Đoạn video “Hàn Quốc là xứ sở thần tiên” được tải lên kênh YouTube của Korea.net vào ngày 17/3 đã thu hút hơn một triệu lượt xem trong vòng 4 ngày. Nội dung cho thấy những công dân dũng cảm cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 và giúp đỡ các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Korea.net đã gặp gỡ các “chiến sĩ chống dịch Covid-19”, lắng nghe câu chuyện của họ.
|
Cô Ko Eun-mi- một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu hiện đang xuất hiện trong các cuộc họp báo về dịch Covid-19 được Chính phủ Hàn Quốc tổ chức mỗi ngày. Trong một cuộc phỏng vấn với Korea.net vào ngày 23/4, cô đã nhấn mạnh nét mặt và hình dạng miệng cũng là những yếu tố quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu. (Ảnh: Kim Sunjoo)
Cheongju = Phóng viên
Lee Kyoung Mi và
Park Hye Ri
Từ vài tháng trước, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo hai lần mỗi ngày nhằm chia sẻ và cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh của đất nước và các biện pháp hỗ trợ liên quan dành cho người dân trong giai đoạn khó khăn.
Mỗi lần tiến hành cuộc họp báo, có một người không ngừng di chuyển tay và khuôn mặt của mình ở bên cạnh người phát biểu, đó chính là cô Ko Eun-mi, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Dạo gần đây, cô không thể tranh thủ thời gian để làm những gì khác vì việc làm của cô ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc truyền đạt thông tin chính xác đến tất cả mọi người khiếm thính trong mùa dịch Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn với Korea.net vào ngày 23 tháng 4 vừa qua, cô ấy nói rằng mọi ngày gần đây đều rất bận rộn nhiều hơn so với những ngày trước đây vì phải đi đến các địa điểm tổ chức cuộc họp báo bao gồm thủ đô Seoul, thành phố Sejong và thành phố Cheongju. Cô cũng phải chuẩn bị rất nhiều để đảm bảo việc giải thích một cách chính xác vì các vấn đề về một căn bệnh truyền nhiễm có thể là một chủ đề rất nhạy cảm đối với người dân.
Cô Ko Eun-mi cho rằng cô cố gắng đọc và hiểu tất cả mọi bài báo và dữ liệu liên quan đến Covid-19 trước và sau khi dự cuộc họp báo để truyền đạt những nội dung đúng đắn mà không bỏ sót bất cứ thông tin nào. “Những ngày này, có nhiều câu hỏi từ các phóng viên nước ngoài vì vậy tôi nỗ lực xem các tin tức mới của quốc gia khác thông qua các video trên kênh YouTube”, cô nói.
Một điểm đặc biệt nữa là các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu không đeo khẩu trang trong cuộc họp báo dù có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Về điều này, cô cho biết vì nét mặt của các phiên dịch viên chiếm khoảng nửa phần chính của ngôn ngữ ký hiệu nên không thể đeo khẩu trang mặc dù dịch Covid-19 đang lan rộng.
Cô cũng giải thích rằng giống như trường hợp âm điệu và ý nghĩa lời nói của những người có thể nghe nói sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình huống, ngôn ngữ ký hiệu sẽ có thể khác nhau tùy theo nét mặt và hình dạng miệng.
Mặc dù cô luôn nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị mọi thứ, nhưng cũng có những điều bất ngờ xảy ra tại hiện trường. Cô nhớ lại một khoảnh khắc cô phải liên tục giải thích tên của các loại thuốc cho việc điều trị Covid-19 mà cô chưa bao giờ nghe trước đây. Lúc đó, cô đã sử dụng ngón tay của mình để truyền đạt các thuật ngữ thông qua phụ âm hoặc nguyên âm trong Hangeul, các chữ cái tiếng Anh hoặc con số, nhưng cô không hài lòng với cách giải thích của mình trong đó.
Tuy nhiên, cô nhấn mạnh cô chẳng cảm thấy mệt mỏi gì cả vì sự ủng hộ lớn và lời động viên của nhiều người trên toàn quốc.
Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Ko Eun-mi (phải) trong một cuộc họp báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) được tổ chức ở thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do vào ngày 23/4/2020. Cô là một trong sáu phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đang phụ trách các cuộc họp báo về Covid-19 của Chính phủ Hàn Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình video trên kênh YouTube của KCDC)
Cô Ko nói rằng việc cung cấp dịch vụ ngôn ngữ ký hiệu tại các cuộc họp báo thường kỳ về Covid-19 đang nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng của người khiếm thính.
Không lâu trước, các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc chỉ có thể xuất hiện trong hình ảnh rất nhỏ ở cạnh màn hình. Đề cập đến điều như vậy, cô cho biết: “Vì màn hình xuất hiện các phiên dịch viên rất nhỏ nên khiến người khiếm thính khó hiểu. Nhưng trong các cuộc họp báo về Covid-19, người phát biểu và một phiên dịch viên vừa có thể đứng cạnh nhau trong khi đưa ra thông báo. Máy ảnh quay cả hai người cùng một lúc, bởi vậy mọi người khiếm thính có thể hiểu dễ dàng hơn so với trước đây”.
Cô khẳng định các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu không phải là tình nguyện viên, mà là người truyền đạt một ngôn ngữ đặc biệt. “Giống như việc các dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha được cung cấp tại nhiều sự kiện quốc tế, ngôn ngữ ký hiệu cũng là một ngôn ngữ riêng”, cô nói.
km137426@korea.kr