Chính sách

15.04.2024

Hình ảnh chụp những người kiểm tra giống lúa chất lượng cao và năng suất cao được thu hoạch tại Gambia thông qua dự án “Vành đai lúa gạo Hàn Quốc” (K-Ricebelt). (Ảnh: Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc)

Hình ảnh chụp những người kiểm tra giống lúa chất lượng cao và năng suất cao được thu hoạch tại Gambia thông qua dự án “Vành đai lúa gạo Hàn Quốc” (K-Ricebelt). (Ảnh: Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc)



Bài viết từ Park Hye Ri

Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc (MOFA) đưa ra số liệu thống kê tạm thời về vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố.

Theo số liệu thống kê này, Hàn Quốc ước tính đã chi tiêu vốn ODA trị giá 3,13 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 320 triệu USD (11,4%) so với năm 2022.

Trong bối cảnh sự biến đổi của tỷ giá hối đoái KRW/USD có dấu hiệu chậm lại vào năm ngoái, Hàn Quốc đã sử dụng 2,3 tỷ USD cho viện trợ song phương - viện trợ dựa trên một thỏa thuận trực tiếp giữa hai nước, và 830 triệu USD cho viện trợ đa phương - viện trợ được một nhóm nước hay tổ chức quốc tế cung cấp.

Cụ thể hơn, viện trợ song phương cho thấy mức tăng 3,4%, khi cả viện trợ không hoàn lại lẫn viện trợ có hoàn lại gia tăng.

Viện trợ không hoàn lại tăng 2,6% so với năm 2022 lên 1,57 tỷ USD bởi việc mở rộng hỗ trợ cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế và hành chính công cộng cũng như hỗ trợ nhân đạo cho cứu trợ khẩn cấp hay những người dễ bị tổn thương.

Cùng với đó, viện trợ có hoàn lại tăng 5,1% lên 730 triệu USD, khi hỗ trợ vay cho các chương trình và đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng tăng, bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp.

Viện trợ đa phương tăng 41,9% nhờ đầu tư và đóng góp cao hơn cho các tổ chức tài chính quốc tế lớn để giúp các nước có thu nhập thấp, và dễ bị tổn thương về tài chính ứng phó với đại dịch Covid-19, và hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế đang phát triển.

Tổng hỗ trợ vốn ODA từ tất cả 31 quốc gia thành viên DAC đạt 223,7 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2022. Hàn Quốc đứng thứ 14 về quy mô hỗ trợ vốn ODA, khi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine cũng như các khoản đầu tư và đóng góp của nước này cho các tổ chức toàn cầu.

MOFA cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hỗ trợ vốn ODA để đáp ứng tích cực nhu cầu phát triển quốc tế như viện trợ nhân đạo cho các khu vực xung đột, và thiên tai, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu đôi bên cùng có lợi bằng cách thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA kết hợp với chính sách đối ngoại”.

hrhr@korea.kr