Khoa học - Công nghệ

17.10.2024

 Tên lửa Falcon 9 chở tàu thăm dò Mặt Trăng “Danuri” được phóng từ bệ phóng số 40 của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Trạm không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào ngày 5/8/2022. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc)

Tên lửa Falcon 9 chở tàu thăm dò Mặt Trăng “Danuri” được phóng từ bệ phóng số 40 của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Trạm không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào ngày 5/8/2022. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc)



Bài viết từ Margareth Theresia

“Hàn Quốc sẽ chia sẻ những dữ liệu từ các cuộc thám hiểm không gian để giúp tất cả các quốc gia trên thế giới có thể tận hưởng lợi ích”.

Ngày 14/10 vừa qua, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KASA) ông Yoon Youngbin đã nhận định như trên trong Hội nghị các đối tác ký Hiệp ước Artemis, diễn ra ở thành phố Milan (Ý), bên lề Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế (IAC) lần thứ 75.

Được đề xuất bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Hiệp ước Artemis hiện có sự tham gia của 45 quốc gia, nhằm mục đích thiết lập những quy tắc ứng xử chung cho các quốc gia trong quá trình thám hiểm không gian vũ trụ và Mặt trăng.

Nhân dịp tham gia IAC lần thứ 75, Giám đốc KASA Yoon Youngbin đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao với nhiều quốc gia khác để trao đổi ý kiến về phương án hợp tác trên lĩnh vực không gian vũ trụ.

Đặc biệt, ông Yoon hội đàm với phía NASA, trong đó nhất trí ký một thỏa thuận thực hiện các cuộc nghiên cứu về tính khả thi chung với NASA để mở rộng sự tham gia cho Chương trình Artemis.

Ngoài ra, KASA cũng thảo luận để phát triển hợp tác thực chất ở lĩnh vực không gian vụ trụ với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) cùng Cơ quan Không gian Ý (ASI).

Một ngày hôm sau, ngày 15/10, ông Yoon cũng có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo không gian toàn cầu và cho biết: “Các công nghệ trong ngành vũ trụ là một công cụ không thể thiếu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý tai nạn. Hàn Quốc đang cố gắng để bảo vệ môi trường Trái đất bằng cách công nghệ theo dõi khí hậu dựa trên vệ tinh, đồng thời chia sẻ nó với cả thế giới”.

margareth@korea.kr