Văn hóa

20.02.2025

Bà Lee Jin Hee - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)

Bà Lee Jin Hee - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)



Bài viết từ Lee Jihae

Ngày 1 tháng 3 năm 1919 (Samiljeol) là ngày dân tộc Hàn Quốc gây dựng phong trào bất bạo động để được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản và công bố Tuyên ngôn Độc lập với ý chí quật cường cùng khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc.

Tinh thần của phong trào này nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc, cũng trở thành “nguồn cảm hứng” cho các phong trào giành độc lập mang tính hòa bình trên thế giới, chẳng hạn như: Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc (năm 1919), Phong trào bất bạo động của Mahatma Gandhi (năm 1930) và các phong trào giành độc lập bùng nổ ở Việt Nam, Philippines, Ai Cập.

Trước thềm kỷ niệm 106 năm ngày Samiljeol, cổng thông tin điện tử Korea.net đã có buổi phỏng vấn với Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun bà Lee Jin Hee để điểm lại ý nghĩa lịch sử quan trọng của Phong trào kháng Nhật giành độc lập.

Xin bà cho biết về Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun?

Nhà tù Seodaemun là một nhà tù hiện đại do đế quốc Nhật Bản xây dựng. Nó được mở cửa vào năm 1908 và được sử dụng làm nhà tù cho đến khi nó bị đóng cửa vào năm 1987. Nó cũng đã là nơi giam giữ nhiều nhà hoạt động độc lập trong thời kỳ cai trị của thực dân Nhật Bản (1910-1945) cũng như những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ sau khi được giải phóng.

Nhà tù được đổi tên thành Trung tâm giam giữ Seoul vào năm 1967 và sau khi được chuyển đến thành phố Uiwang, tỉnh Gyeonggi-do vào năm 1987, tất cả các cơ sở trong đã phải đối mặt với nguy cơ bị phá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, một số công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng được giữ nguyên vẹn vì con cháu của các nhà hoạt động độc lập đã phản đối mạnh mẽ. Sau đó, địa điểm này được mở cửa trở lại với tên gọi “Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun” trở lại vào ngày 5 tháng 11 năm 1998, trở thành một địa điểm giáo dục lịch sử thu hút hơn 600.000 khách tham quan mỗi năm.

Toàn cảnh của Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun nằm ở quận Seodaemun-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)

Toàn cảnh của Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun nằm ở quận Seodaemun-gu, thành phố Seoul. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)



Những nhà hoạt động nào đã bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun? Địa điểm này kể câu chuyện của họ như thế nào?

Những nhà hoạt động độc lập bị giam giữ trong Nhà tù Seodaemun có Kim Gu - Chủ tịch Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc vào đầu những năm 1910; Yu Gwan-sun - người dẫn đầu một cuộc biểu tình tại khu chợ Aunae ở thành phố Cheonan (tỉnh Chungcheongnam-do) vào năm 1919-1920; An Chang-ho - người đã tiến hành các hoạt động giành độc lập cho đất nước ở châu Mỹ; và Yeo Un-hyeong - người đứng đầu Ủy ban Chuẩn bị Độc lập Hàn Quốc (Committee for the Preparation of Korean Independence, CPKI).

Dù vậy, Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun tổ chức các cuộc triển lãm về các sự kiện thay vì các cá nhân cụ thể vì phong trào giành độc lập không đạt được thông qua nỗ lực của một số ít người anh hùng mà là sự hy sinh của nhiều nhà hoạt động độc lập vô danh.

Ảnh mugshot của các nhà hoạt động độc lập bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Ảnh mugshot của các nhà hoạt động độc lập bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun. (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Những khoảnh khắc hay cá nhân nào liên quan đến Nhà tù Seodaemun đã đặc biệt truyền cảm hứng cho bà?

Nhiều nhà hoạt động độc lập đã bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun sau phong trào kháng Nhật giành độc lập vào ngày 1/3/1919 và trong số đó, nhiều người đã bị tra tấn hoặc tử vong do di chứng của những cuộc tra tấn tàn bạo trong tù.

Tôi nghe nói về những phụ nữ mang thai bị giam giữ được tại ngoại để sinh con nhưng lại bị giam giữ một lần nữa. Một số thậm chí đã phải ngồi tù một năm với những đứa con mới sinh của họ. Tôi thấy thật cảm động khi mặc dù ở trong một nhà tù mất vệ sinh với môi trường khắc nghiệt, những tù nhân khác đã giúp những người phụ nữ này bằng cách giặt tã và chia sẻ thức ăn.

Ngoài ra còn có những nhà hoạt động lớn tuổi như Kang Woo-kyu. Mặc dù đã 64 tuổi, ông vẫn cố gắng ám sát Thủ tướng Nhật Bản Makoto Saito vào năm 1919 bằng cách ném lựu đạn. Sau đó, ông đã bị giam giữ tại Nhà tù Seodaemun và bị hình phạt treo cổ vào năm 1920. Lòng dũng cảm của ông vẫn còn truyền cảm hứng cho đến tận ngày nay.

Công cụ tra tấn (bên trái) và khu vực tái hiện lại các hình ảnh chân thực của trận tra tấn (bên phải). (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)

Công cụ tra tấn (bên trái) và khu vực tái hiện lại các hình ảnh chân thực của trận tra tấn (bên phải). (Ảnh: Lee Jihae / Korea.net)



Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun muốn truyền thông điệp gì tới khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan người nước ngoài?

Giống như câu “Một dân tộc mà quên đi lịch sử đất nước, đó là một dân tộc không có tương lai”, chúng ta phải nhớ về quá khứ và học hỏi từ nó. Chúng ta phải nhớ Nhà tù Seodaemun không chỉ đơn thuần là một nhà tù, mà là nơi đấu tranh giành tự do.

Đối với khách tham quan nước ngoài, chúng tôi cố gắng để nhấn mạnh cách Hàn Quốc đấu tranh giành độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản và sự hy sinh của các nhà hoạt động độc lập đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nền dân chủ hiện đại và nhân quyền của đất nước.

Đánh dấu kỷ niệm 106 năm Phong trào kháng Nhật giành độc lập ngày 1/3/1919, Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun sẽ tổ chức những sự kiện gì?

Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều sự kiện độc đáo nhân dịp kỷ niệm 106 năm Phong trào kháng Nhật giành độc lập ngày 1/3/1919, trong đó có lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ yêu nước, cuộc diễu hành, buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập và các buổi biểu diễn. Tất cả các khách tham quan được miễn phí vé vào cổng từ ngày 1-2/3.

Ngày 1/3 hàng năm, Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun tổ chức các sự kiện để tưởng nhớ sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ đã không ngừng nỗ lực để giành độc lập cho đất nước. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)

Ngày 1/3 hàng năm, Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun tổ chức các sự kiện để tưởng nhớ sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ đã không ngừng nỗ lực để giành độc lập cho đất nước. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun)



Bà cảm thấy thế nào về các chính trị gia và học giả Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đảo Dokdo, hành động hành vi bóp méo lịch sử,...?

Chúng ta phải sửa chữa những hành động bóp méo sự thật lịch sử. Về vấn đề đảo Dokdo, Hàn Quốc phải phản ứng một cách hợp lý bằng bằng chứng dựa trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế. Nghiên cứu và quảng bá có hệ thống quan trọng hơn những phản ứng cảm tính.

Chính phủ Nhật Bản vẫn không thừa nhận về vấn đề lao động cưỡng bức của các nạn nhân Hàn Quốc mà họ đã hứa hẹn như biện pháp tiếp theo để đưa các cơ sở công nghiệp hiện đại thời kỳ Minh Trị (1868-1912) bao gồm cả đảo Hashima (hay còn được gọi là Gunhamdo) vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 2015. Thông qua các tổ chức quốc tế và ngoại giao đa phương, nước ta phải tiếp tục nỗ lực chia sẻ sự thật lịch sử cho cộng đồng quốc tế.

Những vấn đề lịch sử như vậy không chỉ là xung đột giữa hai quốc gia. Những nỗ lực tìm hiểu sự thật lịch sử rất cần thiết để bảo vệ các giá trị phổ quát như nhân quyền và hòa bình. Do đó, cần có những phản ứng có hệ thống như thúc đẩy nghiên cứu học thuật quốc tế và cung cấp tài liệu liên quan bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Dạo gần đây, Hàn Quốc và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác song phương ở lĩnh vực kinh tế, quân sự và ngoại giao. Theo bà, các vấn đề lịch sử nên được giải quyết như thế nào trong động thái này?

Các vấn đề lịch sử vẫn là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Nhật Bản. Ngay cả khi có sự hợp tác chặt chẽ hơn, quan hệ song phương bất cứ lúc nào có thể rơi vào tình trạng căng thẳng nếu các vấn đề lịch sử không được giải quyết. Vì vậy, chúng ta phải duy trì sự hợp tác thực tế nhưng cũng phải không ngừng nỗ lực giải quyết các vấn đề lịch sử.

Bà có lời nào muốn gửi đến độc giả của Korea.net không?

Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun là một không gian quan trọng lưu giữ lịch sử của các phong trào giành độc lập của Hàn Quốc và chia sẻ chúng với toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng nhiều người nước ngoài sẽ tiếp tục quan tâm và đến thăm địa điểm này để cảm nhận và trải nghiệm tinh thần của những nhà hoạt động độc lập.

jihlee08@korea.kr