim II Hwan - Giám đốc Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đặt niềm tin vào việc ký kết hợp tác giữa Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc và Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ là nền tảng vững chắc để củng cố và thúc đẩy sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên. (Ảnh: Lê Phương Dung)
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc đã được diễn ra trong không khí trang trọng, uy nghiêm nhưng không kém phần tự hào. (Ảnh: Lê Phương Dung)
Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn được bố trí ngay tại tầng 1 của Thư viện Quốc gia Việt Nam, nên khách tham quan có thể dễ dàng dạo quanh chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật mà không bị tốn sức. Bên cạnh đó, ngay từ lúc bước chân vào không gian triển lãm, mình đã được các anh chị nhân viên thư viện phát cho một booklet, trong đó là toàn bộ những thông tin về những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, thế nên mình có thể dễ dàng nắm bắt thông tin và chiêm ngưỡng tác phẩm một cách dễ dàng. Ngoài ra, các tác phẩm nghệ thuật này được bài trí hợp lý trong một không gian rộng lớn rực rỡ ánh sáng, gam màu đa dạng cùng với làn gió mát lạnh của điều hòa. Điều này sẽ giúp cho việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật trở nên dễ chịu và thoải mái trong tiết trời nắng nóng của Hà Nội.
Khi đến với triển lãm, người xem sẽ nhận được một booklet nhỏ xinh và có thể biết được những thông tin thú vị về những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Không gian triển lãm được bài trí vô cùng hợp lý, với gam màu sặc sỡ, thu hút cùng trang thiết bị hiện đại nhằm đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm sống động và trọn vẹn nhất. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Trong buổi triển lãm này, mình có cơ hội được khám phá hơn 11 tác phẩm nghệ thuật với đa dạng các loại hình từ hình họa, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thời trang và các video miêu tả hành trình biến đổi của Hangeul. Điều đặc biệt là chúng được thực hiện bởi các nghệ sĩ đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế đương đại dựa trên các bộ sưu tập của Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc. Các tác phẩm này phản ánh những mối quan tâm về các ký hiệu Hangeul khác nhau trong thời kỳ cận đại, diện mạo mới của Hangeul từ góc nhìn của người phương Tây, sự sang trọng của cách kết hợp và sắp xếp Hangeul trong các ấn phẩm thời cận đại cũng như nét đẹp phông chữ thư pháp của Hangeul.
Bên cạnh đó, những tác phẩm này dễ dàng đem lại cho khách tham quan như mình trải nghiệm thú vị bằng nhiều giác quan khác nhau, từ đó có thể cảm nhận được tiềm năng vô hạn của nó. Vừa hiểu được giá trị văn hóa Hàn Quốc thông qua tác phẩm, vừa có được cho mình những bức hình sống ảo cực chất trong mùa hè, đây thực sự là trải nghiệm mà bất cứ bạn trẻ nào cũng nên thử một lần trong đời.
Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại buổi triển lãm dễ dàng thu hút khách tham quan bởi sự đầu tư mạnh mẽ về hình thức và nội dung. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Trong số những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm, có ba tác phẩm để lại cho mình ấn tượng nhất. Đầu tiên phải kể đến là đó là “Hành trình của chim én” được thực hiện bởi nhóm Acappella TORYS vào năm 2022. Thực chất, đây là một đoạn hát nằm trong vở kịch Pansori “Hưng Phu ca” (Heungbuga) kể về hành trình của một chú chim én được nhận ân huệ của Hưng Phu (Heung-bu) đã bay về phương Nam (Gangnam) rồi đến mùa xuân năm sau chú ta ngậm một hạt bầu trong miệng bay trở về nhà Hưng Phu (Heung-bu). Điểm nổi bật của đoạn hát này đó là sự kết hợp giữa nhịp điệu nhanh gợi nhớ đến hình ảnh một chú én đang bay về và hương vị của ngôn từ - điều mà chúng ta có thể cảm nhận thông qua các giác quan. Đặc biệt, cảm nhận ấy của chúng ta được bộc lộ rõ nét khi chúng ta đọc và thưởng thức phần lời của bài hát ấy bằng Hangeul. Chính vì thế mà mình đã ấn tượng tác phẩm này ngay từ khi tiếp xúc.
Tác phẩm “Hành trình của chim én” được thực hiện bởi nhóm Acappella TORYS gây ấn tượng khách tham quan bởi tiếng hót của chú chim én khi về đến nhà Hưng Phu (Heung-bu). (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Tiếp theo là Tác phẩm “Jitaechilgi: Sơn mài trên giấy truyền thống” được thực hiện bởi nghệ nhân Lyu Nam Gwon cùng năm. Như chúng ta đã biết, các ấn phẩm chữ Hangeul thời cận đại như báo, tạp chí, sách văn học có thể dễ dàng tạo ra một sức mạnh mới dẫn dắt văn hóa đại chúng Hàn Quốc và được sử dụng như một nguồn cảm hứng sáng tạo. Ngoài “Hành trình của chim én”, “Jitaechilgi: Sơn mài trên giấy truyền thống” cũng là một ví dụ điển hình về loại hình truyền thông gây sức ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa đại chúng. Ở tác phẩm của Lyu Nam Gwon, dựa trên đặc điểm của phông chữ Hàn Quốc, tác giả đã làm nổi bật Hangeul với đồ sơn mài, kết hợp với gam màu chủ đạo đỏ và đen. Điều này đã khiến cho tác phẩm nghệ thuật này hiện lên thật sống động, trang nhã và không kém phần tinh tế.
Tác phẩm “Jitaechilgi: Sơn mài trên giấy truyền thống” được thực hiện bởi nghệ nhân Lyu Nam Gwon nổi bật với chất liệu sơn mài cùng gam màu đỏ đen nổi bật. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Và cuối cùng là “Thực đơn” - một tác phẩm nghệ thuật thú vị được thực hiện bởi nhà thiết kế đồ họa You Hyun Sun. Trong phần chú thích của tác phẩm, tác giả có đề cập đến mối liên hệ chặt chẽ giữa âm thanh, hình thái và ý nghĩa khi dịch một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, và điều này được thể hiện rõ nhất ở nhà hàng thông qua những chiếc thực đơn. Để có thể tái hiện được xuất sắc hiện tượng này, tác giả đã thu thập tên gọi của các món ăn được ghi trong các cuốn từ điển, với sự kết hợp gam màu chủ đạo là xanh neon và đen, để từ đó tạo nên một tác phẩm nghệ thuật khiến người xem không thể rời mắt. Bản thân mình khá ấn tượng với sự ghép nối linh hoạt của tác giả giữa những con chữ và đồ họa trong tác phẩm nghệ thuật này. Điều đó đã góp phần tác phẩm của You Hyun Sun trở nên đặc biệt và có giá trị.
Tác phẩm “Thực đơn” được thực hiện bởi nhà thiết kế đồ họa You Hyun Sun vào năm 2022 đã khiến cho người xem không thể rời mắt bởi yếu tố kích thích thị giác cực mạnh. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Trong quá trình chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tại buổi triển lãm, phóng viên danh dự Hoàng Xuân Tùng có cơ hội được gặp gỡ và phỏng vấn một số khách tham quan để hiểu rõ về cảm nhận cũng như những giá trị mà họ tiếp nhận được thông qua buổi triển lãm thú vị này. Chị Lê Phương Dung, sinh năm 1996, hiện đang làm việc tại một văn phòng phụ trách tờ báo Korea Times ở Việt Nam, đã không giấu nổi sự phấn khích khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những tác phẩm đầy tính nghệ thuật nhưng không kém phần nhân văn. Sau khi tốt nghiệp khoa ngôn ngữ Hàn Quốc trường Đại học Hà Nội, chị vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê về xứ sở Kim Chi bằng việc thử sức nhiều vị trí công việc khác nhau như biên phiên dịch, phóng viên,... Giờ đây, khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, bản thân chị như được sống lại những khoảnh khắc đầy ý nghĩa khi lần đầu được tiếp cận với tiếng Hàn.
Chị Phương Dung chia sẻ: “Khác so với tiếng Nhật hoặc tiếng Trung mà chị đã từng tiếp xúc, tiếng Hàn là ngôn ngữ chị ấn tượng nhất bởi có một bộ chữ cái vô cùng đơn giản, dễ nhớ và đậm chất bản sắc xứ sở Kim Chi. Càng tiếp xúc với bộ chữ cái này, chị đã được hiểu biết thêm nền lịch sử và văn hóa vô cùng đặc sắc, đa dạng tại xứ sở Kim Chi. Chính vì vậy mà chị tiếp tục đồng hành với ngôn ngữ này đến tận bây giờ”.
Những tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn tại buổi triển lãm khiến cho chị Phương Dung như được sống lại những tháng ngày ý nghĩa và nhiệt huyết với ngôn ngữ Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Trong khi đó, anh Lê Tú Anh, hiện đang làm công việc tự do, đã tình cờ biết đến triển lãm thông qua một bài viết được đăng tải trên trang Facebook của KCC tại Việt Nam. Nhân một ngày đẹp trời vào đầu tuần, để thay đổi không khí làm việc, anh đã ghé thăm thư viện để được chiêm ngưỡng một lần những tác phẩm đậm chất Hàn Quốc. Thực sự mà nói, cho dù anh không phải là người am hiểu sâu sắc về văn hóa Hàn Quốc, nhưng anh đã cảm nhận rõ nền văn hóa độc đáo của xứ sở Kim Chi thông qua những nét Hangeul đầy uyển chuyển.
Anh Tú Anh bày tỏ: “Khi bước chân vào không gian triển lãm, những tác phẩm nghệ thuật đã hấp dẫn tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy không am hiểu nhiều về đất nước Hàn Quốc nhưng nhìn vào tôi cảm thấy có cái gì đó rất nghệ thuật và lạ mắt. Dần dần, tôi dễ dàng tìm hiểu những nội dung sâu sắc đằng sau những tác phẩm ấy. Nhờ có buổi triển lãm này, tôi không chỉ tích lũy thêm những kiến thức về văn hóa Hàn Quốc mà còn cảm thấy như được tiếp thêm động lực để hoạt động năng suất hơn trong những ngày đầu tuần”.
Anh Lê Tú Anh, hiện đang làm công việc tự do đã có những rung cảm nhất định đối với những tác phẩm nghệ thuật Hangeul tại triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn. (Ảnh: Hoàng Xuân Tùng)
Triển lãm thiết kế chữ viết tiếng Hàn - Dự án thí nghiệm Hangeul “Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại” không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam đơn thuần mà triển lãm này còn tạo ra cơ hội cho những khách thăm quan hiểu biết thêm về nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật Hangeul. Triển lãm kéo dài đến ngày 9/8 và sau đó sự kiện này sẽ tiếp tục diễn ra tại KCC tại Philippines bắt đầu từ tháng 9.
Chính vì vậy mà nếu các bạn quan tâm đến Hangeul cũng như muốn chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật Hàn Quốc thì hãy lên lịch ngay để không bỏ lỡ trải nghiệm thú vị này nhé! Còn bây giờ, các bạn có thể trải nghiệm trước không gian của buổi triển lãm thông qua chiếc video mà mình để ở dưới nhé. Chúc các bạn mạnh khỏe, học giỏi và ngày càng thêm yêu đất nước Hàn Quốc nhiều hơn nữa!
(Nguồn: Kênh YouTube Tùng Tùng)
hrhr@korea.kr
* Bài viết này đã được viết bởi một phóng viên danh dự của Korea.net. Đoàn phóng viên danh dự chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên thế giới, và họ luôn nỗ lực để chia sẻ tình yêu và lòng nhiệt huyết đối với tất cả mọi thứ của Hàn Quốc với Korea.net.